Nhà đầu tư cá nhân tăng bán ròng mạnh hàng nghìn tỷ đồng trong tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp của VN-Index. Ngược lại, tổ chức trong nước lại đẩy mạnh các hoạt động "gom hàng".
Sắc đỏ bao phủ thị trường chứng khoán trong nước 4 phiên giao dịch đầu tuần. Dòng tiền bắt đáy trở lại giúp VN-Index đóng cửa cuối tuần với sắc xanh khi lực cầu được kích hoạt mạnh mẽ và có lúc ghi nhận mức tăng hơn 22 điểm ở trong phiên. Đóng cửa, VN-Index tăng hơn 9 điểm.
Tính chung cả tuần, VN-Index trải qua 4 phiên giảm và 1 phiên tăng; chỉ số mất 79,33 điểm tương đương 5,44% và dừng chân tại mốc 1.379,23 điểm. Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 23.527 tỷ đồng - tăng 13% so với tuần trước đó nhưng vẫn giảm 3,6% so với mức trung bình 5 tuần gần đây.
Trong tuần thị trường lao dốc trong tâm lý giao dịch bi quan của nhà đầu tư, VCB là bluechips duy nhất có tác động đáng kể bên chiều tăng, với mức đóng góp 2,4 điểm cho VN-Index.
Ở chiều ngược lại, các mã ảnh hưởng tiêu cực lên chỉ số gọi tên loạt cổ phiếu trụ đến từ nhóm bất động sản, ngân hàng, dầu khí như VHM, GVR, VIC, SHB, CTG, VPB, NVL, PLX, GAS, MBB. Danh mục này đã lấy đi 28,5 điểm của VN-Index.
Trong tuần, chỉ số HNX-Index giảm 57,59 điểm (-13,82%) xuống 359,12 điểm; UPCoM-Index giảm 8,21 điểm (-7,31%) xuống 104,15 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với tuần trước đó; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 27.542 tỷ đồng - tăng 13% so với tuần trước trong đó giá trị khớp lệnh bình quân tăng 12,5% lên mức 25.534 tỷ đồng.
Nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò chủ chốt trong việc khiến thị trường chứng khoán biến động tiêu cực khi bán ròng mạnh hàng nghìn tỷ đồng. Ngược lại, tổ chức trong nước lại đẩy mạnh các hoạt động "gom hàng".
Theo dữ liệu từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh bán ròng lên 5.287 tỷ đồng ở sàn HOSE trong tuần 18 - 22/4/2022 - gấp 6,2 lần tuần trước đó (cao nhất kể từ đầu năm).
Xét giao dịch theo từng nhóm ngành, nhà đầu tư cá nhân bán ròng tại 14/18 nhóm ngành trong đó đột biến tại nhóm bất động sản & ngân hàng. Về giá trị cụ thể, 2 ngành này bị bán ròng khớp lệnh lần lượt 1.207 tỷ đồng và 1.152 tỷ đồng; đây cũng là 2 nhóm ngành ảnh hưởng tiêu cực nhất lên thị trường tuần qua.
DIG là cổ phiếu được nhà đầu tư cá nhân mua ròng mạnh nhất với 327 tỷ đồng; VHM và DGC đứng sau với giá trị mua ròng đều trên 200 tỷ đồng.
Ngược lại, cổ phiếu MSN bị cá nhân bán ròng mạnh nhất với 475 tỷ đồng; VIC và FPT bị bán ròng lần lượt 381 tỷ đồng và 378 tỷ đồng; STB và VNM cũng đều bị bán ròng trên 300 tỷ đồng.
Trái ngược với dòng tiền cá nhân, tổ chức trong nước mua ròng trở lại 2.700 tỷ đồng (2.666 tỷ đồng thông qua khớp lệnh); đây cũng là tuần mua ròng mạnh nhất của dòng vốn này kể từ đầu năm.
Tổ chức trong nước mua ròng mạnh nhất mã MSN với 393 tỷ đồng; FPT và MWG được mua ròng lần lượt 381 tỷ đồng và 260 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, DIG bị bán ròng mạnh nhất với 357 tỷ đồng; DXG và GEX cũng bị tổ chức trong nước bán ròng lần lượt 222 tỷ đồng và 167 tỷ đồng.
Mốc 1.230 điểm cản bước VN-Index, khối ngoại mua ròng trở lại
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm