Cùng với việc công bố kích hoạt ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng Hue-S, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phát động chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho người dân trên địa bàn.
Cấp chữ ký số miễn phí cho toàn dân Thừa Thiên Huế
Lễ phát động chiến dịch cấp chữ ký số công cộng cho người dân và công bố ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng Hue-S diễn ra sáng 29/7.
Sự kiện do Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT cùng Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam và 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số tổ chức.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia, chữ ký số là công cụ hữu hiệu góp phần thúc đẩy chuyển đổi số với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, phát triển kinh tế số và hình thành công dân số.
Thực tế, thời gian qua, cùng với việc thúc đẩy tích hợp chữ ký số vào các cổng dịch vụ công, NEAC và các doanh nghiệp đã phối hợp triển khai cung cấp chữ ký số miễn phí cho người dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Yên Bái, TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng và nay là Thừa Thiên Huế.
Trong chiến dịch vừa được phát động tại Thừa Thiên Huế, với sự cam kết của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, người dân sẽ được cấp chữ ký số với chính sách hỗ trợ cụ thể là miễn phí trong vòng 1 năm bao gồm phí khởi tạo chữ ký số và ký số dịch vụ công trực tuyến. Những dịch vụ khác, người dân sử dụng bao nhiêu trả bấy nhiêu theo khung giá của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số.
Phát biểu tại sự kiện phát động, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, việc cấp chữ ký số cho người dân trên địa bàn là một nhiệm vụ quan trọng. Phấn đấu khoảng 50% dân số của tỉnh tiếp cận được với chữ ký số và các dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng Hue-S.
Ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị Sở TT&TT sau lễ phát động triển khai nhanh, quyết liệt; phối hợp với các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của chữ ký số và thanh toán dịch vụ công qua Hue-S; đảm bảo giải pháp kỹ thuật để người dân thao tác nhanh gọn, thuận tiện. Đồng thời, có kế hoạch triển khai cụ thể để đảm bảo cho người dân có thể sử dụng được chữ ký số.
Theo kế hoạch, thời gian tới, Thừa Thiên Huế triển khai chương trình phổ cập chữ ký số cho toàn dân trong 12 tháng theo 2 giai đoạn. Trong đó, ở giai đoạn 1 kéo dài 3 tháng, các doanh nghiệp cung cấp chữ ký số cam kết sẽ đến từng hộ gia đình để hỗ trợ cấp phát chữ ký số cho toàn dân. Ở giai đoạn 2 kéo dài 9 tháng, người dân chưa được cấp phát sẽ chủ động qua các kênh được công bố để đăng ký cấp phát. Việc đến tận hộ gia đình hỗ trợ sẽ tùy thuộc vào chương trình của các doanh nghiệp.
Sau khi được cấp chữ ký số, người dân có thể sử dụng để đăng ký dịch vụ công trực tuyến mà không cần mang theo giấy tờ in sẵn đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Người dân chỉ cần ngồi tại nhà hay bất cứ đâu, điền các thông tin theo mẫu có sẵn trên dịch vụ công của Hue-S và thực hiện ký số thì sẽ được cơ quan Nhà nước chấp nhận.
Tại sự kiện, Sở TT&TT Thừa Thiên Huế, Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam và các doanh nghiệp cung cấp chữ ký số đã ký kết ghi nhớ hợp tác thúc đẩy phổ cập chữ ký số trên địa bàn tỉnh.
Ra mắt ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến trên Hue-S
Trong khuôn khổ sự kiện, Sở TT&TT Thừa Thiên Huế chính thức công bố kích hoạt ứng dụng Dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng Hue-S. Ứng dụng sẽ giúp người dân có cách tiếp cận mới, thân thiện và tiện dụng trong quá trình tìm kiếm, nộp, thanh toán phí, lệ phí và theo dõi các hồ sơ dịch vụ công của cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp.
Ứng dụng cũng sẽ hỗ trợ chức năng ký số hồ sơ cho phép kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số hiện nay; hỗ trợ thanh toán trực tuyến thông qua ví điện tử trên Hue-S. Qua đó, sẽ góp phần thúc đẩy chất lượng hoạt động dịch vụ công, tăng tỷ lệ các thủ tục trực tuyến toàn trình của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Giám đốc Sở TT&TT Thừa Thiên Huế Nguyễn Xuân Sơn cho biết, việc đưa người dân sớm lên không gian số là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Muốn đưa người dân lên không gian số thì cần công dân số. Công dân số ngoài việc cần trang bị kỹ năng số thì cần có tài sản số. Trên không gian số, công dân số cần có tối thiểu 3 tài sản quan trọng đó là: Định danh điện tử - VNeID, tài khoản thanh toán điện tử và chữ ký số.
Ba tài sản số trên sẽ là điều kiện đảm bảo hình thành công dân số, là cơ sở pháp lý quan trọng cho các giao dịch của công dân trên môi trường số. Luật giao dịch điện tử sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 22/6/2023 đã khẳng định tính pháp lý và vai trò quan trọng của các tài sản số này.
“Chiến dịch hôm nay được phát động hướng tới triển khai đồng bộ các giải pháp để trang bị tài sản cho người dân, sẵn sàng tham gia, thụ hưởng các thông tin, dịch vụ trên không gian mạng”, ông Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh.
Trong đó, kích hoạt dịch vụ công trên Hue-S để tạo ra môi trường giao dịch số cho công dân thụ hưởng các dịch vụ trực tuyến thay cho hoạt động truyền thống; tài khoản VNeID là phương thức xác định danh tính khi dùng dịch vụ công trực tuyến trên Hue-S; chữ ký số cho toàn dân là công cụ giúp người dân ký số vào các thành phần hồ sơ theo hình thức trực tuyến trên Hue-S; và ví điện tử trên Hue-S là phương thức giúp người dân thanh toán các loại phí, lệ phí dịch vụ công.
Quy định mới giúp giảm thiểu các hành vi tiêu cực trên không gian mạng
Đẩy nhanh tiến độ, tiếp tục tạo bước chuyển biến căn bản trong triển khai thực hiện Đề án 06