Tài chính Ngân hàng

Thống đốc NHNN: Sở hữu chéo có thể xử lý triệt để bằng 1 quy định

Mạc Thùy 19/09/2023 - 10:38

Tình trạng "sân sau" trong ngân hàng đang là vấn đề nhức nhối của ngành, Thống đốc NHNN cho rằng vẫn có thể xử lý triệt để.

Sáng 18/9, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, về lĩnh vực ngân hàng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, các nội dung yêu cầu tại Nghị quyết số 134/2020 và Nghị quyết số 62/2022 cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.

Trong đó, các giải pháp thu hút ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước được triển khai tích cực. Các hoạt động thanh tra, giám sát được tăng cường, đổi mới. Xử lý có hiệu quả vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Kết quả xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Tín dụng tăng trưởng khá hợp lý, chất lượng tín dụng được cải thiện.

Báo cáo giải trình liên quan đến thực trạng vấn đề sở hữu chéo, thao túng, sân trước sân sau trong lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết đây là vấn đề Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và yêu cầu NHNN hoàn thiện văn bản quy định của pháp luật cũng như khi triển khai trong thực tiễn để khắc phục.

"Thực tế thì trên hồ sơ thì tình trạng sở hữu chéo đến nay đã được khắc phục. Tức là trên hồ sơ cá nhân, tổ chức nào nắm giữ tỷ lệ cổ phần như thế nào đối với hệ thống ngân hàng qua hoạt động cho vay đã thể hiện", bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Thống đốc NHNN: Sở hữu chéo có thể xử lý triệt để bằng 1 quy định
Thống đốc NHNN - Bà Nguyễn Thị Hồng

Song, Thống đốc NHNN nhìn nhận, thực tế các tổ chức, cá nhân có thể đứng tên hoặc nhờ đứng tên sở hữu cổ phần, thậm chí thành lập doanh nghiệp trong hệ sinh thái để cho vay vốn ngân hàng.

"Vấn đề này qua điều tra các vụ việc vừa qua mới phát hiện ra. Cho nên đây là vấn đề Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm", bà Nguyễn Thị Hồng nói và cho biết khi xây dựng dự thảo Luật về các tổ chức tín dụng, những vấn đề này được coi là trọng tâm. Cụ thể, trong dự thảo Luật đã thiết kế trong một nhóm vấn đề để làm sao giảm được hiện tượng này bằng các giải pháp: Mở rộng phạm vi khái niệm người có liên quan; Giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng; Giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng…

Tuy nhiên, theo Thống đốc NHNN, quá trình xin ý kiến vẫn còn những ý kiến băn khoăn, ví dụ quy định này có xử lý được triệt để, chống được sở hữu chéo, sân trước sân sau không trong ngân hàng?

"Nếu chờ có một quy định xử lý triệt để sẽ không bao giờ có. Mà các quy định cần phải hướng đến không chỉ luật về các tổ chức tín dụng mà trong các lĩnh vực khác, phải có các quy định, làm sao để hoạt động của doanh nghiệp, người dân ngày càng minh bạch. Cụ thể là thông tin về tỷ lệ sở hữu hay thông tin về giao dịch của doanh nghiệp hay cá nhân… phải minh bạch ", bà Hồng cho hay.

Điều quan trọng nữa để xử lý tình trạng sở hữu chéo, sân trước sân sau trong ngân hàng là vấn đề thực thi luật thì doanh nghiệp, người dân phải tuân thủ. Theo Thống đốc, trong trường hợp cố tình nhờ người khác đứng tên thì rõ ràng việc xử lý nằm ở các cơ quan điều tra.

Bên cạnh đó, nhiều quan điểm cho rằng nếu quy định cứng trong luật này sẽ tác động đến thị trường chứng khoán, gây tăng chi phí. Theo bà Hồng, xây dựng quy định "siết" sở hữu chéo sẽ giúp đảm bảo an toàn hệ thống và kiểm soát được những rủi ro, nhưng nó sẽ tác động đến thị trường chứng khoán, sự điều tiết thị trường của nền kinh tế.

Top 5 cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị MUA, kỳ vọng lãi đến 39%

Tỷ giá tăng không ngừng, Thống đốc NHNN nói gì?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN): Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm

Phó Thống đốc NHNN: Mở cửa cho vay ồ ạt hay là hạn chế điều kiện tín dụng?

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thong-doc-nhnn-so-huu-cheo-co-the-xu-ly-triet-de-bang-1-quy-dinh-201279.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thống đốc NHNN: Sở hữu chéo có thể xử lý triệt để bằng 1 quy định
POWERED BY ONECMS & INTECH