Xã hội

Thuốc lá mới: Cần quản lý, kiểm soát ra sao?

P.V 25/10/2024 16:30

Tại tọa đàm “Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Cần giải pháp phù hợp” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 16/10 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đóng góp quan điểm liên quan tới thuốc lá mới. Ông phân tích các vấn đề về tác hại của thuốc lá, thực trạng, khoa học, kinh tế, và đặc tính của từng loại sản phẩm đối với giới trẻ, để từ đó có chính sách quản lý phù hợp.

Thuốc lá mới: Cần quản lý, kiểm soát ra sao? ảnh 1

Công cụ giảm thiểu tác hại thuốc lá

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội xác định: Hút thuốc lá, dù bất kỳ loại nào, thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử (TLĐT) hay thuốc lá nung nóng (TLNN) đều có tác hại lên sức khỏe cho người hút thuốc, tạo áp lực cho hệ thống y tế, gây thiệt hại về kinh tế, có hại cho môi trường và những người xung quanh. Chính vì nhận thức rõ tác hại của thuốc lá, Việt Nam đã tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá và Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2013/NĐ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá. Các quy định nêu trên đã tạo khung pháp lý để kiểm soát, hạn chế và giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác hại do việc sử dụng thuốc lá.

Từ các điểm ông Cường đưa ra, có thể thấy rõ thuốc lá về mặt tác hại là đã được xác định, không một sản phẩm thuốc lá nào là an toàn. Hại ít, hại nhiều thì vẫn là hại. Nhưng thay vì cấm thì các quy định hiện hành đang quản lý để phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm giải quyết mối quan hệ cung- cầu trên thị trường. Việc quản lý cũng đồng thời thừa nhận hút thuốc lá nhu cầu hợp pháp, và việc phòng chống tác hại chính là hành động gián tiếp của Chính phủ để bảo vệ quyền lợi sức khỏe cho người hút thuốc và cộng đồng, kể cả giới trẻ.

Làm rõ hành lang pháp lý với thuốc lá mới

Từ việc xác định rõ cần phòng, chống tác hại bằng hành lang pháp lý dựa trên những quy định hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Cường cũng phân tích rõ cấu tạo của TLĐT, TLNN, là hai dòng sản phẩm thuốc lá mới riêng biệt, hiện đang chưa được đưa vào quy định, để từ đó xét tính tương thích đối với luật hiện hành của hai loại này.

Ông Cường cho biết: TLĐT mô phỏng hình dạng và chức năng thuốc lá truyền thống, sử dụng dung dịch, hóa hơi để tạo luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống hút thuốc lá thật. Còn TLNN thì lại rất giống với thuốc lá truyền thống, cũng làm từ sợi thuốc lá và chỉ thay đổi cách đốt, từ đốt bằng lửa (khoảng 1000 độ C) như ở thuốc lá truyền thống sang nung nóng (bằng nhiệt độ dưới 400 độ C) để giải phóng nicotine với mục đích, theo nhà sản xuất, là nhằm làm giảm thiểu tác hại từ các chất sinh ra trong quá trình đốt điếu thuốc lá. “Như vậy, TLĐT chưa được đề cập trong Luật PCTHTL; nhưng TLNN lại rất sát với định nghĩa về thuốc lá của Luật là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác’”, ông Cường khẳng định.

Có thể thấy, về cấu tạo TLNN tương thích với Luật PCTHTL hiện hành, do vậy trước đề xuất cấm TLNN, ông Cường kiến nghị: “Chỉ nên cấm TLNN khi chúng ta cấm tất cả thuốc lá truyền thống”.

Mặt khác, ông Cường cũng giải đáp cho lo ngại việc hợp pháp hóa TLNN có đang “ủng hộ” một sản phẩm độc hại. Ông Cường chia sẻ: “Việc cho phép sử dụng TLNN không có nghĩa là chúng ta khuyến khích sử dụng một sản phẩm độc hại, mà phải hiểu rằng đây là giải pháp cho người nghiện thuốc lá chưa thể từ bỏ được hút thuốc được chuyển sang dùng sản phẩm ít hại hơn cho chính mình, cho môi trường và những người xung quanh. Cũng giống như việc cho phép người đang hút thuốc lá truyền thống được lắp thêm tẩu có đầu lọc vào điếu thuốc để giảm tác hại”.

