Thiếu hụt năng lượng toàn cầu lan rộng, Việt Nam có nguy cơ thiếu điện?

12-05-2023 10:18|Thảo Đan

Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng và vẫn đẩy lạm phát leo thang.

Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cuộc khủng hoảng năng lượng đã tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử, thúc đẩy các nguồn năng lượng sạch và hình thành một hệ thống năng lượng bền vững. Một loạt các nước đã “bật đèn xanh” cho chính sách năng lượng tái tạo trong năm qua nhằm mục đích mở rộng quy mô năng lượng gió và năng lượng mặt trời, cùng với sự phát triển của các công nghệ như thu giữ carbon, carbon dioxide - nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu - và lưu trữ nó trong lòng đất. Mỹ đã ban hành Luật giảm lạm phát – luật khí hậu tham vọng nhất trong lịch sử nước này.

Tuy niên, khủng hoảng năng lượng vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các quốc gia trên thế giới. Khi thế giới bước sang năm 2023, giới chức và nhà nghiên cứu của các nước đã bắt đầu đưa ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại để đảm bảo quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh diễn ra tốt đẹp.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu năm 2022

Căng thẳng giữa Nga - Ukraine vào tháng 2/2022 và các biện pháp trừng phạt sau đó của phương Tây đã tạo ra áp lực mới đối với năng lượng, trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp và không đủ để đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVId-19.

Các công ty năng lượng hàng đầu thế giới đã nhanh chóng rút khỏi Nga. Các quốc gia châu Âu vội vã tìm mọi cách để đảm bảo nguồn năng lượng cho mùa đông.

Giá khí đốt tự nhiên đạt mức cao nhất trong nhiều năm và giá dầu lên gần 140 USD/thùng, gần mức kỷ lục mọi thời đại, gây ra vòng xoáy lạm phát hậu đại dịch, tạo ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia.

Các nền kinh tế lớn trên thế giới làm mọi cách để tìm nguồn năng lượng thay thế cho nguồn cung từ Nga. Các chính phủ đẩy nhanh triển khai năng lượng mặt trời và gió, nhưng cũng đẩy mạnh mua than, khiến các mục tiêu về biến đổi khí hậu đã bị trì hoãn.

Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trong năm 2022 khiến phần lớn các khu vực trên thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong khi giá dầu, khí đốt và điện tăng mạnh.

Các quốc gia châu Âu đã tiêu tốn hàng trăm tỷ Euro để ứng phó với khủng hoảng năng lượng. Từ tháng 9/2021 đến nay, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) đã phân bổ 681 tỷ Euro xử lý cuộc khủng hoảng này, cộng thêm 103 tỷ Euro được phân bổ ở Anh và 8,1 tỷ Euro ở Na Uy...

Các nước châu Âu tốn bao nhiêu để ứng phó khủng hoảng năng lượng? - Ảnh 1

Chưa thể kết thúc trong năm 2023?

Khi bước sang năm 2023, tình trạng lộn xộn vẫn chưa kết thúc nhất là trong quý 1. Các nền công nghiệp lớn cũng đang chuẩn bị đối phó với những hạn chế về nguồn cung vào năm 2023 và cả những năm sau đó.

Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng và vẫn đẩy lạm phát leo thang. Chính vì vậy, câu hỏi giá năng lượng, thị trường năng lượng có những định hình ra sao trong năm 2023 đang là điều được nhiều người quan tâm.

Ông Fatih Birol - Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết: Dự báo tiêu thụ năng lượng toàn cầu sẽ tăng 1,3% trong năm 2023, nhỉnh hơn một chút so với ước tính tăng trưởng 0,9% của năm 2022.

Để thoát khỏi phụ thuộc năng lượng của Nga, châu Âu đã và đang tiếp cận các nhà cung cấp khí đốt lớn từ Mỹ, Na Uy, Algeria, các nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng từ Trung Đông, châu Phi, đồng thời nỗ lực chuyển đổi năng lượng tái tạo bằng việc ký kết thỏa thuận với các nước Nam Kavkaz, thông qua kế hoạch hỗ trợ năng lượng tái tạo trị giá 28 tỷ Euro, hay mới nhất là thỏa thuận hợp tác giữa Đức và Na Uy. Giá khí đốt tự nhiên cũng giảm xuống mức kỷ lục do nhu cầu tiêu thụ hạn hẹp, lo ngại suy thoái kinh tế càng cao.

Giá khí đốt tự nhiên lao dốc mạnh khi nhu cầu tiêu thụ khó khăn hơn

Vì vậy, các liên minh năng lượng toàn cầu thay đổi khiến châu Âu phải tìm đến các giải pháp năng lượng thay thế như năng lượng xanh hay chuyển giao các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thép, phân bón sang các quốc gia khác.

