Đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á thừa nhận khó có thể đạt thỏa thuận với ông Trump trước hạn chót 8/7
Hàn Quốc đang chạy đua với thời gian khi thời hạn tạm hoãn thuế quan của Mỹ chỉ còn tính từng ngày.
Một quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết hôm thứ Hai (30/6) rằng nước này sẽ tìm cách kéo dài thời gian hoãn thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dự kiến thời hạn 90 ngày hoãn áp thuế sẽ hết hạn vào tuần tới, nhưng các cuộc đàm phán giữa Seoul và Washington có khả năng không thể về đích trước ngày 8/7.

Chính quyền mới của Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ tư châu Á - đã tổ chức cuộc đàm phán thương mại cấp cao đầu tiên với Mỹ vào tuần trước, cùng với đó là vòng đàm phán kỹ thuật cấp chuyên viên lần thứ 3 kể từ khi hai nước nhất trí hồi cuối tháng 4 về việc xây dựng một thỏa thuận khung.
>> Mỹ tuyên bố không gia hạn lệnh tạm hoãn áp thuế sau ngày 9/7
“Có vẻ như một số quốc gia sẽ đạt được thỏa thuận trước ngày 8/7, một số khác có thể được gia hạn để tiếp tục đàm phán, trong khi những quốc gia còn lại sẽ phải quyết định có tiếp tục đàm phán trong điều kiện chịu thuế quan hay không”, quan chức này cho biết tại một cuộc họp báo.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để được gia hạn đàm phán trước ngày 8/7”, vị quan chức nói thêm, đồng thời cho biết Mỹ dự kiến sẽ ra quyết định về việc gia hạn vào đúng ngày đó.

Trong cuộc đàm phán tuần trước, phía chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chủ yếu đề cập đến các rào cản phi thuế quan của Hàn Quốc, do hiện tại, Hàn Quốc gần như đã áp dụng mức thuế bằng 0 đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ theo Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương, quan chức này cho biết.
Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến tỷ giá hối đoái và chi phí quốc phòng cũng đang được hai bên thảo luận thông qua các kênh riêng biệt. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần phàn nàn về thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng giữa hai nước.
Với tư cách là một trong những đồng minh thân cận và lâu đời nhất của Hoa Kỳ tại châu Á, Hàn Quốc hiện đang có khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đồn trú trên lãnh thổ, duy trì liên minh quân sự từ sau Chiến tranh Triều Tiên. Dưới thời cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol, Seoul từng thể hiện rõ lập trường nghiêng hẳn về trục Washington – Tokyo, tham gia các cơ chế an ninh ba bên nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên và sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Theo Reuters
>> Đếm ngược 90 ngày hoãn thuế: 4 chiến lược trụ cột giúp doanh nghiệp Việt vượt bão thuế quan
Bức tranh trái chiều ở hai siêu cường châu Á trước hạn chót thuế quan 9/7
Hàn Quốc: Bắt 6 người Mỹ đang cố chuyển gạo, tiền mặt sang Triều Tiên