Bên cạnh đó ông Cường cũng nhận xét: TLNN giá thành cao, cồng kềnh khi sử dụng, do vậy đây không phải là loại sản phẩm mà giới trẻ sẽ ưa chuộng. Đối chiếu ý kiến của ông Cường với những quyết định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), một trong những lý do mà cơ quan này cấp phép cho một loại TLNN đó là, qua đánh giá các nghiên cứu tại nhiều quốc gia, khả năng thu hút giới trẻ của sản phẩm này được chứng minh là rất thấp. Trong khi đó, đối tượng sử dụng TLNN được FDA công bố, chủ yếu là những người trưởng thành hút thuốc lá điếu.

Thuốc lá mới: Cần quản lý, kiểm soát ra sao? ảnh 2

Tránh tư duy “không quản được thì cấm”

Trước thực trạng buôn lậu thuốc lá mới ngày càng leo thang và để lại nhiều hệ lụy cho Chính phủ, xã hội, hiện có 2 giải pháp là cấm hay quản. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, lựa chọn giải pháp nào thì cũng phải căn cứ trên cơ sở bằng chứng khoa học, đánh giá tác động, phải đánh giá kỹ tác động, ưu điểm, nhược điểm của mỗi giải pháp để đưa ra lựa chọn phù hợp. Đặc biệt, kết luận đưa ra phải có tính thuyết phục để tránh tư duy "không quản được thì cấm".

Để làm điều này, ông Cường khuyến nghị: “Tôi cho rằng cần sớm có khung pháp lý hoàn chỉnh để quản lý thuốc lá thế hệ mới theo hướng quy định rõ cấm hay cho phép sản xuất, kinh doanh thuốc lá thế hệ mới; loại nào cấm, loại nào cho phép”.

Theo góc nhìn từ ông Cường: Việc thanh, thiếu niên gia tăng sử dụng TLĐT, trộn ma túy, chất cấm vào dung dịch của TLĐT đang gây ra những hậu quả tiêu cực cho sức khỏe, trật tự, an toàn xã hội… Vì vậy, ý kiến đề nghị xem xét việc cấm đối với loại TLĐT, nhất là loại TLĐT hệ thống mở (cho phép người sử dụng có thể can thiệp, tự pha chế, đổ dung dịch) là có cơ sở.

Còn đối với TLNN, bên cạnh cấu tạo của sản phẩm dễ dàng nhận thấy sự tương thích với Luật PCTHTLHH, ông Cường cũng nhấn mạnh đến góc độ khoa học và khuyến nghị: “Nếu chúng ta có căn cứ khoa học chứng minh rằng TLNN gây tác hại tới sức khỏe người tiêu dùng cũng như những người xung quanh ít hơn rất, rất nhiều lần so với tác hại của thuốc lá truyền thống thì tại sao lại cấm?”. Do vậy, ông Cường cho rằng vấn đề này rất cần phải được tổ chức nghiên cứu khoa học độc lập với các nhà sản xuất thuốc lá đánh giá và phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt nam kết luận, cho ý kiến. “Nếu số liệu nghiên cứu đó là đúng thì cấm sử dụng TLĐT là rất bất hợp lý (khi vẫn cho sử dụng thuốc lá truyền thống), không bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng và những người xung quanh (tức là người hút thuốc lá thụ động),” ông Cường lý giải.

Thuốc lá mới: Cần quản lý, kiểm soát ra sao? ảnh 3
Trong nước đã có nghiên cứu về TLNN từ nhóm chuyên gia y học gia đình thuộc Trường Đại học Y Hà Nội, công bố trên tạp chí Nghiên cứu Y học tháng 7/2024, cung cấp những bằng chứng để các cơ quan chức năng xem xét.

Nói về bước cần làm nếu TLNN chịu kiểm soát của Luật PCTHTL, ông Cường nêu rõ: “Nếu cho phép thì phải quy định rõ về tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn; quy định về ghi nhãn, về quảng cáo, về việc tuyên truyền về tác hại của loại thuốc lá đó; quy định về thuế”. Không chỉ vậy, việc quản lý cũng cần quy định rõ về chế tài xử lý đối với hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá thế hệ mới nhập lậu (bao gồm cả xử lý hành chính và xử lý hình sự; mức định lượng sản phẩm nhập lậu để xử lý hành chính, hình sự…)”.

>> Cảnh báo tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử để sử dụng ma tuý trái phép

Lo ngại 'tiêu chuẩn kép' trong chính sách đối với các sản phẩm thuốc lá

Cảnh báo tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử để sử dụng ma tuý trái phép

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/thuoc-la-moi-can-quan-ly-kiem-soat-ra-sao-post1685521.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thuốc lá mới: Cần quản lý, kiểm soát ra sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH