Huyện này có vị trí quan trọng trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Chiều 24/1, UBND huyện Đức Cơ (Gia Lai) - nơi có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh - tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và kết nối tiêu thị sản phẩm năm 2024.
Tại hội nghị, UBND huyện Đức Cơ đã giới thiệu danh mục 22 dự án xúc tiến đầu tư. Có thể kể đến dự án nhà ở thương mại (tổ dân phố 1, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) với quy mô 28 ha; dự án Chợ Đức Cơ; dự án Khu du lịch Thác Đôi quy mô 74,4 ha hay dự án Khu du lịch văn hóa, thể dục, thể thao huyện Đức Cơ.
Bản đồ tỉnh Gia Lai |
>> Các dự án bất động sản kêu gọi đầu tư mới: Thanh Hóa tìm chủ cho dự án khu đô thị hơn 1.600 tỷ
Theo ông Vũ Mạnh Định, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, huyện có vị trí quan trọng trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia với Quốc lộ 19 là trục giao thông gắn kết Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Quốc lộ 14C với tuyến hành lang biên giới Việt Nam - Campuchia.
Huyện cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 50km. Đây là điều kiện quan trọng để thông thương với các tỉnh của nước bạn lân cận, thuận lợi khai thác tiềm năng về kinh tế - xã hội và giao lưu quốc tế thông qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
Đặc biệt, huyện Đức Cơ có diện tích đất sản xuất nông nghiệp rộng lớn và màu mỡ, khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng như: cây cao su 13.000ha, cây điều 26.000ha, cây cà phê 9.000ha, sầu riêng gần 1.000ha, hồ tiêu 680ha.
Ngành chăn nuôi của huyện cũng phát triển ổn định, trong đó ngành nghề dẫn dụ và gây nuôi chim yến đang phát triển nhanh về số lượng cũng như sản lượng. Ngoài ra, có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (hạt điều, yến tổ, sầu riêng…).
Huyện Đức Cơ cũng xây dựng phương án phát triển Cụm công nghiệp huyện Đức Cơ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với diện tích 75ha tại thôn Ia Kăm, xã Ia Kriêng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung của tỉnh.
Sau khi Cụm công nghiệp huyện được thành lập sẽ ưu tiên phát triển các ngành nghề: chế biến nông lâm sản; thực phẩm; sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; vật liệu xây dựng; thủ công mỹ nghệ…; sản xuất sản phẩm cơ khí, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc nông cụ, thiết bị phục vụ nông nghiệp nông thôn; Các ngành CN phụ trợ…
>> Nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình