Tìm công thức khả thi để Hà Nội làm hàng trăm km đường sắt đô thị
Sau 20 năm triển khai, Hà Nội mới có 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội đưa vào hoạt động. Nếu vẫn xây dựng như phương án hiện nay, rất khó để Hà Nội hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị như quy hoạch.
Sau khi VietNamNet đăng bài “Công thức làm 600km metro ở Hà Nội”, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã có bài viết trao đổi, góp thêm ý kiến phát triển mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội.
Thực tế, sau 20 năm triển khai, hiện Hà Nội mới có 2 tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội đã hoạt động. Do vậy, nếu vẫn xây dựng như phương án hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng rất khó để Hà Nội hoàn thiện mạng lưới ĐSĐT như quy hoạch.
Theo ý kiến của lãnh đạo thành phố, không nên làm từng tuyến như hiện nay, mà cần làm tổng thể các tuyến ĐSĐT như quy hoạch. Còn ý kiến chuyên gia nêu, muốn đẩy nhanh tiến độ, phải tập trung nguồn lực đầu tư và khai thác hiệu quả từ quỹ đất. Trung ương cần bổ sung ngân sách cho Hà Nội, cho phép Hà Nội căn cứ Quy hoạch chung Thủ đô hoặc Quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt làm cơ sở quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư các dự án ĐSĐT.
Hà Nội cũng cần quy hoạch ĐSĐT theo định hướng TOD, tỷ lệ 1/2000 để quản lý, dự trữ đất cho phát triển ĐSĐT và phát triển đô thị trong khu vực TOD. Theo Luật Thủ đô, TOD là phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng.
Tuy nhiên, có thể thấy, nội dung của 2 bản dự thảo Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô (trình năm 2024) không chỉ ra dự trữ đất ở đâu để làm vốn đầu tư ĐSĐT. Thực tế cho thấy, đô thị vệ tinh Hòa Lạc, sau 20 năm (2004-2024), đầu tư hạ tầng nhiều tỷ USD nhưng chỉ có ít hơn 5% dân số so với dự kiến (30.000 người so với 600.000 người).
Năm 2016, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố nghiên cứu về tuyến ĐSĐT này cho biết, quỹ đất hai bên đường của tuyến đã cấp hết, không còn để làm vốn cho 38km ĐSĐT. Tổng đầu tư 2,8 tỷ USD, với dự báo 400.000 khách/ngày thì sau 48 năm khai thác (2016-2064) mới hoàn vốn. Tỷ lệ hoàn vốn nội bộ kinh tế EIRR = 10,9%, thấp hơn 12% .Tỷ lệ hoàn vốn nội bộ tài chính (FIRR) là âm (-) do đầu tư lớn và doanh thu từ vé không đủ.
Quy hoạch không theo nguyên lý thông thường
Năm 2020, Hiệp hội Metro Nhật Bản xuất bản cuốn Tàu điện ngầm Thế giới (Metro of the World) với thông tin 66 mạng lưới metro các thành phố châu Âu, Á, Phi, Mỹ, Úc. Các thành phố có quy mô và địa hình gần giống Hà Nội đều có chung mô hình mạng lưới ĐSĐT xuyên tâm và kết nối vòng tròn. Một số thành phố còn có 2 vòng tròn đồng tâm (Bắc Kinh, Singapore) và những vòng tròn giao thoa nhằm kết nối tối ưu các tuyến ĐSĐT đi về các hướng.
Trong khi đó sơ đồ 12 tuyến ĐSĐT Hà Nội trong Quy hoạch Thủ đô có mật độ dày đặc nhưng rời rạc, thiếu kết nối, lại mất cân đối mật độ phân bổ mạng lưới giữa 2 bờ Bắc và Nam sông Hồng. Do vậy, cần thay thế bằng phương án “3 tuyến xuyên tâm 2 vòng tròn kết nối” thì mới tận dụng tối đa hạ tầng hiện có, hiệu quả đầu tư cao, hấp dẫn, thu hút đầu tư từ xã hội. Hệ thống giao thông đô thị bao gồm đa phương thức: ĐSĐT là chủ công, tích hợp đồng bộ xe bus nhanh, bus thường, bus nhỏ, xe máy công nghệ, xe đạp, đi bộ…
Tích hợp đa mục tiêu mang lại lợi ích tổng thể
Trong một bài báo, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho rằng, Hà Nội đang đứng trước một cơ hội lịch sử để triển khai TOD trong chiến lược phát triển đô thị dài hạn.
Chính sách này không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng đất, mà còn giảm tắc nghẽn giao thông, giảm phát thải và cải thiện chất lượng không gian công cộng, là chìa khóa gia tăng giá trị đất đai và tạo điều kiện phát triển các trung tâm kinh tế mới.
Tuy nhận thức về sự cần thiết tích hợp đa mục tiêu trong đầu tư ĐSĐT nhưng thực tế MRB đang là chủ đầu tư dự án ĐSĐT ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 8,7km, có tổng mức đầu tư dự kiến 40.570 tỷ đồng (khoảng 1,752 tỷ USD). Mặc dù có suất đầu tư hơn 200 triệu USD/km, cao hơn mức khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới trong Sổ tay Quy hoạch ĐSĐT nhưng dự báo lượng khách lại thấp hơn mức để đầu tư.
Đặc biệt, đoạn cuối đi vào khu vực hồ ao, làng xóm cũ rất vắng người… trong khi ga cuối chưa xác định mặt bằng do tiếp giáp với đất đã giao dự án bất động sản và trạm bơm Yên Sở.
Với khoản đầu tư 1,752 tỷ USD có thể làm hơn 8km ĐSĐT ngầm lại có thêm cầu ngầm đường bộ, đường sắt vượt sông Hồng sang ga Gia Lâm sẽ đem lại nhiều lợi ích: Nhiều người đi (20.000 - 40.000 lượt đi lại/ngày), Hà Nội có thêm một cầu đường bộ qua sông Hồng, tạo ra nhiều không gian ngầm giá trị tại trung tâm.
Với khoản thu “nhượng quyền khai thác” (TDR) cho các chủ đầu tư bãi đỗ xe ngầm, phố thương mại dịch vụ ngầm, hệ thống đường dây, đường ống kỹ thuật ngầm… Hà Nội "thừa tiền" để đầu tư toàn bộ đoạn tuyến này.
Với những cách tiếp cận khác như đã trình bày, Hà Nội có thể tìm ra “công thức” khả thi để làm 100km ĐSĐT cho đến năm 2030 và hàng trăm km của giai đoạn tiếp theo.
TP lớn nhất Việt Nam: Sắp có xe điện 4 bánh đưa khách từ các khu dân cư đến các ga đường sắt đô thị
TP. HCM đề xuất phần ngân sách thu vượt dự toán làm dự án đường sắt đô thị