Thời tiết ngày càng khắc nghiệt: Trong khi Việt Nam và Trung Quốc ‘vật lộn’ với lũ lụt, Nhật Bản đối mặt mùa hè 'chết chóc' khiến 252 người thiệt mạng
Một đợt nắng nóng tàn khốc đã khiến số người tử vong ở Tokyo đạt mức kỷ lục, bất chấp những nỗ lực tăng cường của Chính phủ nhằm cảnh báo người dân về các rủi ro liên quan đến nhiệt độ.
Theo số liệu chính thức, có 252 người đã tử vong vì say nắng ở thủ đô Nhật Bản trong khoảng thời gian từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 9. Hầu hết các trường hợp liên quan đến người cao tuổi, được phát hiện đã chết trong nhà khi đã tắt điều hòa. Con số này vượt qua kỷ lục trước đó là 251 ca tử vong liên quan đến say nắng ở Tokyo trong cả năm ngoái.
Số lượng người chết vẫn tăng cao mặc dù chính phủ đã triển khai một hệ thống cảnh báo sốc nhiệt mới vào tháng 4, phát đi cảnh báo ở 58 khu vực trên toàn quốc, cùng với chiến dịch mùa hè kéo dài để khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bao gồm uống nhiều nước, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp khi có thể và sử dụng điều hòa không khí ở trong nhà.
Theo dữ liệu từ Văn phòng Giám định Y khoa Tokyo, người cao tuổi là nhóm có nguy cơ cao nhất, với 98 trong số 252 ca tử vong ở Tokyo thuộc về người từ 80 tuổi trở lên. Các ca tử vong khác gồm 82 người ở độ tuổi 70, 32 người từ 90 tuổi trở lên và 27 người ở độ tuổi 60, theo báo Mainichi.
Phần lớn những người chết đều ở trong nhà và 215 người trong số đó không có hoặc không sử dụng điều hòa, cho thấy nhiều người cao tuổi có thu nhập cố định ngại phải chi trả hóa đơn điện cao hơn. Khách du lịch nước ngoài cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng trong những đợt nắng nóng nghiêm trọng vì nhiều người dành cả ngày ở ngoài trời, đi bộ giữa các điểm tham quan.
Theo các chuyên gia về khí hậu, Nhật Bản đang trải qua những mùa hè nóng bức kỷ lục trong hai năm trở lại đây và xu hướng nóng lên toàn cầu đang ngày càng nghiêm trọng, dự báo tình trạng này sẽ còn tiếp diễn và có thể trở nên tồi tệ hơn.
Yoshihiro Iijima, giáo sư khí hậu học tại Đại học Tokyo, Metropolitan, cho biết: "Có một số yếu tố góp phần gây ra tình trạng nắng nóng khắc nghiệt của mùa hè năm nay, bao gồm các hệ thống thời tiết áp thấp áp thấp chiếm ưu thế ở Nhật Bản và phần lớn Đông Á".
Bên cạnh đó, hiện tượng El Nino kéo dài đã góp phần làm tăng nhiệt độ bề mặt biển và gây biến đổi khí hậu bất thường. Tuy nhiên, Iijima chỉ ra rằng hiện tượng El Nino kéo dài hai năm thường được theo sau bởi hiện tượng La Nina ôn hòa hơn, nhưng các nhà khoa học cảnh báo rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục tác động mạnh mẽ đến khí hậu, khiến thời tiết trở nên khó dự đoán và cực đoan hơn.
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, mùa hè năm nay tại Nhật Bản đã thiết lập một kỷ lục đáng báo động khi trở thành mùa nóng nhất trong lịch sử 126 năm qua, ngang bằng với mức nhiệt kỷ lục của năm 2023. Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, nhiệt độ trung bình từ tháng 6 đến tháng 8 đã tăng 1,76 độ C so với mức bình thường. Theo ghi nhận từ các trạm quan trắc, số ngày nắng nóng cực đoan (trên 35 độ C) đã tăng vọt lên 8.821 ngày, vượt xa kỷ lục năm ngoái là 6.692 trường hợp. Đặc biệt, tại 144 trong tổng số 914 địa điểm quan trắc, nhiệt độ cao nhất đã phá vỡ kỷ lục cũ. Điển hình là tại Sano, tỉnh Tochigi, nhiệt độ đã lên tới 41 độ C, chỉ thấp hơn kỷ lục quốc gia 0,1 độ C.
Để chuẩn bị cho mùa hè nóng bức kỷ lục, các cơ quan chức năng đang tăng cường cảnh báo về nguy cơ sốc nhiệt. Theo bản đồ thời tiết mới nhất của Cơ quan Khí tượng, gần như toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản, ngoại trừ Okinawa, đang đối mặt với khả năng nhiệt độ cao hơn trung bình tới 70% trong tuần này.
Vào năm 2020, Bộ Môi trường đã giới thiệu trang web Thông tin Phòng ngừa Bệnh do Nhiệt, cung cấp cảnh báo khi chỉ số WBGT, một thước đo nhiệt độ và độ ẩm, vượt quá ngưỡng an toàn. Các khu vực có WBGT trên 31 được đánh dấu màu đỏ, trong khi cảnh báo sốc nhiệt được đánh dấu màu tím và các điều kiện khắc nghiệt nhất được hiển thị màu đen. Trong dự báo ngày 10/9, hầu hết các khu vực ngoại trừ Hokkaido và hai tỉnh phía bắc khác đều được tô màu đỏ.
Bộ Y tế cũng đã vạch ra các biện pháp phòng ngừa say nắng, đặc biệt là đối với những nhóm dễ bị tổn thương như người già, trẻ em và người khuyết tật.
Iijima nhấn mạnh rằng nhiều sáng kiến của Chính phủ, mặc dù có ý định tốt, nhưng sẽ không đạt được hiệu quả nếu không được truyền đạt hiệu quả tới công chúng. “Điều tốt là họ đang cố gắng cảnh báo mọi người về tình trạng nắng nóng và cung cấp thông tin về các bước họ có thể thực hiện để giảm khả năng bị say nắng, nhưng những lời giải thích này rất phức tạp".
Theo SCMP
>> Trung Quốc: Mưa lớn tiếp tục hoành hành gây lũ lớn tại các tỉnh giáp Việt Nam
Tuyên Quang: Di dời khẩn cấp gần 700 hộ dân trong vùng nguy cơ cao xảy ra ngập lụt
Việt Nam, Trung Quốc phối hợp chặt chẽ trong phòng, chống lũ lụt, khắc phục hậu quả bão Yagi