Thói quen mua bán xe không sang tên đổi chủ dễ 'tiền mất tật mang'
Nhiều người có thói quen mua bán xe bằng giấy tờ viết tay và không làm thủ tục sang tên đổi chủ. Việc này khiến chủ xe cũng như người mua dễ gặp rắc rối về pháp lý và bị xử phạt.
Từ vụ việc ông B.X.H. tranh chấp sau khi mua xe máy nhãn hiệu Honda SH gắn biển số "ngũ quý 9" cho thấy thói quen mua bán xe cũ bằng giấy tờ viết tay và không làm thủ tục sang tên đổi chủ gây ra không ít phiền hà. Hiện nay, nhiều người vẫn có thói quen này.
Anh N.X.Kh (trú tại Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, anh mua lại xe máy nhãn hiệu Honda Lead mang biển số Hà Nội của một người quen vào tháng 10/2023 nhưng đến nay chưa đi làm thủ tục sang tên đổi chủ.
"Tôi nghĩ mua xe máy của người quen nên không cần đi làm thủ tục sang tên, chưa lường tới tình huống tranh chấp tài sản hoặc gặp rắc rối khi bị phạt nguội", anh N.X.Kh chia sẻ.
Chị N.T.H. (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, dù đã bán 2 xe máy đứng tên của mình nhưng chưa bao giờ chị đi làm thủ tục sang tên đổi chủ. "Khi bán xe, tôi được họ viết cho 1 tờ giấy biên nhận rồi ký vào chứ không phải làm thủ tục sang tên đổi chủ. Người mua nói rằng ai cũng làm vậy nên tôi không thắc mắc gì thêm", chị N.T.H. nói.
Mua bán xe không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt
Nghị định 100/2019 sửa đổi, bổ sung tại nghị định 123/2021 quy định, trường hợp mua bán xe máy cũ nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ sẽ phạt tiền từ 400 nghìn - 600 nghìn đồng với cá nhân và 800 nghìn - 1,2 triệu đồng đối với tổ chức.
Với ô tô, khi mua xe nhưng không làm thủ tục đăng ký sang tên xe sẽ bị phạt tiền 2 - 4 triệu đồng với cá nhân và 4 - 8 triệu đồng đối với tổ chức.
Việc không sang tên đổi chủ sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt trong quá trình giải quyết thủ tục như đăng ký, cấp biển số. Đặc biệt, trong quá trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, lực lượng CSGT sẽ tra cứu thông tin của phương tiện đó để giải quyết vấn đề pháp lý.
Nếu phát hiện việc mua bán xe chưa làm thủ tục sang tên, người bán (đang đứng tên phương tiện) còn phải đối mặt với vấn đề về pháp lý liên quan đến việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển (nếu có).
Người mua bán xe cần làm gì?
Từ ngày 15/8/2023, biển số ô tô, xe máy đã được định danh theo người, nên không được phép mua bán, sang nhượng biển số (trừ biển số ô tô được cấp theo phương thức trúng đấu giá, được bán kèm theo xe).
Theo Thông tư 24/2023, chủ xe khi chuyển nhượng phải giữ lại biển số và đăng ký xe, không được bán xe kèm theo biển số. Người bán nộp giấy đăng ký, biển số xe cho công an để làm thủ tục thu hồi. Biển số này sẽ được cấp lại khi chủ xe đăng ký cho xe khác thuộc quyền sở hữu của mình.
Biển số định danh này được giữ lại cho chủ xe trong thời hạn 5 năm kể từ ngày thu hồi. Quá thời hạn này, nếu chủ xe chưa đăng ký thì biển số định danh đó được chuyển vào kho biển số để cấp cho người khác.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ bán xe, chủ xe phải làm thủ tục thu hồi biển số. Nếu quá thời hạn mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi hoặc giao chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe làm thủ tục thu hồi thì trước khi giải quyết, cơ quan đăng ký xe sẽ ra quyết định xử phạt.
Trường hợp chủ xe không làm thủ tục thu hồi sau khi chuyển quyền sở hữu xe thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm liên quan đến xe đó.
Sau khi chủ xe làm thủ tục thu hồi, người mua (chủ mới) làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định.
>>Vụ tranh chấp biển 'ngũ quý 9' và yếu tố mấu chốt về biển số định danh