Vĩ mô

Thủ tướng chủ trì hội nghị rút kinh nghiệm về ứng phó với bão số 3

PV 28/09/2024 10:35

Sáng 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các bộ LĐ-TB&XH, NN&PTNT, GTVT, Y tế, VH-TT&DL, TN&MT; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, TTXVN; Lãnh đạo các bộ Tài chính, Quốc phòng, Công an, KH&ĐT, Ngoại giao, Công Thương, Xây dựng... và các bí thư tỉnh ủy, thành ủy của 26 tỉnh, thành phố.

Bão số 3 (Yagi) là cơn bão lịch sử với cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, gây mưa lớn tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc, gây hậu quả rất nặng nề về người và tài sản, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân.

img0094 1727487479069358150343.jpg
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ngành, 26 tỉnh, thành phố tập trung sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, đồng thời đề ra giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hội nghị nhằm sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, đồng thời đề ra giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết với tinh thần làm việc cả ngày Thứ Bảy vì đồng bào bão lũ, thiên tai, Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3; trên cơ sở đó thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng nêu rõ, Bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và tinh thần của Nhân dân. Hậu quả và những ảnh hưởng của cơn bão là hết sức nặng nề. Thiệt hại về người rất lớn, nhiều người mất tích vẫn chưa được tìm thấy. Sang chấn tinh thần của một bộ phận nhân dân rất nặng nề. Nhiều gia đình vẫn phải ở trong những nơi ở tạm, nhiều bản làng vẫn phải rất lâu mới có thể trở lại bình thường.

Nhiều công trình hạ tầng cầu, đường… bị sập đổ đang được khắc phục để duy trì giao thông thông suốt cho người dân; hạ tầng điện, nước, sóng được khẩn trương khôi phục. Hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Quân đội đang tích cực xây dựng cầu phao tại khu vực cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập.

Nhiều chính sách của Chính phủ đang được tích cực thực hiện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng thiên tai đã phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại; đồng thời nhận được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng bào và doanh nghiệp trên cả nước.

img0095 17274874785732001625069.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Với tinh thần nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị, các cuộc họp, ban hành nhiều công điện; lãnh đạo Chính phủ đã kiểm tra trực tiếp tại các địa phương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, ngày 9/9/2024, trong lúc đang mưa lũ do hoàn lưu bão, Bộ Chính trị đã họp, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung ứng phó với bão lũ.

Với tinh thần nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị, các cuộc họp, ban hành nhiều công điện; lãnh đạo Chính phủ đã kiểm tra trực tiếp tại các địa phương; gần đây nhất là tổ chức Hội nghị ngày 15/9.

Ngay sau Hội nghị, ngày 17/9/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143-NQ/CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình, hỗ trợ nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Gần đây nhất, ngày 27/9, Thủ tướng ban hành Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27/9/2024 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương các Thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các lực lượng chủ công như quân đội, công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương… trực tiếp ứng phó tại hiện trường; các tập đoàn trong lĩnh vực điện lực, viễn thông đã vào cuộc ngay, tích cực; cảm ơn nhân dân, doanh nghiệp đã luôn chia sẻ, đồng hành, rất ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp giữa các lực lượng, các bộ, ngành, việc huy động sức mạnh của người dân, doanh nghiệp, tinh thần đại đoàn kết được thể hiện rất rõ và phát huy mạnh mẽ; cả nước chung tay góp sức, góp của, góp công với tinh thần "tương thân, tương ái", "tình dân tộc, nghĩa đồng bào", "ai có của góp của, ai có công góp công, ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều".

Thời gian của Hội nghị ít, công việc nhiều, yêu cầu cao, đòi hỏi phải có hiệu quả ngay sau hội nghị, với tinh thần "tất cả vì nhân dân, tất cả vì sự phát triển đất nước", khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến, khẳng định những việc đã làm được, làm tốt, chỉ rõ những việc làm chưa tốt, tồn tại, hạn chế, khó khăn, rút ra các bài học kinh nghiệm, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp, góp ý vào văn bản chỉ đạo phù hợp là sản phẩm của Hội nghị để tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu đề ra nhanh chóng ổn định tình hình, hỗ trợ nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024.

Trình bày Báo cáo trung tâm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ngay sau khi bão đổ bộ, Bộ Chính trị đã có kết luận, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ (văn bản số 11261-CV/VPTW ngày 09/9/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng). Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, đồng chí Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo theo sát tình hình bão và mưa lũ sau bão; các đồng chí trong Bộ Chính trị đi thăm hỏi, động viên đồng bào và chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.

img0105 17274894855091775796302.jpg
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có thư thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng, đồng thời đề nghị các cấp tập trung cao độ triển khai các kế hoạch, phương án khắc phục hậu quả và trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó tại Tuyên Quang, Phú Thọ.

Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm hỏi, động viên đồng bào và chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ tại tỉnh Thái Nguyên; các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tại Thái Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tại Điện Biên; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại Hải Dương.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 11 công điện, theo dõi sát tình hình kịp thời chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão, mưa lũ ngay từ sớm, từ xa với phương châm chỉ đạo là "chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất".

Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đi kiểm tra và phân công tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp tới tất cả các địa phương bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ để cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với bão, lũ; kịp thời động viên, thăm hỏi người dân vùng ảnh hưởng của bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì, chỉ đạo 05 cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với các Bộ ngành và các tỉnh, thành phố Bắc Bộ đến Thanh Hoá để chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.

Trước bão, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương tại Hải Phòng do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó khẩn cấp tại hiện trường, tổ chức 04 cuộc họp trực tuyến với các Bộ ngành, địa phương nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhân dân và nhà nước.

Ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp trực tuyến, trực tiếp với các Bộ trưởng, trưởng ngành và Bí thư, Chủ tịch UBND 26 tỉnh, thành phố về giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão số 3.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 51 công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó với bão, đảm bảo an toàn đê điều; vận hành hồ chứa, đảm bảo an toàn hạ du và khôi phục sản xuất sau bão. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp chỉ đạo tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội; chủ trì cuộc họp ngày 04/9 với các Bộ ngành, địa phương để chỉ đạo ứng phó với bão. Các Bộ, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đã chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã ban hành 356 công điện chỉ đạo; tổ chức 146 đoàn công tác đến hiện trường trực tiếp chỉ huy công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ.

Kết quả đạt được, với sự lãnh đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phản ứng kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, trực tiếp tại hiện trường của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào trong nước và cả đồng bào ta ở nước ngoài,… đã hạn chế tối đa thiệt hại và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ. Nếu không có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, thiệt hại về người, tài sản do bão số 3 và mưa lũ sẽ còn lớn hơn nữa.

Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã đóng góp nguồn lực hỗ trợ người dân từng bước ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất sau thiên tai.

Khó khăn, hạn chế:

Bên cạnh những kết quả nổi bật trong triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả bão và mưa lũ sau bão, tuy nhiên thiệt hại do bão, lũ quét, sạt lở đất vẫn còn rất lớn, với những khó khăn, tồn tại.

(1) Thiệt hại về người vẫn còn lớn (344 người chết và mất tích), số người chết do sạt lở đất, lũ quét (264 người chết và mất tích) chiếm tỷ lệ cao.

(2) Các kịch bản, phương án với những tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng, khu vực vùng sâu, vùng xa khi bị chia cắt,... còn hạn chế, chưa bài bản, chưa phù hợp thực tế. Việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể, người dân chưa hình dung được những thiệt hại to lớn khi bão đổ bộ cũng như tác động sau khi bão đã đổ bộ, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó.

(3) Vẫn còn tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng trong phòng, chống bão dẫn đến thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản như ở lại trên tàu thuyền khi neo đậu và tham gia giao thông khi có gió bão. Chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để công tác cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, công sở, kho tàng, biển báo, biển quảng cáo,… dẫn đến bị tốc mái, gẫy đổ rất nhiều.

(4) Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là khi xảy ra tình huống vùng sâu, vùng xa, trong điều kiện thời tiết phức tạp như gió bão, mưa lũ lớn, sạt lở chia cắt.

(5) Khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng nói chung, nhất là nhà dân, công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ; hệ thống giao thông thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập sâu, chia cắt,.. (Các tuyến đê biển hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9-10, triều trung bình 5% nhưng đã chịu tác động của bão cấp 11-12, giật cấp 14 vượt mức thiết kế; hệ thống điện, viễn thông bị thiệt hại nặng nề do gió bão).

(6) Công tác dự báo, cảnh báo sớm, chính xác, phạm vi hẹp nhất là về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai. Dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ vượt lịch sử; dự báo mưa lũ phục vụ vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (nhất là hồ Thác Bà) chưa kịp thời, tin cậy, chưa bám sát thực tế và yêu cầu của công tác chỉ đạo điều hành.

(7) Chưa có bản đồ nguy cơ sạt lở đất lũ quét tới từng thôn, bản để người dân biết cũng như phục vụ công tác di dời, sắp xếp dân cư, công tác chỉ đạo ứng phó.

(8) Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng còn một số tồn tại, bất cập như: Quy định về thời gian mùa lũ không phù hợp, quy định về tích nước sớm, vì nhiều trận lũ lớn đã xảy ra vào thời kỳ lũ muộn như năm 2017, năm 2024 dẫn đến dung tích cắt lũ các hồ chứa không đáp ứng yêu cầu cắt giảm lũ cho hạ du; Quy định về thẩm quyền và quy trình thực hiện trong tình huống khẩn cấp đảm bảo an toàn hồ chứa chưa cụ thể, dẫn đến lúng túng, thời gian kéo dài trong phối hợp xử lý (như quy định về tình huống khẩn cấp hồ Thác Bà).

(9) Ngập lụt diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, trên diện rộng tại nhiều địa phương, kể cả đô thị miền núi do quá trình đô thị hoá, xây dựng công trình, lấn chiếm làm giảm khả năng thoát lũ các tuyến sông, suối gây ngập úng kéo dài.

(10) Đây là trận lũ lớn nhất kể từ năm 1971 trên toàn bộ lưu vực đồng bằng sông Hồng - Thái Bình là bài học cảnh tỉnh cho các địa phương trong việc khai thác, sử dụng bãi sông. Chưa thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm của Nghị Quyết 24-NQ/TW Ban Chấp hành trung ương ngày 03/6/2013 là bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông, trước hết cho sông Hồng, sông Cửu Long, sông Cầu và các sông lớn khác.

(11) Lũ lớn, đặc biệt lớn xảy ra trên toàn bộ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, tuy nhiên công tác tuần tra canh gác đê, hộ đê tại một số địa phương chưa nghiêm túc, còn chủ quan, lơ là; có nơi chưa xây dựng lực lượng quản lý đê chuyên trách theo quy định của Luật Đê điều; tình trạng khai thác cát trái phép còn diễn biến phức tạp trên các tuyến sông, nhất là sông Lô uy hiếp đến an toàn đê điều, đã gây sạt trượt thân đê hữu Lô thuộc xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ khi nước rút.

(12) Quy định về hệ thống cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp từ trung ương đến địa phương hiện nay không còn sau khi Luật phòng thủ dân sự có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, tuy nhiên đến nay Nghị định hướng dẫn Luật Phòng thủ dân sự chưa được ban hành do có nhiều điểm chồng chéo với Luật Phòng, chống thiên tai, dẫn đến việc thực hiện quy định của pháp luật còn lúng túng, bất cập.

Bài học kinh nghiệm:

(1) Mặc dù bão số 3 là cơn bão rất mạnh đổ bộ vào nước ta, xong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ sớm từ xa của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, các lực lượng, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở,... nên đã phần nào giảm thiểu được thiệt hại.

(2) Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để chủ động trong chỉ đạo điều hành, đồng thời công tác thông tin, truyền thông, cảnh báo, dự báo phải được đưa ra bằng những hình ảnh minh hoạ dễ hiểu, thể hiện tác động cho từng đối tương (nhà ở, cây xanh, tàu thuyền,…) để nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền, hiểu biết về mức độ tàn phá của bão lũ, nhằm khắc phục tư tưởng chủ quan trong ứng phó. Đồng thời đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến được người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực bị chia cắt để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

(3) Việc vận dụng linh hoạt phương châm "4 tại chỗ" phù hợp với đặc điểm của các hộ dân cư và địa phương, đồng thời phát huy vai trò lực lượng xung kích cơ sở là hết sức cần thiết, cùng với vai trò, kinh nghiệm, sự hiểu biết về thiên tai của người đứng đầu thôn bản có ý nghĩa quyết định trong giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trên địa bàn, nhất là đối với khu vực miền núi có địa hình dễ bị chia cắt.

(4) Chính quyền các cấp và người dân chủ động trong ứng phó, phát hiện nguy cơ và kịp thời di dời, sơ tán khỏi các khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đã giúp giảm thiểu thiệt hại về người (điển hình như Anh Ma Seo Chứ - Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã phát hiện và vận động cả thôn 115 người sơ tán đến nơi an toàn, tránh được thiệt hại do sạt lở đất; 142 giáo viên và học sinh trường Mường Hum, huyện Bát Xát đã sơ tán đến nơi an toàn trước khi cả quả đồi sạt xuống).

(5) Công tác phối hợp chỉ đạo, điều phối liên ngành là yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, trong đó cần xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và quy trình thực hiện trong tổ chức chỉ đạo, nhất là tình huống khẩn cấp cần xử lý ngay, nếu không kịp thời có thể gây thảm hoạ về người.

(6) Lũ lớn, đặc biệt lớn làm nhiều tuyến đê bị tràn, sự cố. Tuy nhiên với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, lực lượng quản lý đê chuyên trách và sự chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương án xử lý trọng điểm được xây dựng trước mùa mưa bão nên đã đảm bảo an toàn cho các tuyến đê, nhất là các tuyến đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt bảo vệ khu vực đông dân cư, công trình cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó có thủ đô Hà Nội.

(7) Các địa phương đã tích cực, chủ động huy động các nguồn lực trong ứng phó; huy động sức mạnh, nguồn lực tổng hợp ngân sách, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của nhân dân trong khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất.

(8) Hướng dẫn kịp thời các giải pháp cụ thể, phù hợp trước mắt và lâu dài đối với từng khu vực, từng đối tượng thiệt hại để khắc phục nhanh, trong đó ưu tiên phục hồi sản xuất nông nghiệp và công trình phòng, chống thiên tai theo hướng xây dựng lại tốt hơn để phát triển bền vững.

(9) Bão số 3 đi qua đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng về người và tài sản, nhưng cũng để lại những bài học lớn về tổ chức, chỉ đạo phối hợp liên ngành phòng, chống thiên tai liên quan đến thể chế, hạ tầng, nhân lực,… Vì vậy, cần rà soát, điều chỉnh thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Để sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất sau bão lũ, đồng thời có giải pháp căn cơ lâu dài, các Bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 06 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Trước mắt:

- Tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích tại sự cố cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ và mất tích do lũ, lũ quét, sạt lở đất (Lào Cai, Cao Bằng,…).

-Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Rà soát các gia đình bị mất nhà để tái định cư cho người dân đến chỗ an toàn và hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/12/2024.

-Tập trung chỉ đạo, có kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả và hướng dẫn các biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể cho từng địa phương, vùng miền, trong đó sẵn sàng nguồn giống để hỗ trợ người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất.

