Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á bắt tay Trung Quốc xây siêu nhà máy pin 6 tỷ USD
Đây được xem là bước đi chiến lược giúp Indonesia tiến gần hơn mục tiêu trở thành trung tâm xe điện của Đông Nam Á, đồng thời thể hiện dấu ấn ngày càng lớn của doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ xanh tại quốc gia vạn đảo.
Chính phủ Indonesia đã chính thức khởi công dự án sản xuất pin xe điện (EV) tích hợp trị giá 5,9 tỷ USD (gần 154.247 tỷ đồng) tại thành phố Karawang, tỉnh Tây Java vào Chủ nhật vừa qua (29/6), đánh dấu bước tiến quan trọng trong tham vọng trở thành trung tâm xe điện của Đông Nam Á.

Nhà máy pin EV tại Karawang sẽ được tích hợp cùng 5 cơ sở hỗ trợ và các hoạt động khai thác thượng nguồn tại Đông Halmahera, Bắc Maluku, phù hợp với chiến lược của Chính phủ nền kinh tế số 1 Đông Nam Á nhằm xây dựng chuỗi cung ứng pin xe điện khép kín, từ khai thác đến sản xuất.
Dự án “khổng lồ” kể trên là liên doanh giữa công ty khai khoáng Nhà nước Aneka Tambang (Antam), Tập đoàn Pin Indonesia (IBC) và liên danh do Tập đoàn Contemporary Amperex Technology Co. Limited (CATL) của Trung Quốc dẫn đầu, cùng với các đối tác Brunp Recycling và Lygend Resources.
>> Quốc gia Đông Nam Á được ông lớn CATL ‘chọn mặt gửi vàng’ xây nhà máy pin trị giá 156.000 tỷ đồng
Đây là dự án công nghiệp trọng điểm được khởi xướng dưới thời cựu Tổng thống Indonesia Joko Widodo và hiện đang được Tổng thống đương nhiệm Prabowo Subianto tiếp tục triển khai. Ông Prabowo đã trực tiếp chủ trì lễ khởi công.
“Với niềm tự hào lớn lao, tôi chính thức phát động xây dựng hệ sinh thái công nghiệp pin xe điện tích hợp này, sự hợp tác giữa Antam, IBC và liên danh CBL”, Tổng thống Indonesia Prabowo phát biểu tại buổi lễ khởi công dự án hôm 29/6 vừa qua.
Tháp tùng Tổng thống có nhiều quan chức cấp cao như Bộ trưởng Năng lượng Bahlil Lahadalia, Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Erick Thohir, Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita, Bộ trưởng Nhà ở Maruar Sirait, Chánh Văn phòng Nội các Teddy Indra Wijaya và lãnh đạo các chính quyền địa phương. Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia, ông Vương Lỗ Đồng (Wang Lutong) cũng tham dự với tư cách khách mời danh dự.
Tổ hợp Karawang được xây dựng trên diện tích 3.000 ha và dự kiến tạo ra khoảng 8.000 việc làm khi đi vào hoạt động. Dự án nhà máy pin EV này cũng thúc đẩy phát triển 18 công trình hạ tầng trọng điểm, bao gồm cả một cảng đa chức năng tại Indonesia.
Nhà máy được thiết kế theo hướng thân thiện môi trường, kết hợp sử dụng than đá, hệ thống thu hồi nhiệt thải và năng lượng mặt trời nhằm giảm thiểu tác động sinh thái.
Công suất sản xuất giai đoạn đầu của nhà máy pin EV ở Karawang dự kiến đạt 6,9 GWh và sẽ nâng lên 15 GWh ở giai đoạn hai. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động thương mại vào cuối năm 2026.
Song song với đó, các hoạt động thượng nguồn đang được triển khai tại Đông Halmahera, nơi Antam và Công ty Hong Kong CBL Limited (HK CBL) đã thành lập liên doanh Feni Haltim. Liên doanh này sẽ xây dựng khu công nghiệp năng lượng mới, bao gồm mỏ niken và nhà máy luyện kim pyrometallurgical với công suất sản xuất hàng năm đạt 88.000 tấn hợp kim niken tinh chế, bắt đầu từ năm 2027.
Ngoài ra, khu vực Halmahera (đảo lớn nhất trong quần đảo Maluku, tỉnh Bắc Maluku) cũng sẽ có các cơ sở sản xuất vật liệu cathode nickel-cobalt-manganese (NCM) và nhà máy tái chế pin, góp phần thúc đẩy mục tiêu kinh tế tuần hoàn trong ngành xe điện của Indonesia.
Dự án nhà máy pin xe điện ở Karawang hợp tác giữa Antam, IBC và liên danh CBL khi đi vào hoạt động có thể cung cấp pin EV cho các hãng EV nội địa và quốc tế.
>> Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á 'vớ bẫm' từ cú sốc giá dầu
Trong khi đó, VinFast đã khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp xe điện tại Subang vào tháng 7/2024. Dự án này sẽ trở thành trung tâm sản xuất xe điện tay lái nghịch phục vụ thị trường Indonesia và xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, hãng cũng đã mở bán ba mẫu gồm VF3, VF5, VFe34 tại Indonesia - thị trường đông dân thứ tư thế giới.

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup đã chia sẻ tại phiên họp thường niên của tập đoàn này rằng nhà máy Indonesia có thể hoàn thành vào cuối năm nay. Ông cũng cho biết khi dự án hoạt động, doanh số tại nước ngoài của VinFast sẽ có sự cải thiện lớn.
Lũy kế cả năm 2024, VinFast mang về hơn 44.000 tỷ đồng (1,8 tỷ USD) doanh thu, tăng 58% so với năm ngoái. Số lượng ôtô VinFast đã bàn giao trong năm 2024 đạt 97.000 chiếc, tăng 192% so với năm ngoái. Lượng ôtô bán ra tăng lên nhưng công ty này vẫn lỗ ròng hơn 77.354 tỷ đồng (khoảng hơn 3 tỷ USD) trong năm ngoái.
Bên cạnh việc xây dựng nhà máy, VinFast cũng có kế hoạch phát triển hệ thống trạm sạc xe điện quy mô lớn, từ 30.000 đến 100.000 trạm trên khắp Indonesia, đặc biệt tập trung vào đảo Java. Dự án này có thể tiêu tốn đến 1 tỷ USD, góp phần thúc đẩy cơ sở hạ tầng xe điện tại quốc gia này.
Theo Jakarta Globe
Nền kinh tế số 1 Đông Nam Á đánh giá lại siêu dự án nhà máy lọc dầu 24 tỷ USD hợp tác với Nga
Nga bắt tay nền kinh tế số 1 Đông Nam Á xây nhà máy quy mô ‘khủng’