Nhiều khả năng thị trường bất động sản Việt Nam sẽ phục hồi vào quý 2 hoặc quý 3/2024 nhờ những bước tiến về pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế...
Tại Hội thảo quốc tế "Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam" do Bộ Xây dựng và Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 13/7, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản ở nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trong tình trạng thanh khoản kém và nguồn cung rất hạn chế. Tuy nhiên, khi xét theo mặt bằng chung vẫn có thể nhìn thấy cơ hội phục hồi của toàn ngành bất động sản.
Theo Bộ Xây dựng, năm 2022 nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản đạt 4,45 tỷ USD, tăng 1,85 tỷ USD (70%) so với năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn FDI. Dòng vốn FDI chủ yếu tập trung vào phân khúc bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn.
Số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, lũy kế đến ngày 12/7/2023, cả nước đã thu hút 67,16 tỷ USD vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản. Trong đó, TPHCM là địa phương dẫn đầu với 16,3 tỷ USD, xếp sau là Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phân theo đối tác thì Singapore dẫn đầu trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 19,1 tỷ USD; xếp sau lần lượt là Hàn Quốc, BritishVirginIslands và Nhật Bản.
Những con số trên khẳng định, thị trường Việt Nam có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng dự báo, thị trường bất động sản Việt Nam hết năm 2023 sẽ vần còn trầm lắng, chỉ có thể phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn từ quý 2 hoặc quý 3/2024 nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý; triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan; sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0; sự đa dạng của các nguồn lực tài chính...
Bên cạnh các phân khúc truyền thống (nhà ở, khu công nghiệp, nghỉ dưỡng, văn phòng…), dự báo sản phẩm trên thị trường bất động sản sẽ ngày càng đa dạng hơn, nhất là nguồn cung nhà ở sẽ gia tăng mạnh nếu Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được tổ chức thực hiện tốt.
Dự báo của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam cũng chỉ ra, đến năm 2025, tỷ trọng bất động sản/tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 21,2% (462,7 tỷ USD/ 2.183,09 tỷ USD) và đến năm 2030 là 22,0% (1.232 tỷ USD/ 5.601 tỷ USD).
Theo đó, dự báo từ 2023-2025, căn hộ chung cư sẽ là phân khúc chiếm tỷ trọng cao nhất của thị trường bất động sản nhà ở (chiếm khoảng 90% nguồn cung nhà ở thương mại). Phân khúc nhà biệt thự, liền kề cao cấp dự kiến khó có sự đột phá trong ngắn hạn. Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng, đặc biệt là các biệt thự ven biển sẽ tăng trưởng khả quan trong giai đoạn này…
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, để cụ thể hoá quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của ngành bất động sản trong nền kinh tế, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị giải quyết những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất sửa đổi các quy định có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Vì sao nhà ở bình dân dần biến mất?
Hàng loạt dự án được 'gỡ vướng', thị trường BĐS phục hồi tích cực