Vì sao nhà ở bình dân dần biến mất?
Tình trạng nhà ở bình dân dần biến mất bởi cộng đồng doanh nghiệp không mặn mà với các dự án này. Nguyên nhân được cho là do chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện; thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài; chi phí đầu vào tăng cao… khiến các nhà phát triển mất nhiều công sức, thời gian để có thể triển khai một dự án.
Nội dung này được ông Đoàn Văn Bình nêu ra mới đây tại Tọa đảm triển khai Đề tài nghiên cứu “Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức.
Trước thực tế này, ông Đoàn Văn Bình cho rằng, việc tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở vừa túi tiền là rất quan trọng, góp phần thúc đẩy thị trường nhà ở phát triển cân bằng hơn, đáp ứng nhu cầu nhà ở của đại bộ phận người dân.
Cùng chung nhận định, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Tiến Lộc cho biết, thị trường bất động sản hiện nay đang đóng băng, trong khi người dân lại rất cần nhà ở, dẫn đến cả chủ đầu tư và người tiêu dùng đều đang bế tắc. Do đó, thị trường cần tìm ra một lối đi.
"Với lối đi truyền thống như hiện nay, trên thị trường đa phần là nhà giá cao và chỉ có rất ít nhà ở xã hội. Như vậy, bế tắc vẫn bế tắc, không giải quyết được vấn đề tiếp cận nhà ở có giá hợp lý cho người thu nhập thấp", ông Vũ Tiến Lộc nói.
Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, cần có cái nhìn thực tế và đánh giá vì sao tại Việt Nam muốn phát triển nhà ở giá thấp nhưng còn gặp không ít khó khăn. Trong khi nếu cố tình ép giá nhà ở xuống thấp thông qua những biện pháp kỹ thuật, không cẩn thận sẽ dễ gây ra những biến tướng.
Đáng chú ý, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, khái niệm nhà ở tại Việt Nam so với các quốc gia khác có sự khác biệt. Ở các nước khác, nhà ở là chỗ ở, giải quyết nhu cầu sinh sống của người dân; nhưng ở Việt Nam, do yếu tố văn hóa nên dường như nhà ở không phải chỉ để ở, mà như là một tài sản để lại cho con cháu, mua để chờ tăng giá, là tài sản tích lũy. Chính điều này khiến giá nhà ở tăng cao. Vậy nếu muốn nhà ở giá phù hợp giải quyết nhu cầu chính là để ở thì yếu tố tài sản tích lũy cần được giảm đi.
Từ góc độ tài chính, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm, ở Việt Nam, đa số các ngân hàng còn nhỏ và đều là sân sau của các tập đoàn, trong đó phần lớn là tập đoàn bất động sản, không có nhiều tập đoàn có ý tưởng công nghiệp lớn. Điều này làm cho phần lớn nguồn vốn của ngân hàng trên thực tế đi vào bất động sản.
Bên cạnh đó, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần phân tích chính sách cho nhà ở xã hội hiện nay chưa ổn ở chỗ nào, từ đó, xem liệu có thể ghép nhà ở xã hội vào cùng với phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền, hoặc là một trong những bộ phận của nhà ở vừa túi tiền hay không, bởi nếu tách 2 loại nhà ở này ra, chúng ta sẽ rất khó xây dựng một chính sách khác.
Cũng nêu ý kiến góp ý, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ nhận định, việc khởi tạo và phát triển thị trường nhà ở vừa túi tiền tại Việt Nam là hoàn toàn có khả năng, chứ không đến mức không thực hiện được, đặc biệt là khi thuế ở nước ta còn thấp. Thế nhưng, thực tế cho thấy, thị trường nhà ở vừa túi tiền còn gì đó vướng víu về mặt chính sách nên chưa thể phát triển.
Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội Nguyễn Quang Tuyến đánh giá, đây sẽ là một nghiên cứu rất hữu ích. Việc nghiên cứu nên có đánh giá tổng quan cả thị trường nhà ở trong nước và quốc tế. Cùng với đó, cần làm rõ khái niệm thế nào là nhà ở vừa túi tiền? Tiêu chí nào để xác định nhà ở vừa túi tiền? Và đối tượng nào sẽ là đối tượng thụ hưởng nhà ở vừa túi tiền? “Đề tài cũng nên bổ sung các chính sách phòng ngừa việc đầu cơ, đầu tư từ phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền”, ông Nguyễn Quang Tuyến nói.
Ngày 12/3/2024, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã ban hành Quyết định số 11/QĐ-VNREA-BCH về việc giao nhiệm vụ thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học: "Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam".
Theo đó, đơn vị chủ trì thực hiện Đề tài là Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Trường Đại học Luật Hà Nội.
LS.TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO là Chủ nhiệm Đề tài. Đơn vị thực hiện là Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam.
Thời gian thực hiện đề tài: Quý I - IV/2024
Thời gian tổ chức Hội thảo dự kiến: Tháng 10/2024, trong khuôn khổ Diễn đàn Mùa Thu
Vì sao nhà ở xã hội có nơi tấp nập người mua, điểm lại vắng vẻ không ai dòm ngó?
Thành phố trực thuộc tỉnh đông dân nhất Việt Nam sắp có khu nhà ở thương mại hơn 1.300 tỷ đồng
Tỉnh có quy mô kinh tế cao nhất miền Trung: 70 dự án nhà ở thương mại bất ngờ 'dừng hình'