-Theo dõi sát tình hình, diễn biến nguồn cung, giá cả hàng hóa trên địa bàn, nhất là tại các khu vực vừa xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất nặng nề, kịp thời bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi.

-Chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục, sửa chữa các công trình đê điều, thuỷ lợi, các tuyến đường giao thông, cơ sở y tế, trường học, công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, trường hợp vượt quá khả năng, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

-Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí,… đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật.

-Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.

-Tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn chịu ảnh hưởng bởi bão, mưa lũ; kiểm soát chặt chẽ không gian mạng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận.

-Tiếp nhận, triển khai kịp thời, hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân thông qua Mặt trận Tổ quốc, sự hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế để góp phần ổn định đời sống nhân dân.

-Có những giải pháp phù hợp đưa cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nhanh chóng trở lại bình thường. Bên cạnh công tác di dời, tái thiết lại các điểm dân cư, xây khu định cư mới, tạo sinh kế, đặc biệt chú trọng tình trạng bị sang chấn tâm lý, đời sống tinh thần của người dân mất mát người thân, nhà cửa.

2. Lâu dài:

Từ những bài học kinh nghiệm nêu trên, để công tác phòng, chống thiên tai chuyển biến mạnh mẽ, hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới, các Bộ ngành, địa phương cần nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đồng bộ hướng đến mục tiêu "Từ ứng phó đến hành động sớm, tăng cường khả năng chống chịu", trong đó tập trung các nội dung sau:

a) Về thể chế:

- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn; Chiến lược phòng, chống thiên tai quốc gia, Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia, trong đó ưu tiên nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ từ Trung ương đến cơ sở.

- Rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng cơ sở hạ tầng của các ngành đảm bảo an toàn trước thiên tai.

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của từng địa phương.

- Rà soát, điều chỉnh thể chế, chính sách, đề xuất các nhiệm vụ và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai, sẵn sàng ứng phó với tình huống thiên tai lớn như bão số 3, đảm bảo an toàn và phát triển bền vững, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, đê điều, thuỷ lợi, viễn thông, điện lực, công trình hạ tầng đô thị.

- Rà soát, sửa đổi các bất cập trong Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Vận hành hiệu quả, an toàn công trình hồ chứa và vùng hạ du, nhất là các hồ chứa quan trọng đặc biệt: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang theo quy định.

- Rà soát quy định về việc để người trên các tàu vận tải (nhất là tàu pha sông biển) trong các tình huống bão rất mạnh như bão số 3 để đảm bảo an toàn cho người trên phương tiện.

- Bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông theo quy định của Luật Đê điều và Nghị Quyết số 24-NQ/TW Ban Chấp hành trung ương Đảng ngày 03/6/2013 là bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông, lòng sông, trước hết cho sông Hồng, sông Cửu Long, sông Cầu và các sông lớn khác.

- Rà soát, điều chỉnh các quy định về tiếp nhận, phân bổ nguồn lực viện trợ, cứu trợ bằng tiền và hiện vật đảm bảo thống nhất quy trình, quy định và kịp thời.

- Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết Luật Phòng thủ dân sự (Luật Phòng thủ dân sự số 18/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024), trong đó bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, kịp thời hơn và kế thừa, phát huy những điểm mạnh của tổ chức hiện có trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành.

b) Về nông nghiệp:

- Rà soát, bố trí sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai , nhất là sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi đến nơi an toàn, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân ở nơi ở mới.

- Rà soát, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi ở các vùng, các địa phương theo hướng thuận thiên, hiệu quả, bền vững hơn, an toàn trước thiên tai.

- Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ.

c) Về cơ sở hạ tầng:

- Xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm, xung yếu; xây dựng, lắp đặt các trạm cảnh báo lũ quét tự động tại những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét. Xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai chi tiết đến các không gian bị chia cắt, các vùng ngập trong đô thị. Lấy mực nước cao nhất để làm cơ sở quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch hệ thống đê điều, thuỷ lợi. Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch và xây dựng cho vùng rủi ro thiên tai.

