Thực hiện Nghị quyết 98: Cơ hội để TP.HCM trở lại quỹ đạo phát triển
Theo các chuyên gia, nhà quản lý, nếu triển khai thành công Nghị quyết 98 (NQ 98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù sẽ đưa TP.HCM trở lại quỹ đạo phát triển vốn có, xứng đáng với vai trò đầu tàu.
Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM bắt đầu có hiệu lực từ 1/8. Nghị quyết gồm 44 cơ chế, chính sách với 7 lĩnh vực, được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Thí điểm ngay các chính sách vượt trội
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, chưa bao giờ TP.HCM được Trung ương trao cơ chế mang tính hệ thống như lần này.
Thứ nhất là mở rộng phân cấp, phân quyền. Thứ hai là cơ chế, chính sách tạo động lực; trong đó có việc huy động những nguồn lực mà thành phố (TP) đang có.
“Nếu thực hiện tốt chính sách này, cái bánh ngân sách cả nước lớn lên, khi đó các tỉnh, thành và cả TP.HCM cũng hưởng lợi lớn”, TS Trần Du Lịch khẳng định.
Còn theo Thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu văn hóa xã hội - Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, cùng với Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, NQ 98 mới cho phép “thí điểm các chính sách mang tính đột phá để chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển”.
“Đây là kim chỉ nam rất lớn, TP.HCM cần tận dụng và phát triển thành tư tưởng chủ đạo một cách chủ động hơn, sẽ gỡ được nhiều vướng mắc trong từng lĩnh vực mà lâu nay vẫn lúng túng vì cơ chế xin - cho”, ông Thành nhận định.
Theo ông Thành, quyền chủ động thuộc về TP.HCM nhưng vấn đề lớn nhất chính là “dám nghĩ, dám làm” và chọn những vấn đề thí điểm, đột phá có trọng tâm, trọng điểm, không triển khai tràn lan.
Lúc này, TP cần thí điểm ngay các chính sách vượt trội áp dụng vào các dự án lớn như Vành đai 3, Vành đai 4, các dự án metro, Trung tâm tài chính quốc tế, các vấn đề thiết yếu về nhà ở xã hội, đầu tư cho y tế, giáo dục…
Còn theo kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, mở rộng liên kết vùng là việc 'làm ngay' của TP.HCM lúc này. Đông Nam Bộ là vùng kinh tế đô thị lớn, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM là 4 địa phương đóng góp nhiều nhất cho ngân sách Nhà nước.
“Tuy nhiên, kết nối vùng của 4 địa phương này khá kém, do vậy chuyện ưu tiên cho hạ tầng giao thông vùng là quan trọng bậc nhất, nó sẽ dẫn dắt kinh tế cho 4 địa phương này và cả khu vực Đông Nam Bộ”, KTS Nam Sơn nói.
Ông Sơn cho rằng, để kết nối vùng tốt cần tập trung xây dựng các đường Vành đai 3, 4… kết nối 4 địa phương này với nhau.
Ngoài ra theo KTS Nam Sơn, NQ 98 được thông qua, TP.HCM có thêm cơ sở pháp lý trong triển khai mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD).
Hiện nay, TP.HCM có nhiều dự án lớn bị đóng băng do thiếu nền tảng pháp lý. Với NQ 98, TP sẽ dễ hơn khi triển khai các dự án.
Đi cùng với tái khởi động các dự án, TP cũng thực hiện việc tạo quỹ đất hai bên đường, có thể là những khu đô thị dọc các tuyến lớn như metro, Vành đai 3 và 4. Từ đó, tập trung khai thác tốt quỹ đất này để thu lại ngân sách, đầu tư trở lại cho các dự án khác.
“Nếu TP.HCM triển khai tốt, đạt hiệu quả cao sẽ là mô hình nhân rộng ra cho cả nước”, KTS Nam Sơn khẳng định.
TP Thủ Đức là cửa ngõ liên kết vùng
“Phải xem hướng Đông là hướng chủ đạo để đột phá về chiến lược hạ tầng giao thông với việc đẩy nhanh các dự án Vành đai 3, Vành đai 4. Hướng Đông cũng là hướng rất phù hợp khi TP.HCM đang muốn phát triển TP Thủ Đức thành đô thị thông minh, sáng tạo”, ông Sơn gợi ý.
Theo ông Sơn, TP Thủ Đức được thành lập hơn 2 năm nhưng đến nay không phát triển như mong muốn vì không có cơ chế đi kèm, quyền của Chủ tịch TP Thủ Đức không khác gì một chủ tịch quận, huyện.
Vì thế, khi có NQ 98, việc vận hành cơ chế đặc thù cho thành phố trong thành phố sẽ 'thực chất' hơn. Lúc này Chủ tịch TP Thủ Đức sẽ có thẩm quyền để triển khai, phát triển như mong muốn khi thành lập thành phố này.
Nhìn nhận về tác động của NQ 98, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, trong NQ 98 có một nội dung dành riêng cho TP Thủ Đức.
Đây là kim chỉ nam hết sức quan trọng, trong đó, nội dung trọng tâm của các nhóm chính sách mới là thu hút đầu tư vào TP.HCM và cũng TP Thủ Đức.
Chính vì thế, khi NQ 98 chính thức vận hành, Thủ Đức sẽ có cơ hội thu hút đầu tư công và tư để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
“Với cơ chế đặc thù mới, Thủ Đức sẽ có cơ chế hoạt động thoáng hơn, khi đó chúng tôi sẽ tập trung phát triển hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị đồng bộ theo quy hoạch gắn với các tuyến metro, Vành đai 3, 4 đã và đang triển khai.
Hiện toàn hệ thống chính trị của TP Thủ Đức trong tâm thế sẵn sàng cho việc triển khai NQ 98 với mục tiêu tạo đột phá, phát triển ”, ông Hoàng Tùng cho hay.
"Mở chiến dịch vận hành Nghị quyết 98"
"Với lãnh đạo TP.HCM, việc triển khai Nghị quyết 98 được lãnh đạo thành phố xem là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong chương trình công tác" - ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND.TP cho biết.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng thông tin, ngay khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết, TP đã ban hành kế hoạch triển khai ngay với 11 đầu việc phải hoàn thành trong quý II/2023 và 37 đầu việc hoàn thành trong 6 tháng cuối năm.
Đồng thời, thành lập Tổ công tác với 26 thành viên, do Chủ tịch UBND thành phố làm Tổ trưởng.
Ngay khi Quốc hội thông qua NQ 98, UBND TP đã tham mưu Thành ủy ban hành Chỉ thị 27, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết, do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban; trình HĐND TP ban hành Nghị quyết 18 về triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội.
UBND TP cũng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 98, trong đó xác định 28 nội dung, đề án trình HĐND TP thông qua và 26 nội dung, đề án thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của UBND TP sẽ hoàn thành trong năm 2023.
“Chiến dịch vận hành NQ 98 đã được TP.HCM chủ động từ sớm. Khi hiệu lực thực hiện nghị quyết bắt đầu từ 1/8 thì một phần nghị quyết đã đi vào thực tiễn”, Chủ tịch TP.HCM khẳng định.
TPHCM đề xuất đầu tư 3 dự án BT trị giá hơn 14.600 tỷ đồng
12.000 địa chỉ nhà, đất công của TPHCM với khối lượng hồ sơ khổng lồ đang chờ số hóa