Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, tăng tiếp cận tín dụng đang là vấn đề được quan tâm và cần nhiều giải pháp từ cả các cơ quan Bộ, ngành...
Lưu ý lạm phát cơ bản bình quân
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay vẫn ảm đạm, sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn và suy giảm. Các NHTW trên thế giới vẫn kiên định xu hướng tiếp tục thắt chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát cao, đời sống người dân khó khăn (tại một số diễn đàn, lãnh đạo một số tổ chức tài chính lớn vẫn kêu gọi cần tiếp tục thật chặt, tăng lãi suất; Fed phát đi thông điệp tiếp tục tăng lãi suất…
Những diễn biến này cho thấy việc cải thiện cầu nước ngoài về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể chưa sớm cải thiện và cần thêm thời gian. Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, lao động sụt giảm chủ yếu ở khu vực FDI và vùng Đông Nam bộ - những khu vực phục vụ xuất khẩu rất nhiều - cho thấy động lực từ xuất khẩu vẫn đang suy giảm.
Kinh tế trong nước trong quý II đã có một số diễn biến tích cực như: Ngành xây dựng tăng rất mạnh, ở mức 7,05%, gấp gần 4 lần so với mức 1,88% trong quý I. Đặc biệt về thương mại và dịch vụ duy trì mức tăng 6%, nhờ chuyển sang khai thác thị trường nội địa và mở cửa du lịch là động lực quan trọng góp phần cho tăng trưởng kinh tế cải thiện trong quý II (thương mại và dịch vụ chiếm khoảng 65% GDP).
"Lạm phát có xu hướng giảm trong đó, lạm phát chung giảm khá mạnh nhưng lạm phát cơ bản giảm chậm hơn; Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng ở mức 4,74% và đây là vấn đề cần tiếp tục theo dõi", Thống đốc nhận định.
Tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm
Nhìn lại nửa đầu năm, Thống đốc cho biết NHNN đã theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế vĩ mô và bám sát chỉ đạo của Chính phủ để điều hành linh hoạt, duy trì thanh khoản tốt để sẵn sàng nguồn vốn cho các TCTD cấp tín dụng.
Đến 27/6, tín dụng tăng 4,03% và tăng 9,08% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, về cơ cấu tín dụng, tín dụng vào kinh doanh BĐS trong 5 tháng đầu năm tăng 14%, cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng.
"Tuy nhiên, đáng chú ý là tín dụng cho tiêu dùng BĐS trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%. Như vậy cho thấy tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư BĐS là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư nên tín dụng còn đang thấp, bởi vậy việc tháo gỡ các khó khăn pháp lý, điều chỉnh giá nhà, giá BĐS cũng là một trong những giải pháp để có thể thúc đẩy cầu tiêu dùng và đầu tư trong lĩnh vực BĐS”, Thống đốc nói.
"Bên cạnh đó, sau liên tiếp các lần hạ lãi suất điều hành vừa qua, hiện lãi suất đã trở về mức trước đại dịch Covid-19. NHNN cũng là một trong số ít các NHTW trên thế giới giảm lãi suất trong bối cảnh các nước vẫn giữ lãi suất ở mức cao (đến 15/6, trên toàn thế giới có 101 lượt tăng lãi suất). Cùng với đó, hiện NHNN đang chỉ đạo các TCTD rà soát thủ tục, hồ sơ để tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Về cơ cấu thời hạn trả nợ, đến nay đã thực hiện cơ cấu cho vay cho 2.800 khách hàng và hiện các TCTD đang tiếp tục triển khai. Hiện nay, NHNN đang xem xét và sớm thông báo tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Thống đốc thông tin.
Kiến nghị thêm các giải pháp ngoài ngân hàng
Chia sẻ về gói cho vay cho nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, theo người đứng đầu ngành ngân hàng, hiện NHNN đã nhận được 3 công văn công bố 15 dự án của các tỉnh Bắc Giang, Trà Vinh và Tây Ninh. Trong đó có 5 dự án đã được cấp phép xây dựng. Ngoài ra, có 3 địa phương là Bình Định, Phú Thọ và Bà Rịa đã công bố 9 dự án. Các địa phương cấp phép xây dựng các dự án cũng sẵn sàng được các TCTD cho vay. Đến nay đã có một số ngân hàng như BIDV, Argibank đã bắt đầu cho vay trong gói tín dụng này.
"Qua phân tích đánh giá thấy được tăng trưởng kinh tế quý II cải thiện, đóng góp của của khu vực thương mại và dịch vụ là quan trọng, cho thấy việc khai thác cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong điều kiện cầu nước ngoài đang yếu là hướng đi đúng. Trong trung và dài hạn, để tăng cường tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế như Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra cần tiếp tục tập trung khai thác động lực này", Thống đốc nhấn mạnh.
Theo đó, tăng tiếp cận tín dụng đang là vấn đề được quan tâm. Về phía điều hành, NHNN đã và sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng kiến nghị các giải pháp từ phía các cơ quan, bộ ngành khác cần được quan tâm. "Chẳng hạn như giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp thông qua xúc tiến thương mại, khai tác thị trường trong nước, cải thiện về điều kiện tiếp cận tín dụng thông qua bảo lãnh cho các DNNVV; thúc đẩy đầu tư công để có sự lan tỏa đến hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Với thị trường BĐS, cần giải quyết vấn đề pháp lý cũng như các doanh nghiệp BĐS cần điều chỉnh giá của BĐS”...
Tại TP HCM, khả năng tiếp cận tín dụng thấp,hấp thụ vốnyếu được xem như một "điển hình" của khu vực chịu tác động từ suy yếu sức cầu bên ngoài. NHNN chi nhánh TP HCM cho biết dư nợ tín dụng trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2022. Các ngân hàng tại TP.HCM cho vay chiếm khoảng 30% so với cả nước
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM cho biết, đây là mức tăng trưởng thấp (bằng 1/3 so với 2022) nhưng được đánh giá là phù hợp với diễn biến tình hình tăng trưởng kinh tế của Thành phố và những khó khăn từ các thị trường. Đáng chú ý là lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn các lĩnh vực ưu tiên trên địa bàn hiện dưới 5,5%/năm (hiện nay là 4%/năm), có tính hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế. Lãi suất cho vay ngoại tệ thấp. Ngoài ra, đối với chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các ngân hàng đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho 47.846 khách hàng vay, đạt 283.000 tỉ đồng, bằng 60% gói tín dụng đã đăng ký. Bên cạnh đó, các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1,5% cho tất cả các khách hàng…
Các chuyên gia dự báo trong các tháng cuối năm, sau nhiều đợt hạ lãi suất của các ngân hàng, sẽ là thời điểm các doanh nghiệp không bàn nhiều về vấn đề lãi vay quá cao nữa, mà là lo về khả năng có hồi phục nhu cầu vốn, từ nhu cầu của các thị trường vẫn chủ yếu phụ thuộc bên ngoài. Những hỗ trợ từ chính sách tài khóa, chính sách tăng lương cơ sở, giảm thuế giá trị gia tăng, theo đó được kỳ vọng góp phần kích thích tăng nhu cầu chi tiêu nội địa và phục hồi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.