Vĩ mô

Thủ tục hành chính vẫn làm khó doanh nghiệp tư nhân Việt Nam

Khúc Văn 13/10/2024 16:19

Phản ánh của các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng môi trường kinh doanh dù đã có nhiều cải thiện nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều rào cải trong kinh doanh. Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh vẫn là gánh nặng với doanh nghiệp.

Quá trình cải cách điều kiện kinh doanh đang chậm lại

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Việt Nam có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng trong 9 tháng đầu năm đã có hơn 183.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điều kiện kinh doanh đang khiến doanh nghiệp tư nhân thêm gánh nặng. Đáng nói, kể từ khi xảy ra dịch COVID-19 quá trình cải cách điều kiện kinh doanh để trợ lực cho doanh nghiệp tư nhân đã chậm lại, thậm chí có lĩnh vực, rào cản mới còn nặng nề hơn.

Thủ tục hành chính vẫn làm khó doanh nghiệp tư nhân Việt Nam
Quá trình cải cách điều kiện kinh doanh đang chậm lại.

Điều này khiến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phải “cõng thêm” một gánh nặng, mất thêm thời gian và chi phí.

Bình luận về vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Việt, Viện trưởng Viện VEPR cho biết, trong và sau đại dịch Covid-19, các bộ ngành cũng rất cố gắng, phối hợp với nhau để cắt giảm điều kiện kinh doanh theo ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc biệt là báo cáo Viện quản lý kinh tế trung ương – cơ quan theo dõi Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 trước đây, về mặt số lượng, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã giảm đi và thu hẹp tương đối, dựa trên yêu cầu của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Việt, có rất nhiều điều kiện kinh doanh mang tính chất tổng hợp, trong đó gồm nhiều điều kiện kinh doanh nhỏ hơn, như vậy chưa thực sự giảm được số lượng các điều kiện kinh doanh. Bên cạnh đó, những chuyển biến trong nhu cầu chuyển dịch đầu tư quốc tế hay chuyển biến trong mô hình kinh doanh, mô hình tăng trưởng kinh tế mới gắn với xanh hóa, năng lượng tái tạo,… khiến cho nhiều lĩnh vực kinh doanh về dịch vụ hay lĩnh vực đặc thù có nhu cầu mở rộng tự do kinh doanh hơn.

Ví dụ như với thị trường năng lượng như dầu, điện đã bộc lộ ra nhiều bất cập, hạn chế trong và sau thời gian đại dịch Covid 19 bùng phát. Lúc đó, thị trường chưa được tự do, cởi mở còn vướng nhiều ràng buộc, chính vì lẽ đó, nhu cầu từ phía xã hội, doanh nghiệp đòi hỏi tiếp tục cắt giảm thêm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện để thị trường tự do hơn.

Cùng với đó, theo ông Việt có một thực tế khác cũng cần được nhắc tới đó là về bản chất, dù chúng ta đã chuyển dần sang việc thực hiện công tác hậu kiểm nhưng hiện nay điều kiện kinh doanh không chỉ dừng lại ở ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà đây là vấn đề xuyên suốt toàn bộ quá trình kinh doanh của doanh nghiệp từ khi thành lập doanh nghiệp, khởi sự kinh doanh cho đến khi doanh nghiệp chấm dứt. Đây cũng là lí do khiến doanh nghiệp tư nhân trở cảm thấy khó khăn khi tuân thủ điều kiện kinh doanh.

“Do đó, nếu những điều kiện đặt ra quá nặng, kể cả những điều kiện liên quan đến quy định quy chuẩn liên quan đến hàng hóa, sản phẩm không khéo sẽ đánh mất thị trường sân nhà vào tay doanh nghiệp FDI”, ông Việt khẳng định.

38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính

Có thể thấy rằng, vài năm gần đây, Việt Nam đã rất nỗ lực trong quá trình cải cách thể chế, đẩy nhanh quá trình cải cách thủ tục hành chính, giảm các loại giấy phép con để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá cho rằng, các giải pháp này có nhưng chưa thực sự rõ nét.

ngành dệt may Việt Nam đang có những bước tiến tích cực nhờ sự hỗ trợ từ các thị trường xuất khẩu truyền thống và tiềm năng mới. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, và tìm kiếm cơ hộ
38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính.

Theo báo cáo của GSO, 15,2% doanh nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn do thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu còn phức tạp, chồng chéo làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào năm 2023 cũng cho thấy, có khoảng 38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp quy mô lớn và hoạt động lâu năm đều phản ánh việc tìm hiểu thủ tục hành chính còn nhiều khó khăn.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết: Một số doanh nghiệp hiện nay phản ánh họ lo ngại về sự thiếu nhất quán và minh bạch trong quá trình thực hiện các chính sách, quy định mới.

Cộng đồng doanh nghiệp hiện nay mong muốn Chính phủ không chỉ rà soát pháp luật mà còn đảm bảo tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh tình trạng thay đổi quá nhanh dẫn đến khó khăn cho thích nghi và thực thi tại các cấp địa phương.

Ngoài ra, một số lo ngại về các quy định mới cũng như tăng thêm những chi phí tiêu thụ. Điều này gây ra nhiều áp lực với doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh cho hay: Hiện nay, còn tồn tại sự chồng chéo, thiếu nhất quán giữa các văn bản quy định pháp luật. Điều này gây trở ngại cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ và thực thi do không biết nên tuân thủ quy định nào trước.

Bên cạnh đó, quy trình phê duyệt còn phức tạp và kéo dài. Nhiều thủ tục hành chính liên quan đến việc xin giấy phép phê duyệt dự án hay cấp phép hoạt động còn mất nhiều thời gian, công sức làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và quá trình phát triển của các doanh nghiệp.

Một số văn bản pháp luật bị thay đổi một cách đột ngột khiến các doanh nghiệp khó khăn trong điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn đã không đủ tiềm lực.

Ngoài ra, một khó khăn nữa được các doanh nghiệp chia sẻ là các quy định mới, đặc biệt là chi phí tuân thủ tương đối cao. Ví dụ: chi phí về môi trường, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, thuế…đã tạo ra gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp.

“Chúng tôi mong muốn ban chỉ đạo vẫn tiếp tục đề xuất rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm bớt những thủ tục rườm rà, không cần thiết tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc đăng ký cấp phép và triển khai các hoạt động kinh doanh”, ông Mạc Quốc Anh nói.

Cùng với đó, cần tăng cường sự tham vấn từ các doanh nghiệp, để đảm bảo tính nhất quán và minh bạch trong quy định pháp luật, xây dựng khung pháp lý nhất quán giúp doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ và dự đoán được những thay đổi.

Sửa đổi Luật Đầu tư công: Giảm thủ tục hành chính, loại cơ chế 'xin - cho'

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: ‘Đề nghị ngành y tế hết sức quyết liệt chỉ đạo mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, chuyển viện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về thủ tục hành chính'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thu-tuc-hanh-chinh-van-lam-kho-doanh-nghiep-tu-nhan-viet-nam-253297.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thủ tục hành chính vẫn làm khó doanh nghiệp tư nhân Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH