Thị trường chứng khoán kết tuần giao dịch từ ngày 7 - 11/11/2022 trong sắc đỏ với sự lao dốc của hàng loạt nhóm cổ phiếu với tâm điểm và dòng bất động sản. Dòng tiền khối ngoại và cá nhân trong nước ghi dấu ấn mạnh với việc mua bán hàng nghìn tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua một tuần giao dịch (từ ngày 7 - 11/11/2022) kém tích cực trước áp lực bán giải chấp ở hàng loạt cổ phiếu trong đó có các mã lớn dòng bất động sản.
Chỉ số VN-Index xuyên thủng mức đáy 958 điểm và lùi về mức 947,2 điểm (mức thấp nhất kể từ đầu năm) trước khi phục hồi nhẹ trong phiên cuối tuần nhờ lực mua vào mạnh của khối ngoại sau thông tin lạm phát của Mỹ tích cực hơn kỳ vọng.
Kết tuần, VN-Index giảm 4,3% về mức 954,5 điểm; HNX-Index giảm 7,2% về mức 189,8 điểm; UPCoM-Index giảm 7,6% còn 68,6 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng nhẹ với tổng giá trị giao dịch đạt 11.905 tỷ đồng/phiên - tăng 1,5% so với tuần trước.
Diễn biến các nhóm cổ phiếu phiên 11/11 (Nguồn Vietstock)
Sắc đỏ trên diện rộng, loạt cổ phiếu bất động sản giảm trên 20%: Nhóm bất động sản chịu áp lức bán giải chấp lớn trong bối cảnh nhiều cổ phiếu đã mất giá trên 50%, thậm chí là 70 - 80% từ đỉnh. Điều này là do các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn qua kênh tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp.
Tuần qua, nhiều nhóm cổ phiếu giảm rất mạnh trong đó các cổ phiếu bất động sản, xây dựng là tâm điểm xả hàng với NVL (-30,1%), PDR (-30,1%), DIG (-29,8%), CTD (-26,3%), HBC (-25,5%), FCN (-25,05%), QCG (-24,7%), NHA (-23,8%), DXG (-22,1%), HPX (-21,9%), các cổ phiếu CII, TDH, HUB, HHV, PTC, LGL, SCR, ITC giảm từ 18% đến hơn 21%.
Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu cũng giảm sâu, với các cổ phiếu thép với HPG (-16%), HSG (-27%), NKG (-29,9%), TLH (-14,3%), SMC (-11,1%). Các cổ phiếu hóa chất cũng giảm rất mạnh với các mã tiêu biểu như DGC (- 13,5%), DPM (-2,7%), DCM (-2,4%) ...
Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán lao dốc với với SSI (- 8,1%), VCI (-18,6%), VND (-12,5%), HCM (-14,7%), VIX (- 13,1%) ...
Trong khi đó, ngành ngân hàng chứng kiến sự phân hóa mạnh khi VCB, BID, ACB tăng lần lượt 5,2%, 8,1% và 8,2% trong tuần qua, trong khi TCB và MBB đều giảm 10,6%, VIB giảm 11,4%.
Trong bối cảnh thị trường diễn biến tiêu cực, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu phòng thủ như năng lượng, điện, hàng tiêu dùng để tìm kiếm nơi trú ẩn bao gồm GAS và MSN đều tăng 2,6%, POW tăng 8,2%.
Khối ngoại ngắt chuỗi 2 tuần bán ròng, 4.555 tỷ đổ vào thị trường: Điểm tích cực là trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân trong nước bán mạnh, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng mạnh trên sàn HOSE với giá trị đạt 4.123 tỷ đồng; mua ròng 352 tỷ đồng trên HNX và gần 80 tỷ trên sàn UPCoM.
Cổ phiếu KDH hút ròng tới 533 tỷ đồng trong đó giao dịch chủ yếu ghi nhận trong phiên cuối tuần; cổ phiếu PVS được mua 340 tỷ đồng; VHM hút ròng 297 tỷ đồng. Một số mã khác cũng được khối ngoại mua vào như DGC (234,6 tỷ đồng), SSI (189,5 tỷ đồng), VND (175,4 tỷ đồng), BID (159,2 tỷ đồng) và DPM (140,3 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, hoạt động rút vốn không có nhiều điểm nhấn khi không có mã nào ghi nhận giá trị rút ròng hơn trăm tỷ đồng. Cổ phiếu HSG bị bán ròng nhiều nhất với 40,4 tỷ đồng, KDC (40,3 tỷ đồng), HDB (35,8 tỷ đồng), OCB (30,7 tỷ đồng), DGW (23,4 tỷ đồng), FTS (16,3 tỷ đồng), HDC (12,4 tỷ đồng), VPB (11,2 tỷ đồng).
Hai đại diện còn lại trong danh mục bán ròng là VIX và VPG với giá trị lần lượt là 7,7 tỷ đồng và 5,6 tỷ đồng.
Tự doanh chứng khoán mua ròng 3 tuần liên tiếp: Đồng pha, tự doanh công ty chứng khoán giảm quy mô mua ròng cổ phiếu xuống còn gần 195 tỷ đồng và có tuần thứ ba mua vào liên tiếp. Nhóm này mua ròng 152,4 tỷ đồng trên HOSE; 8,5 tỷ trên HNX và đảo chiều mua ròng 51 tỷ trên thị trường UPCoM.
Cổ phiếu KDH dẫn đầu giá trị bán ròng với gần 164 tỷ đồng, theo sau là GMD (139 tỷ đồng), TCB (132,6 tỷ đồng). Những mã còn lại bị bán ròng với giá trị dưới 65 tỷ đồng như TPB (61 tỷ đồng), TDP (53 tỷ đồng), CTG (44,5 tỷ đồng), MSB (38,5 tỷ đồng).
Ngược lại, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản là tâm điểm. Mã EIB hút ròng 139 tỷ đồng, KBC (133 tỷ đồng), SSI (77 tỷ đồng), VND (41,2 tỷ đồng), VCI (39,8 tỷ đồng), HPG (39,2 tỷ đồng), ACB (37,8 tỷ đồng), STB (33,8 tỷ đồng), VPB (32,2 tỷ đồng) và ACB (31,5 tỷ đồng).
Dòng tiền cá nhân đảo chiều gây áp lực, 5.555 tỷ được rút khỏi thị trường: Ngược chiều khối ngoại, tự doanh, nhà đầu tư cá nhân trở lại bán ròng 5.555 tỷ đồng trên HOSE.
Nhóm cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh nhất tuần với giá trị 878 tỷ đồng. Cá nhân trong nước cũng bán ròng 792 tỷ đồng nhóm ngân hàng, 706 tỷ đồng ngành hóa chất. Một số nhóm cũng bị xả bán lớn như thực phẩm & đồ uống (603 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (537 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (369 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (322 tỷ đồng),….
hống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện DGC với 282,6 tỷ đồng; hai mã cũng nhóm là DPM và DCM lần lượt bị bán 214,5 tỷ và 182,6 tỷ đồng.
Loạt cổ phiếu tài chính, ngân hàng như CTG, SSI, VND, BID bị bán từ 195 – 280 tỷ đồng. Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như VHM (252,9 tỷ đồng), VNM (247,9 tỷ đồng), POW (216 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VPB hút ròng 92 tỷ ; HDB được mua 44,7 tỷ đồng; các mã khác như KDC, HSG, DIG, FIR, HDC, FTS cũng được gom với giá trị dưới 40 tỷ đồng.