Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Phải biết “ứng biến trong vạn biến” khi sức ép điều hành lớn

07-06-2024 13:52|Khúc Văn

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, khó bên ngoài, khó cả bên trong gây sức ép lớn lên điều hành kinh tế, do đó, yêu cầu đặt ra là phải biết cách “ứng biến trong vạn biến”.

Vẫn còn nhiều thách thức

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề "Ứng biến trong vạn biến", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, 2024 tiếp tục là một năm mà bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối diện với đầy rẫy những thách thức, biến động. Rủi ro địa chính trị tăng cao, lạm phát còn dai dẳng và có sự phân cực lớn trong điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia,…

Những bất ổn này không chỉ đe dọa an ninh khu vực và quốc tế, an toàn hàng hải, mà còn ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa, an ninh lương thực, an ninh năng lượng toàn cầu…

“Tất cả đã dẫn tới sự phục hồi chậm hơn và không đồng đều của kinh tế toàn cầu. Thị trường tài chính, tiền tệ, dòng đầu tư toàn cầu cũng vì thế bị ảnh hưởng không nhỏ”, ông Phương cho biết.

Tổng cục Thống kê dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế (Ảnh minh hoạ)
Kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại nhiều thách thức.

Với nền kinh tế Việt Nam, thời gian qua, nhờ sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ.

Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực.

Với số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%.

Xuất khẩu sang các thị trường chính trong đó có Mỹ tăng trưởng đến 21%, sức cầu trên toàn cầu đã hồi phục trở lại, dù rằng số lượng đơn hàng chủ yếu trong ngắn hạn.

Đáng chú ý, tình hình đăng ký doanh nghiệp đã có chuyển biến rất tốt trong tháng 5; số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong tháng 5 là gần 20.000 doanh nghiệp, tăng 10,6% so với cùng kỳ, gấp 1,7 lần số rút lui khỏi thị trường (11.400 doanh nghiệp). Tính chung 5 tháng, có 98.800 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 4,1%, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (97.300 doanh nghiệp).

Tuy nhiên, ông Phương cũng thẳng thắn cho rằng, mặc dù xu hướng phục hồi là tích cực, nhưng cũng khó có thể tránh khỏi những khó khăn, thách thức từ những biến động khó lường của kinh tế thế giới, khu vực và cả vấn đề nội tại của nền kinh tế.

“Khó bên ngoài, khó cả bên trong, nên sức ép điều hành kinh tế là rất lớn” Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của mình, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chỉ ra các thách thức tồn tại mà kinh tế Việt Nam đang đối mặt.

Theo đó, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng yếu kém gặp nhiều thách thức, căng thẳng tỷ giá dù giảm nhưng vẫn tồn tại, nợ xấu gia tăng. Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cần thời gian xử lý và lành mạnh hóa.

Thể chế cho các lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn còn chậm được ban hành trong khi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, chậm thực thi công vụ còn đang diễn ra,...

>>Đề xuất bán hàng trên 150 triệu đồng mỗi năm phải đóng thuế VAT

Phải biết cách “ứng biến trong vạn biến”

Việt Nam là một nền kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, lại chịu ảnh hưởng lớn từ các tác động bên ngoài. Đây là vấn đề không đơn giản, gây trở ngại trong việc quản lý, điều hành cũng như ứng biến trước mỗi biến động của thị trường.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Phải biết “ứng biến trong vạn biến” khi sức ép điều hành lớn
Phải biết cách “ứng biến trong vạn biến”.

Giải pháp mà Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề ra là cần theo dõi sát, nhanh nhạy nắm bắt tình hình, dự báo sớm để điều chỉnh, phản ứng chính sách kịp thời, thích ứng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Nghĩa là chúng ta phải biết cách “ứng biến trong vạn biến”.

Cụ thể, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, làm mới các động lực truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đồng thời bổ sung, đẩy mạnh tận dụng cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, mô hình kinh tế mới, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, hay các ngành công nghiệp mới nổi như sản xuất chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Cùng với đó, các Bộ, ngành đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược cũng là một giải pháp quan trọng; cần chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút các làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn, AI, hydrogen…

Đồng thời, chúng ta cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách, bảo đảm hài hòa, xử lý các tình huống trong ngắn hạn và phát triển trong trung, dài hạn, đặc biệt là trong tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước phát triển.

Ngoài ra, vị lãnh đạo Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng cho rằng khơi thông thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… sẽ góp phần quan trọng giúp nền kinh tế vận hành thông suốt, hiệu quả, qua đó thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc.

“Thách thức và sức ép là rất lớn, nhưng Chính phủ Việt Nam đã xác định không lùi bước trước khó khăn”, ông Phương nói.

Siêu cường ‘kiệt quệ’: Xuất hiện ‘điểm yếu’ có thể ‘quật ngã’ người dân tại nền kinh tế mạnh nhất thế giới

Ấn Độ: Nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhưng tiềm năng bị bỏ ngỏ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thu-truong-tran-quoc-phuong-phai-biet-ung-bien-trong-van-bien-khi-suc-ep-dieu-hanh-lon-237743.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Phải biết “ứng biến trong vạn biến” khi sức ép điều hành lớn
    POWERED BY ONECMS & INTECH