Thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam sẽ đạt 300.000 tỷ đồng vào 2027

09-06-2023 18:37|LÊ MỸ

Xuất khẩu bán lẻ từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C) qua thương mại điện tử sẽ đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam với tiềm năng đạt giá trị 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027.

Xu hướng kinh doanh mới của MSME

Đây là tổng kết rút ra từ báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu năm 2022: Nắm bắt cơ hội xuất khẩu qua thương mại điện tử tại Việt Nam”, do Access Partnership thực hiện.

ga.p-g-giao-lu-cung-cac-nha-ban-hang-thanh-cong-en-t-chau-a.jpg

Báo cáo được chia sẻ tại Hội nghị Thương mại Điện tử xuyên biên giới chủ đề "Tinh hoa Châu Á, Bứt phá toàn cầu", do Amazon Global Selling và Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số Việt Nam (iDEA) – thuộc Bộ Công Thương phối hợp tổ chức vừa khai mạc tại TP.HCM.

Sự kiện với chuỗi hoạt động gồm một hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới (TMĐT XBG) nhằm chia sẻ các thông tin cập nhật mới nhất về ngành thương mại điện tử, ngày kết nối các nhà cung cấp dịch vụ gồm 14 nhà cung cấp dịch vụ trong ngành đến từ nhiều danh mục dịch vụ khác nhau, đồng thời giới thiệu nhà bán hàng thành công trên Amazon đến từ các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số Việt Nam (iDEA) – Bộ Công Thương - bà Lại Việt Anh cho biết, tiềm năng của thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới (TMĐT XBG) đối với các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Thông qua nỗ lực hợp tác giữa Amazon Global Selling Việt Nam và iDEA, chúng tôi tập trung cung cấp các tài nguyên giáo dục và chương trình đào tạo thông qua sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên đột phá”. Trong tương lai, chúng tôi sẽ phát triển hơn nữa các chương trình đào tạo, cập nhật kịp thời các kiến thức và thông tin về quy định nhập khẩu nước ngoài, tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và xây dựng thương hiệu quốc tế. Bằng cách đó, chúng tôi trao quyền cho các doanh nghiệp địa phương với những kiến thức và công cụ nhằm loại bỏ các rào cản của TMĐT XBG, tự tin củng cố sự hiện diện thương hiệu và phát triển mạnh trên thị trường toàn cầu.”, Phó Cục trưởng nói.

Còn theo ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam: "Hợp tác với các cơ quan chính phủ, chúng tôi nỗ lực mở rộng tiếp cận với nhiều doanh nghiệp Việt, cung cấp cho họ hỗ trợ toàn diện và hiệu quả nhằm nâng cao mức độ sẵn sàng cho TMĐT XBG. Bên cạnh đó, Amazon sẽ tiếp tục kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ trong ngành, tìm hiểu các khía cạnh doanh nghiệp cần để hỗ trợ, giúp họ thành công trong khi tiếp cận khách hàng toàn cầu”.

ong-gijae-seong-giam-oc-ieu-hanh-amazon-global-selling-vie.t-nam-chia-s.jpg
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ tại sự kiện

Ông Gijae Seong cũng cho biết doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều điều kiện tiềm năng để có thúc đẩy TMĐT XBG và vươn ra toàn cầu trong kinh doanh, làm thương hiệu một cách hiệu quả. Đó là sự năng động, sự sẵn sàng và có nhiều nhà xưởng, công xưởng, cơ sở sản xuất..., sự dễ dàng thích ứng, chuyển đổi linh hoạt cũng như mong muốn nắm bắt các xu hướng kinh doanh mới từ phía doanh nghiệp. 

Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nhấn mạnh một số ngành hàng của Việt Nam đặc biệt có tiềm năng để phát triển TMĐT XBG như: thực phẩm khô và chế biến; thời trang và phụ kiện làm đẹp... Trong đó, ngành nông sản, nông nghiệp Việt Nam với tiềm năng to lớn gia nhập thị trường TMĐT XBG ở nhóm khô và chế biến như hạt điều, cà phê, bánh tráng, các sản phẩm làm từ gạo, bột gạo như snack... được ưa chuộng và dễ dàng bán đi khắp toàn cầu. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý riêng đối với nhóm nông sản, khó khăn về vận chuyển, lưu khó dài ngày, bảo quản... , do đó sẽ khó thúc đẩy TMĐT XBG các mặt hàng tươi, có thời hạn sử dụng ngắn ngày. Ngoài ra, doanh nghiệp có mong muốn xuất khẩu mặt hàng này qua kênh TMĐT XBG nên nghiên cứu để có giới thiệu thêm xuất xứ, nguồn gốc, loại sản phẩm (chẳng hạn như sản phẩm hàng hữu cơ organic...) để tăng giá trị thương hiệu, hàng hóa.v.v

