Thu hút FDI: Một góc nhìn từ Ấn Độ
Chính phủ Ấn Độ liên tiếp đưa ra các gói hỗ trợ quy mô lớn nhằm thu hút đầu tư từ các công ty trong các ngành công nghệ cao, đặc biệt trong bối cảnh tận dụng làn sóng chuyển dịch đầu tư trong khu vực.
Mở rộng cửa đón "đại bàng" công nghệ cao
Mới đây nhất, trong chuyến thăm đến Hàn Quốc, ông Rajesh Kumar Singh, Giám đốc Cơ quan Xúc tiến Thương mại Ấn Độ, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Ấn Độ đã thực hiện cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ Maeil Business, một tờ báo lớn có ảnh hưởng ở Hàn Quốc. Tại đây, ông Kumar Singh đã tiết lộ về những chính sách hỗ trợ quy mô lớn của Ấn Độ nhằm thu hút đầu tư từ các công ty trong các ngành công nghệ cao như pin và chất bán dẫn.
Theo đó, Chính phủ Ấn Độ công bố gói hỗ trợ quy mô lớn nhằm thu hút đầu tư từ các công ty trong các ngành công nghệ cao như pin và chất bán dẫn. Chính phủ Ấn Độ thậm chí còn đưa ra các biện pháp hỗ trợ từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu USD, bao gồm hoàn trả lần lượt 40% và 50% chi phí xây dựng đối với các nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất pin và bán dẫn tại đây.
Thứ trưởng Kumar Singh cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là thu hút các nhà máy sản xuất pin quy mô lớn với công suất sản xuất hàng năm từ 20GWh trở lên. Chúng tôi dự định hỗ trợ 40% chi phí xây dựng nhà máy và cung cấp các khoản trợ cấp trị giá 300 triệu USD cho việc sản xuất pin".
"Hàn Quốc có nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng với Ấn Độ như ô tô, pin, hóa chất và công nghiệp nặng. Hơn 600 công ty Hàn Quốc đang đầu tư tại Ấn Độ", Thứ trưởng Kumar Singh nói và nhắc đến các cái tên như các nhà máy của Samsung Electronics, LG Electronics, Hyundai Motor Company và Kia…
Ông Kumar Singh chia sẻ: "Nền kinh tế Ấn Độ đang trên đà phát triển rất nhanh chóng và chúng tôi kỳ vọng rằng nhiều sản phẩm sản xuất tại Ấn Độ sẽ được xuất khẩu trong 10 năm tới."
Năm ngoái, Ấn Độ ghi nhận GDP đạt 3.468,5 tỷ USD đứng thứ 5 trên thế giới, cùng với đó dân số của Ấn Độ khi đó tăng lên 1,37 tỷ người, đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
Pin và xe điện là các lĩnh vực tiêu biểu mà Ấn Độ mong muốn hợp tác trong tương lai với Hàn Quốc. Thứ trưởng Kumar Singh cho biết, thị trường xe điện Ấn Độ đang tăng trưởng 40% mỗi năm nên "chúng tôi đang chuẩn bị hỗ trợ chính sách" và dự định công bố chính sách khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) trong vòng thời gian tới.
Cho đến hiện tại, dự kiến Chính phủ sẽ hỗ trợ 40% chi phí xây dựng nhà máy sản xuất pin, bên cạnh đó, hỗ trợ bổ sung từ chính quyền các bang nơi đặt nhà máy sản xuất cũng đang được xem xét.
Chất bán dẫn cũng được đề cập đến như một lĩnh vực hợp tác quan trọng. Thứ trưởng Kumar Singh tiết lộ, nếu các nhà đầu tư hợp tác với một công ty Ấn Độ xây dựng một nhà máy thì có thể nhận khoản hỗ trợ tối đa lên tới 10 tỷ USD. Chính phủ Ấn Độ dự kiến hỗ trợ 50% chi phí cần thiết trong việc xây dựng nhà máy như một khoản trợ cấp.
Khi vị thế của chất bán dẫn trong chuỗi cung ứng ngày càng tăng, các biện pháp hỗ trợ quy mô lớn đang được triển khai nhằm thu hút cơ sở sản xuất. Ngoài chính quyền trung ương, chính quyền địa phương cũng đã lên kế hoạch hỗ trợ 20% chi phí xây dựng. Một ví dụ điển hình là Micron, một công ty bán dẫn bộ nhớ của Mỹ, đã quyết định đầu tư 2,75 tỷ USD, xây dựng một nhà máy xử lý công đoạn sau của bán dẫn ở Gujarat, Ấn Độ vào tháng 6 năm ngoái.
