Xã hội

Tỉnh biên giới có ‘nóc nhà Nam Bộ’ của Việt Nam cần huy động 628.000 tỷ, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống, năng động, văn minh

Manh Lan 07/07/2024 14:10

Đến năm 2050, tỉnh biên giới này sẽ trở thành địa phương có kinh tế và du lịch phát triển, trở thành cửa ngõ thương mại quốc tế của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Cần huy động 628.000 tỷ để trở thành địa phương năng động, văn minh, đáng đến và đáng sống

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 565/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch, Tây Ninh sẽ khẳng định vị thế là một địa phương phát triển năng động, văn minh, với môi trường sống tốt và khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu, trở thành một điểm đến đáng sống và đáng đến.

Đến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu trở thành địa phương hiện đại, văn minh, đáng đến và đáng sống. Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Đến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu trở thành địa phương hiện đại, văn minh, đáng đến và đáng sống. Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Trong giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Tây Ninh dự kiến đạt khoảng 9,5%/năm. Cơ cấu kinh tế của tỉnh được phân bổ với nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 58%, dịch vụ chiếm 25%, và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế này, tỉnh Tây Ninh dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 628.000 tỷ đồng.

Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hệ thống cảng thủy nội địa và hạ tầng logistics; các dự án phát triển du lịch và năng lượng tái tạo; nông nghiệp công nghệ cao; hạ tầng thông tin, truyền thông, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các dự án cấp thoát nước và xử lý chất thải; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, môi trường, đô thị, dân cư, thương mại và dịch vụ.

Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh đặt mục tiêu trở thành một tỉnh có nền kinh tế, thương mại và du lịch phát triển. Ảnh: Vũ Minh Hiển/ Báo Vietnamnet

Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh đặt mục tiêu trở thành một tỉnh có nền kinh tế, thương mại và du lịch phát triển. Ảnh: Vũ Minh Hiển/ Báo Vietnamnet

Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh đặt mục tiêu trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại và du lịch phát triển, đồng thời trở thành cửa ngõ thương mại quốc tế của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Tây Ninh cũng hướng tới việc xây dựng hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, và môi trường sống hấp dẫn, dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng.

“Nóc nhà Nam Bộ” ẩn chứa những câu chuyện tâm linh đặc sắc

Núi Bà Đen, nằm cách TP. HCM hơn 100km, là biểu tượng nổi bật của vùng đất Tây Ninh. Với độ cao 986m, đây là ngọn núi cao nhất và được biết đến với cái tên "nóc nhà Nam Bộ". Nơi đây không chỉ sở hữu cảnh quan hoang sơ và núi non hùng vĩ, mà còn ẩn chứa những câu chuyện tâm linh và điển tích kỳ lạ.

Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, núi Bà Đen còn nổi tiếng với nền ẩm thực độc đáo, đặc sắc với các món đặc sản như ốc Nàng Hai, thằn lằn núi Bà Đen... Du lịch tại đây ngày càng phát triển mạnh mẽ, với hệ thống cáp treo hiện đại đưa du khách lên tận đỉnh núi để tham quan và ngắm cảnh.

Đỉnh núi Bà Đen quanh năm được những tầng mây dày đặc bao phủ, tạo nên một khung cảnh tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Được mệnh danh là "nóc nhà Nam Bộ", nơi này ẩn chứa nhiều câu chuyện tâm linh và điển tích kỳ lạ.

Núi Bà Đen được gọi là

Núi Bà Đen được gọi là "nóc nhà Nam Bộ" với độ cao gần 1.000m

Theo truyền thuyết, vùng Núi Một xưa kia có nàng Lý Thị Thiên Hương nổi tiếng xinh đẹp và hiền dịu. Mỗi mùa trăng rằm, nàng thường lên núi cúng Phật. Trong một lần bị côn đồ vây bắt, nàng được chàng Lê Sĩ Triệt cứu giúp và hai người đã đem lòng yêu nhau. Khi chàng lên đường đi đánh giặc, nàng Lý Thị Thiên Hương vẫn giữ lòng chung thủy chờ đợi ngày chàng trở về.

Một ngày, trên đường lên núi viếng chùa cầu bình an cho người yêu, nàng gặp phải tên cường hào ác bá. Để bảo vệ sự trong sạch, nàng đã quyết định nhảy xuống núi tự vẫn. Linh hồn nàng, nhờ căn tu từ những kiếp trước, đã siêu thoát và trở về báo mộng cho vị trụ trì trên núi, chỉ dẫn nơi tìm hài cốt của nàng để chôn cất.

Nàng Lý Thị Thiên Hương nhiều lần hiển linh, giúp đỡ người dân chống lại thiên tai và thú dữ. Cảm kích và ghi nhớ công ơn của nàng, người dân và sư trụ trì đã lập tượng thờ và gọi nàng là Bà Đen. Từ đó, ngọn núi cũng được đặt theo tên của vị Linh Sơn Thánh Mẫu linh thiêng này.

Tây Ninh là một tỉnh nằm ở vùng Đông Nam Bộ, đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa TP. Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh của vương quốc Campuchia. Ngoài ra, đây cũng là một trong những tỉnh nằm trong Vùng trọng điểm kinh tế ở miền Nam.

>> Tỉnh duyên hải miền Trung sở hữu đường bờ biển đẹp nhất nhì nước, vừa bị chấm dứt hoạt động khu vui chơi giải trí gần 800 tỷ đồng

Việt Nam sắp 'khai màn' đại tiệc diều quốc tế tại tỉnh có nhiều di sản nhất nước, quy tụ hơn 12 quốc gia và vùng lãnh thổ

Tỉnh có thị trấn ven biển độc đáo nhất châu Á ra quyết định buộc ngừng hoạt động hai khu du lịch ‘điểm vàng’

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/tinh-bien-gioi-co-noc-nha-nam-bo-cua-viet-nam-se-tro-thanh-dia-phuong-dang-den-va-dang-song-nang-dong-van-minh-d127060.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Tỉnh biên giới có ‘nóc nhà Nam Bộ’ của Việt Nam cần huy động 628.000 tỷ, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống, năng động, văn minh
POWERED BY ONECMS & INTECH