Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều dư địa phát triển
Về vấn đề phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Duy lạc quan rằng “thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam mới qua chu kỳ đầu tiên và còn rất nhiều dư địa phát triển. Đầu tiên, một trong những “nỗi lo” của thị trường, sẽ không còn gây áp lực lớn trong năm 2025.
Dư nợ đã giảm nhưng áp lực không nhỏ
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, so với giai đoạn 2022 – 2023, thời điểm tăng trưởng “nóng” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, số lượng trái phiếu chậm trả nợ gốc, lãi đã giảm đáng kể trong năm 2024, dù vậy, vẫn gây áp lực không nhỏ lên thị trường.
“Tính đến hết tháng 11/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường.
Dư nợ đã giảm nhưng áp lực không nhỏ |
Trong đó, nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 69% giá trị chậm trả. Riêng trong tháng 12/2024, trong số 51 lô trái phiếu đến ngày đáo hạn, có 15 lô trái phiếu đứng trước nguy cơ chậm trả nợ gốc.
Đáng chú ý, hầu hết những lô trái phiếu này đều đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó”, Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho hay.
Đáng chú ý, nỗi lo còn kéo dài sang tận năm 2025 khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định về việc giới hạn thời gian gia hạn trái phiếu hết hiệu lực, dẫn đến khối lượng lớn trái phiếu đáo hạn tập trung từ quý II/2025.
Ước tính trong 12 tháng tới, có khoảng 105 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong số đó, ước tính có khoảng 21 nghìn tỷ đồng trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc.
Trước áp lực trả nợ trái phiếu, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đàm phán với trái chủ để xin gia hạn. Theo ước tính của VIS Rating, có khoảng 1/3 số trái phiếu chậm trả nợ đã được gia hạn.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp lại chọn hoán đổi trái phiếu sang các tài sản khác, chẳng hạn như cổ phiếu công ty hoặc bất động sản. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia nhận định các nhà đầu tư vẫn là người gánh chịu nhiều rủi ro.
Chẳng hạn, lô trái phiếu chậm trả của Công ty Cổ phần Crystal Bay – một công ty thuộc nhóm ngành du lịch được bảo đảm bằng 78,2 triệu cổ phiếu của công ty. Theo VIS Rating, những cổ phiếu là tài sản đảm bảo này có tính thanh khoản thấp do đây là cổ phiếu của công ty không niêm yết.
“Những doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi thường là các doanh nghiệp có hồ sơ tín nhiệm yếu với dòng tiền hoạt động âm, đòn bẩy cao và nguồn tiền mặt hạn chế. Trong số trái phiếu chậm trả, sẽ có những trường hợp doanh nghiệp không thể trả được tiền hoặc chỉ trả được một phần rất nhỏ so với số tiền đầu tư ban đầu, gây ra thua lỗ cho lớn nhà đầu tư”, ông Nguyễn Đình Duy, CFA, Giám đốc - Chuyên gia phân tích cấp cao của VIS Rating, nhận định.
Thị trường còn nhiều dư địa phát triển
Chính phủ đã đặt mục tiêu đưa dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt ít nhất 20% GDP vào năm 2025. Thế nhưng hiện tại, quy mô thị trường chỉ đạt khoảng 10% - 11%, tức cách mục tiêu đề ra tương đối xa.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Duy lạc quan rằng “thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam mới qua chu kỳ đầu tiên và còn rất nhiều dư địa phát triển.
Thị trường còn nhiều dư địa phát triển. |
Bước sang năm 2025, theo ông Duy thị trường này sẽ không còn gây áp lực lớn cho nền kinh tế.
“Ước tính trong năm 2025, có khoảng hơn 230 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Trong đó, có gần 1/2 trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản dân cư, 1/4 của các ngân hàng và còn lại là các doanh nghiệp thuộc những ngành khác. So với quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện tại, giá trị đáo hạn năm 2025 không lớn.
Chưa kể, với triển vọng môi trường tín nhiệm năm 2025 ổn định, rủi ro tái cấp vốn sẽ ở mức thấp. Số trường hợp chậm trả gốc, lãi trái phiếu mới trong năm 2025 cũng sẽ ở mức thấp sau khi đã giảm mạnh trong năm 2024”, ông Duy dẫn chứng.
