Thông tin kinh tế tài chính đầu phiên 11/10: Giá vàng thế giới giảm 4 phiên liên tiếp; Giá dầu giảm trước lo ngại về khả năng suy thoái; Chứng khoán Mỹ tiếp đà lao dốc, Nasdaq về đáy 2 năm; Đồng USD hồi mạnh phiên thứ 4.
Đồng USD hồi mạnh phiên thứ 4
Đầu phiên giao dịch ngày 11/10 (theo giờ Việt Nam), trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng nhẹ 0,38% - đạt mốc 113,18.
Đồng USD đã tăng phiên thứ 4 liên tiếp vào phiên giao dịch vừa qua khi các nhà đầu tư kỳ vọng dữ liệu lạm phát khả quan sẽ được công bố vào cuối tuần này.
Theo đó, các nhà đầu tư dự đoán dữ liệu lạm phát trong tháng 9 sẽ ở mức 8,1, tương đương với năm ngoái, nhưng giảm từ mức 8,3% trong tháng 8.
Ở diễn biến ngược lại, đồng Euro giảm 0,4% xuống mức 0,9699 USD; đồng bảng Anh giảm phiên thứ 4 liên tiếp ngay cả sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tiến hành các chính sách hỗ trợ cho thị trường tài chính. Các giao dịch mua trái phiếu khẩn cấp của BoE sẽ kết thúc vào ngày 14/10.
Đồng yên của Nhật trải qua phiên giao dịch khá “bình lặng” khi không thay đổi nhiều so với đồng bạc xanh sau khi trượt xuống mức đáy 24 năm là 145,9/USD.
Giá vàng thế giới giảm 4 phiên liên tiếp
Giá vàng giảm hơn 1% khi đồng USD tăng cao và củng cố dự báo về một đợt nâng lãi suất mạnh tay từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đẩy giá vàng rơi xuống mức thấp nhất trong 1 tuần.
Kết phiên, hợp đồng vàng giao ngay giảm 1,4% xuống 1.670,89 USD/oz; hợp đồng vàng tương lai mất 2% còn 1.675,2 USD/oz.
Giá vàng hiện đã giảm phiên thứ 4 liên tiếp và đang có khả năng là chuỗi lao dốc tồi tệ nhất kể từ giữa tháng 8/2022.
Lãi suất cao và đồng USD mạnh tiếp tục gây áp lực cho vàng và đang lấn át mọi nhu cầu trú ẩn an toàn hiện đang phát sinh từ sự leo thang mới nhất trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Giá dầu giảm trước lo ngại về khả năng suy thoái
Kết phiên giao dịch, hợp đồng dầu Brent mất 69 xu (tương đương 0,7%) xuống 97,23 USD/thùng; hợp đồng dầu WTI mất 36 xu (tương đương 0,4%) còn 92,57 USD/thùng.
Fed khu vực Chicago - Charles Evans cho biết, Fed có sự thống nhất mạnh mẽ về việc nâng lãi suất lên khoảng 4,5% vào tháng 3/2023 và giữ ở mức đó.
Lãi suất cao liên tục, nhằm mục đích cho ngân hàng trung ương Mỹ có thời gian để đánh giá tác động của lạm pháp và cho phép các chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn có thể khơi thông, đã kìm hãm giá dầu.
Giá dầu cũng gặp khó khăn khi đồng USD mạnh hơn, tăng 4 phiên liên tiếp. Đồng USD mạnh hơn làm dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nước ngoài.
Chứng khoán Mỹ tiếp đà lao dốc, Nasdaq về đáy 2 năm
Kết phiên giao dịch, chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,04% xuống 10.542,10 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 0,75% còn 3.612,39 điểm khi bị kéo giảm bởi nhóm cổ phiếu chất bán dẫn và các cổ phiếu công nghệ lớn như Microsoft trong khi chỉ số Dow Jones giảm 93,91 điểm (tương đương 0,32%) xuống 29.202,88 điểm.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm khi CEO của JPMorgan, Jamie Dimon, đã cảnh báo rằng nước Mỹ có thể rơi vào suy thoái vào năm 2023 và điều đó có thể không chỉ là một đợt suy thoái kinh tế nhẹ như một số chuyên gia kinh tế đã dự đoán.
Trung Quốc cấm 13 ứng dụng giao dịch tiền kỹ thuật số
Trung Quốc vừa đóng cửa 13 ứng dụng giao dịch tiền kỹ thuật số ngầm một năm sau khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cấm các giao dịch liên quan đến đồng tiền này, Forkast đưa tin.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý gỡ bỏ 23 trang web truyền thông cho tiền kỹ thuật số và 440 tài khoản trực tuyến quảng cáo cho tài sản này. Hai tài khoản ngân hàng bị nghi ngờ cung cấp giao dịch tiền kỹ thuật số qua quầy cũng bị cấm trong một cuộc đàn áp sâu rộng do Cục Quản lý và Giám sát Tài chính Bắc Kinh thực hiện.
Thông tin kinh tế tài chính ngày 8/10: Khối ngoại rút ròng 83 tỷ USD khỏi Trung Quốc
Ưu tiên nguồn lực giám sát 24/7 các hệ thống thông tin dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Thông tin kinh tế tài chính ngày 28/2: Phố Wall xanh trở lại, tỷ giá USD quay đầu