Bên cạnh chất bán dẫn, pin và xe điện, ông Kumar Singh cho biết, Chính phủ Ấn Độ còn hy vọng thu hút các nhà máy trong ngành hóa dầu đầu tư vào nước này. "Hàn Quốc có khả năng cạnh tranh rất cao trong ngành công nghiệp lọc dầu và hóa dầu. 80% lượng dầu sử dụng của Ấn Độ phụ thuộc vào nhập khẩu, vì vậy việc xây dựng một nhà máy địa phương là rất cần thiết", ông nói.
Đặc biệt, trước mối lo ngại của các doanh nghiệp Hàn Quốc về việc cơ sở hạ tầng công nghiệp của Ấn Độ chưa thực sự sẵn sàng đón nhận đầu tư, Thứ trưởng Kumar Singh cho biết, Ấn Độ đang đầu tư 1.000 tỷ USD đến năm 2030 để xây dựng đường xá, bến cảng và sân bay.
"Hơn 30 km đường mới đang được xây dựng mỗi ngày và dự kiến 72 sân bay mới sẽ được lên kế hoạch xây dựng", ông Kumar Singh khẳng định.
Đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư
Không phải đến tận bây giờ Ấn Độ mới có những chính sách ưu đãi hấp dẫn trong cuộc chiến mời gọi "đại bàng". Từ năm 2019, Ấn Độ đã gây chấn động với các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài quy mô lớn và vô cùng hấp dẫn. Tháng 3/2019, chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) đã được công bố, theo đó, các công ty thuộc đối tượng sẽ nhận được 4 - 6% doanh thu tăng thêm từ các sản phẩm được sản xuất tại Ấn Độ dưới hình thức trợ cấp. Quy mô tổng gói hỗ trợ trên khoảng 7,33 tỷ USD. Các công ty toàn cầu thuộc đối tượng hỗ trợ bao gồm Samsung Electronics, Foxconn Hong Hai, Rising Star, Wistron, Pegatron…
Trong công cuộc đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư trong khu vực, Ấn Độ cũng nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ mạnh tay. Năm 2020, nước này đã chi mạnh 20 tỷ USD để chiêu dụ các công ty nước ngoài chuyển sản xuất sang Ấn Độ. Vào tháng 10/2022, Thủ tướng Modi còn phê duyệt đề án "Pradhan Mantri Gati Shakti" với ngân sách 1.200 tỷ USD để đầu tư hạ tầng đón đầu các nhà máy dịch chuyển từ Trung Quốc.
Kết quả từ những nỗ lực đó là việc Apple gần đây đã quyết định tăng sản lượng điện thoại thông minh ở Ấn Độ lên hơn 5 lần. Trước đó, vào tháng 12/2022, sản lượng điện thoại thông minh của Apple tại Ấn Độ đã tăng gấp ba lần.
Nhân sự kiện này, công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint đã bình luận rằng "Ấn Độ có một thị trường khổng lồ cùng với các ưu đãi của Chính phủ và lực lượng lao động giá rẻ dồi dào".
Còn theo các chuyên gia JPMorgan, đến năm 2025, sẽ có khoảng 25% số iPhone mà Apple sản xuất được gắn nhãn "Made in India", và nếu vậy, Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm sản xuất iPhone toàn cầu trong vòng hai năm tới.
Ngoài Apple, trong tháng 10 này, Google đã thông báo về kế hoạch sản xuất điện thoại di động ở Ấn Độ. Theo ông Sundar Picha, Giám đốc điều hành của Google, công ty này đánh giá cao sự hỗ trợ của chính sách "Make in India", chính sách hàng đầu của Thủ tướng Narendra Modi, trong việc cung cấp thông tin kinh doanh nhanh hơn và khuyến khích tài chính cho hoạt động sản xuất hàng hóa trên lãnh thổ Ấn Độ.
Ngoài những nỗ lực thu hút Apple hay Google, trên thực tế, mặc dù các công ty lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai , Kia…đều đang vận hành nhà máy của mình tại Ấn Độ tuy nhiên Chính phủ nước này vẫn không ngừng nghiên cứu và đưa ra các chính sách hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia trong thu hút FDI, Việt Nam cũng cần phải có những động thái nhằm đối ứng hiệu quả. Cuối tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Qua đó, Chính phủ cho biết, mục tiêu xây dựng chính sách này nhằm bảo đảm sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư; đồng thời phù hợp với định hướng của Đảng, Nhà nước là ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Những chính sách hỗ trợ, ưu đãi kịp thời cho đầu tư công nghệ cao lúc này được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tận dụng tốt nhất làn sóng dịch chuyển sản xuất từ các "đại bàng" công nghệ lớn trên thế giới.