Những rào cản cần vượt

Nhìn chung, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam theo khảo sát, quan tâm đến TMĐT XBG, xong vẫn có những rào cản nhất định. Cuộc khảo sát của Access Partnership cũng chỉ ra những rào cản mà các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME)  gặp phải trong việc tối đa hóa lợi ích mà họ thu được từ xuất khẩu qua thương mại điện tử. Cụ thể: Các rào cản được chia thành bốn loại lớn: Rào cản kiến thức, rào cản năng lực, rào cản pháp lý, rào cản chi phí.

tmdt-1.jpg
Những rào cản của doanh nghiệp với TMĐT XBG

Dựa trên khảo sát với MSME tại Việt Nam, các rào cản phổ biến nhất mà các MSME gặp phải là những rào cản về quy định và chi phí. Trong đó 71% MSME Việt Nam được khảo sát nói rằng họ bị hạn chế bởi chi phí hậu cần xuyên biên giới cao. Ngoài ra, 66% cho rằng chi phí trao đổi ngoại tệ cao là một vấn đề, trong khi 67% cho rằng đó là chi phí tiếp thị phát sinh cho các chiến lược tiếp thị sản phẩm mới và nghiên cứu người tiêu dùng ở nước ngoài.

Các MSME của Việt Nam cũng cho biết các rào cản pháp lý là một trong những trở ngại hàng đầu mà họ phải đối mặt. 71% MSME nói rằng thuế hải quan cao ở nước ngoài là một vấn đề. 70% cho rằng các quy định nhập khẩu hiện hành ở nước ngoài là hạn chế và gắn liền với điều này, các MSME của Việt Nam cảm thấy rằng không có đủ các hiệp định thương mại giúp giải quyết những vấn đề này, với 67% cho rằng việc thiếu các FTA là rào cản dẫn đến chi phí và yêu cầu hành chính nặng nề. Tuy nhiên, điều này cũng không cản trở xu hướng tìm đến TMĐT XBG để tạo ra các cơ hội xuất khẩu bán lẻ có kết quả cao.

Cũng theo báo cáo, năm 2022, xuất khẩu từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C) qua thương mại điện tử của Việt Nam đạt giá trị 80,7 nghìn tỷ đồng (3,5 tỷ USD). Sự tăng trưởng này được thúc đẩy chủ yếu nhờ doanh số bán hàng tăng lên của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thương mại điện tử do quá trình chuyển dịch kỹ thuật số do đại dịch gây ra.

tmdt.jpg

Theo kịch bản "kinh doanh theo thông lệ" (giả định rằng tốc độ sử dụng thương mại điện tử hiện tại vẫn tiếp diễn), Access Partnership dự báo, kim ngạch xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam ước tính tăng 9% mỗi năm để đạt 124,2 nghìn tỷ đồng (5,5 tỷ USD) vào năm 2027. Tốc độ tăng trưởng hàng năm này cao hơn một chút so với tốc độ được thấy từ năm 2021 đến năm 2022, báo hiệu sự tăng trưởng bền vững trong hoạt động thương mại điện tử sau đại dịch. Ngay cả khi các cửa hàng truyền thống mở cửa trở lại, 94% doanh nghiệp nhỏ và 87% người tiêu dùng Việt Nam tỏ ra lạc quan về tương lai của lĩnh vực thương mại điện tử.

Tuy nhiên, nếu được thúc đẩy, tiềm năng của xuất khẩu B2C qua thương mại điện tử có thể đạt 296,3 nghìn tỷ đồng (13 tỷ USD) vào năm 2027 theo kịch bản “MSME Đảm trách”. Con số này lớn hơn gần 2,5 lần so với giá trị ước tính dự kiến trong kịch bản “Kinh doanh theo Thông lệ”. Hơn nữa, trong kịch bản này, các MSME của Việt Nam có thể thấy tỷ trọng doanh thu xuất khẩu qua thương mại điện tử của họ tăng từ 24% lên 67% vào năm 2027. 

'Nóng' sáp nhập các bộ; có nơi thưởng Tết gây choáng

Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, đặt mục tiêu vượt mức 25 tỷ USD

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-cua-viet-nam-se-dat-300-000-ty-dong-vao-2027-245501.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam sẽ đạt 300.000 tỷ đồng vào 2027
    POWERED BY ONECMS & INTECH