Ông Duy cũng khẳng định các doanh nghiệp bất động sản – nhóm đang có nhiều trái phiếu chậm trả – ghi nhận nhiều điểm tích cực. Thị trường bất động sản đã dần có dấu hiệu phục hồi cùng với những tín hiệu tích cực từ việc nhiều dự án bất động sản đã dần tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý để có thể tiếp tục xây dựng và bàn giao sản phẩm cho khách hàng.
Ví dụ như việc UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận quy hoạch một phần phân khu Aqua City của Novaland đã giúp doanh nghiệp tiếp cận khoản vay 13.000 tỷ đồng, tạo dòng tiền cần thiết để xử lý nợ trái phiếu chậm trả.
Nhu cầu bất động sản kể từ quý III/2024 duy trì tích cực, thể hiện qua tỷ lệ hấp thụ cao và tăng trưởng cho vay mua nhà phục hồi về mức 7% so với chỉ 1% trong 2023. Từ mức nền tích cực đó, cung và cầu nhà ở sẽ được cải thiện trong năm 2025, thúc đẩy dòng tiền cũng như lợi nhuận của các công ty bất động sản, qua đó cải thiện hồ sơ tín nhiệm của các doanh nghiệp này, từ đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thêm nguồn tiền để trả nợ trái phiếu.
Còn đối với trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng, áp lực đáo hạn không quá nặng nề nhờ khả năng quay vòng vốn cũng như sức khỏe tài chính ổn định.
Bên cạnh đó, nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp rất lớn nhưng hiện tại lại đang chủ yếu phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Tuy nhiên, khả năng cho vay của ngân hàng lại bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố khắt khe nhằm đảm bảo an toàn hoạt động và giảm rủi ro tín dụng.
Do đó, theo ông Duy, các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng quay trở lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp để thêm kênh huy động vốn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh trong bối cảnh cần mở rộng quy mô và tăng trưởng.
“Trong năm 2025, xu hướng phát hành trái phiếu vẫn thuộc về 2 nhóm ngành chính là ngân hàng và bất động sản. Nhiều ngân hàng thương mại đang có kế hoạch phát hành trái phiếu mới để tiếp tục cải thiện tỷ lệ an toàn vốn cũng như gia tăng nguồn huy động kỳ dài hạn. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản năm 2025 cũng đang có nhu cầu phát hành trái phiếu để triển khai các dự án trong năm 2025 sau khi được tháo gỡ về pháp lý. Các nhóm ngành chứng khoán, điện, hạ tầng cũng cần huy động vốn dài hạn”, ông Duy cho hay.
Những thay đổi về các quy định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua, mới nhất là Luật Chứng khoán sửa đổi, cũng sẽ đưa thị trường phát triển theo hướng lành mạnh hơn. Tính kỷ luật đối với các chủ thể tham gia thị trường được nâng cao, thông tin cũng trở nên minh bạch hơn, không chỉ đối với giai đoạn phát hành mà cả việc công bố thông tin định kỳ sau khi phát hành.
Nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp được “bảo vệ” tốt hơn khi điều kiện tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nếu doanh nghiệp phát hành đáp ứng một trong hai điều kiện: có xếp hạng tín nhiệm và tài sản bảo đảm, hoặc có xếp hạng tín nhiệm và bảo lãnh thanh toán từ tổ chức tín dụng.
Việc đẩy mạnh hoạt động xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp gia tăng kỷ luật thị trường, góp phần gián tiếp cải thiện chất lượng của các đợt phát hành. Kết quả xếp hạng tín nhiệm và việc cập nhật thông tin thường xuyên từ phía đơn vị xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp các nhà đầu tư có thêm kênh tham khảo, hình thành các mức tham chiếu để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn hơn.
“Đây sẽ là yếu tố quan trọng giúp thu hút các nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam”, ông Duy nhận định.
>>Thời điểm căng nhất về đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp 2025 sẽ bắt đầu từ quý III
Trái phiếu doanh nghiệp trở lại thời sôi động: ‘Cần thêm thời gian’
Thời điểm căng nhất về đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp 2025 sẽ bắt đầu từ quý III