Tỉnh thành này nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ và là vùng kinh tế động lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam.
Theo Quyết định 686/QĐ-TTg/QĐ-TTg ngày 13/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Long An đặt mục tiêu trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam.
Theo đó, phạm vi, ranh giới quy hoạch tỉnh Long An bao gồm phần lãnh thổ tỉnh Long An với tổng diện tích tự nhiên là 4.494,8km2. Phía Bắc tiếp giáp với Vương quốc Campuchia; phía Nam tiếp giáp với tỉnh Tiền Giang; phía Đông tiếp giáp với TP. HCM và tỉnh Tây Ninh; phía Tây tiếp giáp với tỉnh Đồng Tháp.
Cũng theo quy hoạch, tỉnh Long An sẽ có ba vùng kinh tế - xã hội, bao gồm:
Vùng đô thị và công nghiệp: Bao gồm các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, một phần huyện Tân Trụ, TP. Tân An, một phần huyện Thủ Thừa và huyện Châu Thành sẽ tập trung phát triển đô thị và công nghiệp tổng hợp, tạo thành hành lang phát triển đô thị trung tâm ở Bến Lức - Tân An và các đô thị công nghiệp ở các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước.
Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu: Bao gồm thị xã Kiến Tường và các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, một phần huyện Thủ Thừa. Phát triển dịch vụ, công nghiệp tại khu kinh tế cửa khẩu; phát triển du lịch sinh thái gắn với cảnh quan đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, phấn đấu đưa thương hiệu du lịch Đồng Tháp Mười là thương hiệu quốc gia gắn kết chặt chẽ với du lịch của tỉnh. Phát triển thị xã Kiến Tường là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười.
Vùng đệm sinh thái: Bao gồm huyện Đức Huệ, một phần huyện Thủ Thừa và một phần huyện Tân Trụ; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển công nghiệp, đô thị sinh thái, khu trung chuyển nội tỉnh.
Ngoài ra, TP. Tân An đóng vai trò là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại của phía Đông Bắc vùng đồng bằng sông Cửu Long, đô thị cửa ngõ giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Các đô thị Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc là các đô thị vệ tinh, có vai trò giảm tải về áp lực dân số, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cho TP. HCM.
Thị xã Kiến Tường đóng vai trò là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười gắn với khu kinh tế cửa khẩu Long An, có vai trò động lực, thúc đẩy hoạt động công nghiệp, logistics, chế biến nông sản, kinh tế biên mậu với Campuchia.
Bên cạnh đó, tỉnh Long An sẽ trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị-công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với TP. HCM và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia; hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ.
Xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn và văn minh; con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Long An là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ và là vùng kinh tế động lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam.
Tỉnh có cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là có chung đường ranh giới với TP. HCM bằng hệ thống các quốc lộ 1, 50, 62, N1, N2 (đường Hồ Chí Minh). Tỉnh được xem là thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long
>> Người dân tại TP. HCM ‘đỏ mắt’ tìm căn hộ, có ‘vét’ hết nhà ở 3 tỉnh lân cận cũng không đủ
Tỉnh Long An đầu tư gần 1.200 tỷ mở rộng đoạn đường 8,3km kết nối TP. HCM
Hai dự án trạm biến áp tại Long An đứng trước nguy cơ chậm tiến độ vì vướng mắc chủ trương đầu tư