Bất động sản

Tỉnh có diện tích lớn nhất Tây Nam Bộ sắp thông xe cây cầu nối Quốc lộ 63 với vườn di sản ASEAN

Lan Ngọc 24/12/2024 17:15

Cây cầu mới có chiều dài 62,7m và bề rộng 18m, trong đó phần xe chạy rộng 14m, hai lề bộ hành mỗi bên 1,6m và lan can mỗi bên 0,4m.

Cầu U Minh Thượng nằm trên đường tỉnh 965 là tuyến kết nối Quốc lộ 63 với Trung tâm hành chính huyện U Minh Thượng, vùng đệm và Vườn quốc gia U Minh Thượng. Cây cầu này đang xuống cấp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.

Tỉnh có diện tích lớn nhất Tây Nam Bộ sắp thông xe cây cầu nối Quốc lộ 63 với vườn di sản ASEAN- Ảnh 1.
Ảnh minh hoạ

Việc xây dựng cầu mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng dịch vụ, thương mại và du lịch của địa phương, đồng thời đảm bảo nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại an toàn và thuận tiện hơn cho người dân. Dự án cũng phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang, định hướng đến năm 2030.

Dự án xây dựng cầu mới U Minh Thượng được phê duyệt với tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng. Cây cầu mới có chiều dài 62,7m và bề rộng 18m, trong đó phần xe chạy rộng 14m, hai lề bộ hành mỗi bên 1,6m và lan can mỗi bên 0,4m.

>> Xây dựng Hòa Bình làm khu đô thị hơn 1.300 tỷ tại TP thuộc tỉnh rộng nhất Việt Nam

Theo báo Tuổi Trẻ, ông Châu Hùng Kỳ - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Giao thông tỉnh Kiên Giang - cho biết đơn vị đã yêu cầu liên danh nhà thầu Công ty Phan Vinh và Công ty Kiến Thành Phú Quốc đẩy nhanh tiến độ thi công cầu U Minh Thượng.

“Cầu U Minh Thượng được khởi công từ đầu năm 2024 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2024. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng bị chậm trễ khiến nhiều người dân bức xúc. Việc này là do huyện giao mặt bằng muộn", ông Kỳ giải thích.

Ông cũng nhấn mạnh: “Tôi yêu cầu đơn vị thi công bằng mọi giá phải hoàn thành thông xe cầu U Minh Thượng trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Việc hoàn thiện toàn bộ cầu sẽ phải hoàn thành trước cuối quý I/2025”.

Với chiều dài đường bờ biển khoảng 200km và vùng biển rộng hơn 63.000km2, Kiên Giang là điểm cuối của đường bờ biển Việt Nam. Theo đó, đường bờ biển của Việt Nam bắt đầu tại cảng Núi Đỏ (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) và kết thúc tại cửa khẩu Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Phần lớn diện tích Kiên Giang ngày nay bao gồm thành phần Rạch Giá và toàn bộ tỉnh Hà Tiên cũ.

Đây là tỉnh có diện tích lớn nhất vùng Tây Nam Bộ và lớn thứ 2 ở Nam Bộ (sau tỉnh Bình Phước).

Theo báo Tài nguyên và Môi trường, trong hệ sinh thái rừng tràm ngập phèn ở Việt Nam, rừng tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng là khu vực duy nhất còn giữ được những đặc điểm của rừng nguyên sinh. Nơi đây bao gồm các ưu hợp rừng hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn, với diện tích còn lại hơn 3.000ha.

Không chỉ mang giá trị to lớn về đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia U Minh Thượng còn là địa danh lịch sử - văn hóa quan trọng. Đây từng là căn cứ cách mạng qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đóng vai trò đặc biệt trong lịch sử khu vực Tây Nam Bộ.

Với ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nghiên cứu khoa học, cũng như bảo vệ các giá trị văn hóa và lịch sử, Vườn Quốc gia U Minh Thượng đã nhận được nhiều sự công nhận quốc tế. Năm 2006, khu vực này được UNESCO công nhận là một trong ba khu vực trọng yếu của Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đến năm 2012, Vườn Quốc gia U Minh Thượng được công nhận là Vườn di sản ASEAN và đến năm 2015, trở thành Khu Ramsar - vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.

>> Hòa Phát (HPG) tài trợ toàn bộ 21.500m2 tôn lợp mái, góp sức 'hồi sinh' khu dân cư tại Lào Cai

Sau thời gian sửa chữa, cây cầu vượt biển từng dài nhất Việt Nam ‘khoác áo mới’

Cây cầu vào khu kinh tế Dung Quất mỗi năm 'mất tích' hơn 6 tháng khiến người dân phải đi vòng 10km

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/tinh-co-dien-tich-lon-nhat-tay-nam-bo-sap-thong-xe-cay-cau-noi-quoc-lo-63-voi-vuon-di-san-asean-202241223180814809.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tỉnh có diện tích lớn nhất Tây Nam Bộ sắp thông xe cây cầu nối Quốc lộ 63 với vườn di sản ASEAN
    POWERED BY ONECMS & INTECH