- Tu bổ, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê điều, hồ chứa thuỷ lợi, nhất là các trọng điểm đê điều xung yếu; củng cố, nâng cấp các tuyến đê sông, đê biển đảm bảo chống chịu được với các trận bão rất mạnh như bão số 3, lũ trên sông vượt lịch sử.

- Tu bổ, nâng cấp công trình cơ sở hạ tầng đảm bảo sức chống chịu với thiên tai như đợt bão số 3, nhất là hạ tầng điện, viễn thông.

- Quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng lấn chiếm lòng sông, suối, bạt sườn dốc làm gia tăng rủi ro thiên tai.

- Rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó tập trung các cầu yếu trên tuyến đường bộ, đường sắt huyết mạch để có phương án đầu tư sửa chữa, gia cố, nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới đảm bảo yêu cầu phòng chống, ứng phó với các tình huống thiên tai, bão lũ xảy ra trong thời gian tới. Mở rộng khẩu độ thoát lũ các công trình qua sông, suối không đảm bảo khả năng thoát lũ.

d) Về nhân lực:

-Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, kịp thời hơn và kế thừa, phát huy những điểm mạnh của tổ chức hiện có trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành.

-Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở, của toàn hệ thống, các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân trong phòng, chống thiên tai đảm bảo hoạt động hiệu lực, kịp thời.

-Xây dựng, đào tạo lực lượng phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp để triển khai trong các tình huống thiên tai lớn.

-Huy động sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia trong nghiên cứu, xây dựng chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai.

Các địa phương:

(1) Khẩn trương, rà soát thống kê đánh giá thiệt hại và thực hiện hỗ trợ ngay cho nhân dân, trước mắt áp dụng theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP cho đến khi ban hành Nghị định mới.

(2) Tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo về khôi phục sản xuất nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành.

(3) Tích cực giải quyết các thủ tục hành chính khi doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, chủ hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đề xuất, đầu tư các dự án mới tại địa phương. Thời gian giải quyết TTHC không quá 1/2 thời gian tối đa được quy định tại pháp luật hiện hành.

(4) Phối hợp, chỉ đạo các cơ quan quan thuế, cơ quan ngân hàng, tổ chức tín dụng trên thực hiện khoanh nợ, giãn nợ, giảm 100% thuế các khoản thuế phải nộp đến hết ngày 31/12/2025 đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Tiếp tục cho vay với quy trình thủ tục rút gọn để sớm phục hồi sản xuất.

(5) Luật Phòng thủ dân sự số 18/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024; theo đó tại khoản 1 Điều 34 quy định "Tổ chức lại Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn thành Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia". Theo quy định của Luật, từ ngày 01/7/2024, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT không còn hoạt động. Do vậy, kiến nghị sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, kịp thời hơn và kế thừa, phát huy những điểm mạnh của tổ chức hiện có trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành. Trong đó đề nghị giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành từ trung ương xuống địa phương để triển khai thực hiện.

(6) Các Bộ ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão và mưa lũ. Trường hợp cần thiết báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh các chính sách, quy định, quy hoạch, các nhiệm vụ, công trình, dự án đang xây dựng và làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, huy động nguồn lực ODA và các nguồn lực hợp pháp khác.

Theo VGP

Năm 2024: Người Việt online chủ yếu để lướt mạng xã hội

Mới giải ngân 12% các khoản do tổ chức nước ngoài hỗ trợ phục hồi sau bão Yagi

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-rut-kinh-nghiem-ve-ung-pho-voi-bao-so-3-2326769.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thủ tướng chủ trì hội nghị rút kinh nghiệm về ứng phó với bão số 3
    POWERED BY ONECMS & INTECH