Theo Báo cáo triển vọng năng lượng năm 2023, Công ty Phân tích năng lượng và hàng hoá S&P Global Commodity Insights (Mỹ) nhận định, mặc dù giá khí đốt tự nhiên, than đá và dầu thô dự kiến sẽ giảm, song thị trường năng lượng và khí đốt ở châu Âu có thể bị thắt chặt hơn vào năm 2023. Giá khí đốt tự nhiên dự kiến vẫn ở mức tương đối cao so với trung bình nhiều năm, nhiều khả năng các Chính phủ sẽ đặt trọng tâm vào cải cách cơ cấu thị trường điện của châu Âu để làm giảm ảnh hưởng giá khí đốt tới giá điện trong năm 2023.

Hiện giá hợp đồng tương lai dầu thô Brent (kỳ hạn tháng 6) đang dao động ở quanh mức 80 USD/thùng, thậm chí có thời điểm xuống dưới 70 USD/thùng. Theo 2 đại diện của nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC là Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất và Công ty Dầu Saudi Arabia giá dầu đang ở mức cân bằng song lại thấp hơn so với các năm trước.

Giá dầu dao động quanh mức 80 USD trong 1 tháng trở lại đây

Năm 2023 dự báo là một năm triển vọng hơn cho phân ngành năng lượng tái tạo so với nhiên liệu hóa thạch. Ước tính tiêu thụ năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ tăng 11% trong năm 2023.

Tuy nhiên, thách thức mà phân ngành năng lượng này hiện nay phải đối mặt là làm thế nào để thiết kế lại toàn bộ hệ thống trong khi vẫn duy trì nguồn cung cấp ổn định, giá cả phải chăng và bền vững cho hành tinh.

Khủng hoảng năng lượng toàn cầu ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào?

Tác động lớn nhất từ cuộc khủng hoảng năng lượng đối với Việt Nam là giá các loại năng lượng nhập khẩu sẽ tăng theo giá thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang là nước nhập khẩu ròng năng lượng với mức nhập khẩu đáng kể than, dầu và tương lai gần sẽ là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Để tránh đi vào vết "xe đổ" khủng hoảng năng lượng gây nên tình trạng thiếu điện trên thế giới hiện nay, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng Việt Nam không thiếu điện. Ngoài ra, nước ta đã và đang thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng và đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, đa dạng hoá các nguồn năng lượng sơ cấp.

Bộ Công Thương cũng cho biết, căn cứ tính toán cập nhật về kế hoạch cung cấp điện, cơ bản Việt Nam sẽ không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong cả nước.

Tuy nhiên trong thời gian tới, trường hợp nhu cầu phụ tải tăng cao đột biến trong các ngày thời tiết cực đoan nắng nóng kéo dài hoặc sự cố xếp chồng các nhà máy điện lớn, đường dây truyền tải quan trọng, khu vực miền Bắc có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh tại một số giờ cao điểm.

Từ ngày 4/5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông báo tăng giá điện với mức tăng 3%. Sau đó, EVN cũng đã có báo cáo khẩn gửi Bộ Công Thương liên quan việc cung ứng điện, đặc biệt trong các tháng hè năm 2023 do nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc.

EVN cho biết, tập đoàn có nguy cơ thiếu 4.900 MW điện ở miền Bắc do thời tiết nắng nóng, hồ thuỷ điện không đủ cung ứng đủ điện như kế hoạch do mực nước trong hồ thấp. Ngoài ra, nguy cơ thiếu điện còn xuất phát từ việc giá than nhập khẩu và than trong nước tăng cao khiến các nhà máy điện càng phát điện càng lỗ nặng. Sản lượng điện tiêu thụ tăng cao, đặc biệt ở các thành phố lớn khiến việc bổ sung lượng than thiếu hụt gặp khó khăn và đã xảy ra tình trạng thiếu than tại các nhà máy trong một vài thời điểm.

Số liệu của EVN cho thấy, từ tháng 4, lượng điện tiêu thụ ở miền Bắc và miền Trung tăng rất cao. Từ ngày 1 - 15/4, sản lượng trung bình đạt 792 triệu kWh/ngày (bằng 100,52% kế hoạch). Từ ngày 16 - 21/4, sản lượng trung bình đạt 823 triệu kWh/ngày (bằng 104,49% kế hoạch).

EVN tìm “chìa khoá” để đảm bảo nguồn cung điện trước mùa cao điểm

Tính theo biểu giá 6 bậc thang mới, người dân phải trả thêm bao nhiêu tiền điện mỗi tháng?

Giá điện tăng nóng từ hôm nay 4/5

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thieu-hut-nang-luong-toan-cau-lan-rong-viet-nam-co-nguy-co-thieu-dien-182034.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thiếu hụt năng lượng toàn cầu lan rộng, Việt Nam có nguy cơ thiếu điện?
POWERED BY ONECMS & INTECH