Dù chỉ kịp cán đích kế hoạch doanh thu năm 2022 song CTCP Thực phẩm Hữu Nghị (Mã HNF) đã vượt tới 207% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
CTCP Thực phẩm Hữu Nghị (Mã HNF - UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2022 trong đó doanh thu thuần quý 4 đạt gần 636 tỷ đồng - tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, biên lãi gộp cải thiện từ 26,2% cùng kỳ lên 28,1% - tương ứng lợi nhuận gộp tăng thêm 47 tỷ lên mức 179,5 tỷ đồng.
HNF ghi nhận doanh thu tài chính tăng thêm 1,6 tỷ lên mức 5,8 tỷ đồng. Cùng chiều, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng so với quý 4/2021 lên các mức 22,8 tỷ, 109,9 tỷ và 13,3 tỷ đồng.
Sau trừ các khoản thuế phí, Thực phẩm Hữu Nghị lãi sau thuế gần 28 tỷ đồng - tăng 88% YoY; dù vậy, con số này đã giảm tới 55% so với quý trước đó.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của HNF tăng 22% lên mức đạt 1.954 tỷ đồng - mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động đồng thời là năm thứ 10 liên tiếp doanh nghiệp duy trì mức doanh thu nghìn tỷ (kể từ năm 2013).
Tương ứng, lợi nhuận trước thuế của Thực phẩm Hữu Nghị tăng gấp 2,63 lần năm 2021 - đạt 138,4 ty đồng; lãi ròng ở mức 118 tỷ - gấp 2,3 lần năm trước đồng thời là mức lợi nhuận cao nhất của công ty kể từ khi cổ phần hóa (năm 2006); lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối quý tăng lên mức 263 tỷ.
Phía công ty cho biết, có được kết quả tích cực trong năm 2022 là nhờ ghi nhận được doanh thu tốt so với các năm trước đồng thời nhờ cơ cấu tổ chức và chuẩn hóa quy trình quản lý tối ưu tiết kiệm chi phí nên lợi nhuận đạt mức tăng trưởng cao.
Với kết quả này, HNF đã cán đích kế hoạch doanh thu năm 2022 đồng thời vượt tới 207% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Thực phẩm Hữu Nghị đạt mức 2.041 tỷ đồng - tăng 65 tỷ so với đầu năm trong đó các khoản phải thu ngắn hạn gần 473 tỷ - chiếm 23%; tiền - tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng tăng 27% lên mức 307 tỷ.
Tổng nợ vay của công ty đến cuối năm ở mức 943 tỷ đồng - chiếm 68% tổng nợ. Vay nợ lớn khiến HNF đã phải chi tới gần 70 tỷ đồng cho các khoản chi phí lãi vay.
Thực phẩm Hữu Nghị tiền thân là Nhà máy Bánh kẹo cao cấp Hữu Nghị, được thành lập năm 1997, hoạt động chính trong các lĩnh vực sản xuất thức ăn chế biến sẵn; chế biến, bảo quản thịt và sản phẩm từ thịt; sản xuất rượu vang; kinh doanh bất động sản.
Các nhãn hiệu sản phẩm bánh kẹo quen thuộc của công ty như Staff, Tipo, Daisy, Mứt Tết Hữu Nghị… Hiện, công ty đang sở hữu 3 nhà máy tại Hà Nội diện tích 1,7 ha; nhà máy nằm tại Bình Dương diện tích 3,5 ha và nhà máy nằm tại Bắc Ninh diện tích 6,5 ha.
Theo giới thiệu của công ty, các sản phẩm Hữu Nghị hiện nay được phân phối qua nhiều kênh trong đó:
+ Kênh truyền thống có 130 nhà phân phối và hơn 140.000 điểm bán lẻ.
+ Kênh hiện đại tại các đại siêu thị thuộc chuỗi VinMart, BigC, MMMega, Aeon, Lotte Mart và hơn 6.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi (CVS).
+ Kênh trọng điểm tại các trường học, hàng chục tập đoàn đa quốc gia, tổng công ty và các ngân hàng, tổ chức tín dụng như Samsung, Canon, Foxconn, Viettel, Vietcombank…
+ Kênh thương mại điện tử bao gồm bán hàng online trực tiếp và thông qua các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế.
+ Kênh bán lẻ theo chuỗi Bakery tại hàng chục điểm Bakery mang thương hiệu Momiji Bakery.
+ Kênh xuất khẩu với 12 quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Singapore, Campuchia, Lào,…
Thực phẩm Hữu Nghị (HNF) bị phạt và truy thu thuế hơn 1,1 tỷ đồng
Thế giới Di động làm gì khi gần 60.000 nhân viên nghỉ việc?
Một doanh nghiệp tại Thanh Hóa có gần 12.000 tỷ đồng lãi vay quá hạn thanh toán