Tiến sĩ Cấn Văn Lực đề xuất cải cách thủ tục cấp phép trái phiếu
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng cần bổ sung các chính sách khuyến khích việc định hạng tín nhiệm và triển khai các giải pháp mở rộng, nâng cao chất lượng nhà đầu tư.
Sáng ngày 16/8, Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững".
Tại đây, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, đã đề xuất sớm cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian cấp phép nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu ra công chúng.
Cụ thể, ông Lực kiến nghị xem xét giảm thời gian xử lý hồ sơ xét duyệt, đồng thời cho phép các doanh nghiệp không có lãi trong năm trước vẫn được phát hành trái phiếu nếu đạt mức xếp hạng tín nhiệm đủ cao.
Ông nhấn mạnh “Cần bổ sung các chính sách khuyến khích việc định hạng tín nhiệm. Đồng thời, triển khai các giải pháp mở rộng và nâng cao chất lượng nhà đầu tư; hoàn thiện cơ chế và năng lực quản lý, giám sát thị trường”.
Đại diện CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương (Vietinbank Securities), với vai trò là thành viên thị trường, đề xuất cần có hướng dẫn cụ thể hơn về giao dịch trái phiếu qua sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ.
Ngoài ra, cần tạo cơ chế cho các tổ chức tín dụng được quyền quản lý tài sản bảo đảm, cũng như cân nhắc gia hạn đối với các trái phiếu đã phát hành. Việc đa dạng hóa sản phẩm và cải thiện thanh khoản cũng được đề cập nhằm thu hút thêm nhà đầu tư.
Hình ảnh tại hội thảo, nguồn: Internet |
Tại hội thảo, ông Tô Trần Hoà, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, đã chỉ ra một số tồn tại và hạn chế của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.
Cụ thể, một số doanh nghiệp phát hành có tình hình tài chính không ổn định và thiếu minh bạch thông tin, dẫn đến nguy cơ không trả được nợ khi đến hạn, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Ông Hoà cũng nhấn mạnh rằng tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân vẫn ở mức cao, trong khi nhà đầu tư tổ chức còn chưa đa dạng. Một số trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có thanh khoản thấp, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi cần bán trước hạn để thu hồi vốn, làm giảm tính hấp dẫn của TPDN, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư tổ chức.
Ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ là đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, đã có 183 đợt phát hành thành công với tổng giá trị huy động đạt 174.000 tỷ đồng, tăng 2,78 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với hoạt động phát hành trái phiếu ra công chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép và phát hành gần 30.000 tỷ đồng, chưa bao gồm trái phiếu của các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ.
>>10 thách thức cản trở thị trường trái phiếu đạt mục tiêu 20% GDP vào 2025
Áp lực đáo hạn đã hạ nhiệt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ấm trở lại
Quy định mới về giá đất; mua, bán trái phiếu doanh nghiệp có nhiều thay đổi