Áp lực đáo hạn đã hạ nhiệt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ấm trở lại
Thời gian qua, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có sự phục hồi mạnh, với sự gia tăng phát hành của nhóm ngân hàng. Điều này cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ấm trở lại.
Trái phiếu doanh nghiệp mới phát hành đã tăng 3,4 lần so với cùng kỳ
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, 43 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng 116,1 nghìn tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, tổ chức tín dụng chiếm 63,5%, doanh nghiệp bất động sản chiếm 23,4%. Về cơ cấu nhà đầu tư, nhà đầu tư là tổ chức mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp chiếm 94,6% khối lượng phát hành, tập trung vào các tổ chức tín dụng (51,9%) và công ty chứng khoán (22,8%). Các nhà đầu tư cá nhân mua 5,4%.
Trái phiếu doanh nghiệp mới phát hành đã tăng 3,4 lần so với cùng kỳ. |
Lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp bình quân là 7,42%/năm; kỳ hạn phát hành bình quân là 3,84 năm. Số lượng trái phiếu phát hành có điều khoản bảo đảm chiếm tỷ lệ 15,1%.
Đáng chú ý, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã có sự phục hồi mạnh trong quý II-2024. Số liệu của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho thấy, trong quý II-2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cao gấp 7,7 lần so với quý I-2024, tăng 232,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Chuyên gia khối phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect Nguyễn Bá Khương cho rằng, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phục hồi mạnh trong quý II-2024 nhờ sự gia tăng phát hành trở lại của nhóm ngân hàng. Cụ thể, nhóm ngân hàng đã phát hành 85.037 tỷ đồng, chiếm 72,8% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành. Việc gia tăng phát hành trái phiếu của các ngân hàng nhằm tăng tỷ lệ vốn huy động trung và dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, hoạt động phát hành của nhóm bất động sản cũng tích cực hơn trong quý II-2024 với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành đạt 14.740 tỷ đồng, chiếm 12,5%, tăng 39,6% so với quý I-2024 và tăng 31,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong quý II-2024 có lãi suất phát hành trung bình 7,28%, giảm mạnh so với lãi suất phát hành trung bình 9,16% trong quý I-2024. Hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra sôi động trong quý II-2024.
Trong khi đó, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được vận hành an toàn, thông suốt, quy mô thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có sự phát triển mạnh mẽ. Tại thời điểm khai trương (ngày 19-7-2023), thị trường có 19 mã trái phiếu, tổng giá trị đăng ký giao dịch 9.060 tỷ đồng.
Đến ngày 30-6-2024, quy mô thị trường đã lên tới 997 mã trái phiếu, tổng giá trị đạt 706.236 tỷ đồng. Thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được cải thiện rõ rệt, giá trị giao dịch bình quân trong 1 tháng đầu tiên khai trương thị trường đạt 250,6 tỷ đồng/phiên, đến cuối năm 2023 là 1.880,6 tỷ đồng/phiên và đến cuối tháng 6-2024 đạt 4.092,9 tỷ đồng/phiên.
Thị trường vẫn tiếp tục tái cấu trúc
Nhận định về thị trường trong quý III-2024, đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng, áp lực đáo hạn sẽ hạ nhiệt trước khi tăng trở lại vào quý IV-2024.
Ước tính, trong quý III-2024 sẽ có khoảng 38,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn, giảm 27,2% so với quý II-2024. Nhóm bất động sản chiếm 49% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý III-2024; tiếp đến là nhóm ngân hàng chiếm tỷ lệ 26,7%.
Thị trường vẫn tiếp tục tái cấu trúc. |
VNDirect ước tính, sẽ có khoảng 50.000 tỷ đồng trái phiếu của nhóm ngân hàng chuyển thời gian đáo hạn còn lại từ trên 1 năm xuống dưới 1 năm, do đó nhiều khả năng trong quý III-2024, nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng phát hành trái phiếu có kỳ hạn dài hơn để thay thế và mua lại trái phiếu sắp đến hạn này.
Còn tại báo cáo cập nhật triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp nửa cuối năm 2024, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) đánh giá, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc.
Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lại vẫn khá lớn và tập trung nhiều vào giai đoạn 2024-2026. Sau thời gian gia hạn tối đa 2 năm theo quy định, lượng trái phiếu chậm trả gốc, lãi có thể tăng trở lại từ nửa sau năm 2025. Tuy nhiên, dự báo lãi suất đã tạo đáy và nhích tăng nhẹ, nhưng vẫn ở mặt bằng thấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tái cấu trúc vay nợ, hoặc giảm bớt áp lực chi phí vốn.
VCBS dự báo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần ổn định dựa trên một số yếu tố như: Lượng trái phiếu mua lại trước hạn vẫn có thể tiếp diễn nhưng khối lượng có xu hướng giảm, lượng phát hành mới dần khả quan hơn; thanh khoản trên thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ thứ cấp tương đối cao; lãi suất cho vay thấp hơn so với năm 2023 tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tái cơ cấu vốn...
Từ góc độ quản lý, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, tăng trưởng tín dụng, phục hồi thị trường bất động sản, bảo đảm minh bạch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ thị trường tự điều chỉnh, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững hơn.
>>'Thung lũng Silicon của Việt Nam' huy động thành công 500 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 0%
Quy định mới về giá đất; mua, bán trái phiếu doanh nghiệp có nhiều thay đổi
Gần 210.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong tình trạng chậm trả, bất động sản chiếm gần 70%