Sau thời gian sửa chữa, cây cầu vượt biển từng dài nhất Việt Nam ‘khoác áo mới’
Cây cầu là công trình tiêu biểu với công nghệ xây dựng tiên tiến từ Áo và Úc, có khả năng chịu trọng tải lớn.
Sau hơn 18 năm đưa vào sử dụng, cầu Thị Nại tại TP. Quy Nhơn được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt kinh phí gần 30 tỷ đồng vào đầu năm 2024 để sửa chữa, khắc phục những hư hỏng xuống cấp.
Sau gần một năm triển khai, các vấn đề như nứt vỡ kết cấu bê tông ở mố trụ, dầm dẫn, lún đường đầu cầu, khe co giãn, thoát nước và hệ thống an toàn giao thông đã được khắc phục triệt để, mang lại cho cây cầu một diện mạo mới hiện đại và vững chãi hơn.
Trước đó, ngày 15/12, để đánh giá chất lượng sau sửa chữa, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định sẽ tổ chức thử tải cầu Thị Nại, đồng thời hạn chế lưu thông tạm thời để đảm bảo an toàn.
Trong mỗi chu kỳ thử tải kéo dài từ 15-25 phút, các phương tiện sẽ không được phép qua cầu và sau mỗi chu kỳ, cầu sẽ được mở tạm thời để giảm tải lưu lượng giao thông trước khi tiếp tục thử tải.
>> Chính thức khai giảng lớp đào tạo kỹ sư ngành đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị
Theo Sở Giao thông vận tải, đây là bước quan trọng nhằm đánh giá toàn diện khả năng chịu tải và độ bền của kết cấu cầu, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các phương tiện lưu thông trong tương lai.
Được khởi công vào năm 2002 và hoàn thành năm 2006, cầu Thị Nại là công trình tiêu biểu với công nghệ xây dựng tiên tiến từ Áo và Úc, có khả năng chịu trọng tải lớn.
Cầu sở hữu chiều rộng 14,5m, gồm 54 nhịp, mỗi nhịp dài 120m, bắc qua đầm Thị Nại và sông Hà Thanh thông qua 5 cây cầu nhỏ cùng hệ thống đường dẫn hai đầu.
Trong suốt một thập kỷ, cầu Thị Nại từng giữ kỷ lục là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam cho đến khi danh hiệu này thuộc về cầu Tân Vũ - Lạch Huyện vào năm 2017.
Tuy nhiên, với chiều dài gần 7km, cầu Thị Nại vẫn là niềm tự hào của người dân Quy Nhơn và tỉnh Bình Định.
Không chỉ là một biểu tượng, cầu Thị Nại còn đóng vai trò chiến lược khi kết nối hai bờ TP. Quy Nhơn với Khu kinh tế Nhơn Hội, khu vực được coi là trung tâm phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đây là khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng và được ví như "kinh đô nghìn tỷ" của TP. Quy Nhơn.
>> Thông tin mới về dự án cao tốc hơn 25.000 tỷ đồng do Tập đoàn Sơn Hải đề xuất đầu tư
Bình Định dự kiến đưa 29 khu đất ra đấu thầu
Tháp Chăm cao nhất ở Đông Nam Á tại Bình Định được ‘rót’ hơn 90 tỷ đồng để trùng tu