Tỉnh duy nhất không có hộ nghèo và cận nghèo: Đủ khả năng bứt phá, tăng tốc để lên hạng thành phố trực thuộc Trung ương
Với những tiền đề sẵn có, Thủ tướng kỳ vọng Bình Dương phát triển bứt phá, đột phá mạnh mẽ hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực theo định hướng thành phố thông minh, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngày 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong 9 tháng đầu năm 2024, cũng như định hướng 3 tháng cuối năm và các kiến nghị, đề xuất của tỉnh.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao tiềm năng và lợi thế của Bình Dương, từ nguồn nhân lực, vị trí địa lý, đến cơ sở hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp và dịch vụ.
Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ giao thương với TP. Hồ Chí Minh. Tỉnh có diện tích tự nhiên 2.700km2 (xếp thứ 44/63) và dân số hơn 2,82 triệu người (đứng thứ 6/63), với lực lượng lao động chiếm 64% dân số (so với bình quân cả nước là 53%). Địa hình ở đây tương đối bằng phẳng, đất đai màu mỡ, hệ thống sông ngòi phong phú, cùng với khí hậu ổn định, hầu như không xảy ra bão lũ.
Về hạ tầng giao thông, Bình Dương có các trục đường huyết mạch quốc gia chạy qua và chỉ cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cùng các cảng biển khoảng 15km.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Bình Dương là trung tâm công nghiệp lớn với 30 khu công nghiệp (tổng diện tích trên 12.600ha) và 12 cụm công nghiệp (gần 800ha). Nhiều khu công nghiệp lớn đã đạt tỷ lệ lấp đầy cao, như Sóng Thần, Đồng An, Nam Tân Uyên, Tân Đông Hiệp A, Việt Hương, Mỹ Phước... Đặc biệt, Bình Dương là nơi đầu tiên xây dựng khu công nghiệp VSIP - mô hình phát triển công nghiệp tiêu biểu thu hút đầu tư của Việt Nam.
Bình Dương còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa với 11 di tích được công nhận cấp quốc gia. Các lễ hội nổi tiếng như lễ hội Chùa Bà, lễ hội Chùa Ông Ngựa, đình thần Tân An, đình thần Dĩ An… cùng nhiều làng nghề truyền thống tạo nên bản sắc riêng của tỉnh.
Từ năm 2017, Bình Dương đã được công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn Trung ương.
Về các dự án trọng điểm kết nối vùng, Bình Dương cho biết, trong số 26 cây cầu theo quy hoạch kết nối với TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, tỉnh đã hoàn thành 12 cầu. Ngoài các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng. Đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh qua Bình Dương dài khoảng 26 km, dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật vào dịp 30/4/2025.
Hai dự án khác, gồm đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh qua Bình Dương (dài 47,5km) và đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (dài khoảng 52km), dự kiến khởi công vào tháng 11/2024. Dự án BOT nâng cấp Quốc lộ 13, dài khoảng 13,8km với tổng mức đầu tư 12.463 tỷ đồng, đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, hướng tới khánh thành vào dịp 30/4/2025.
Về đường sắt, tỉnh Bình Dương đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt từ Bàu Bàng qua Dĩ An đến cảng Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu). Đối với tuyến đường sắt đô thị Suối Tiên - thành phố mới Bình Dương, tỉnh đang tiến hành khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với chiều dài khoảng 35km và tổng mức đầu tư dự kiến 86.150 tỷ đồng (tương đương 3,5 tỷ USD).
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng Bình Dương có tiềm năng vượt trội, lợi thế so sánh và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Với vị trí chiến lược, kết nối các vùng trọng điểm quốc gia và quốc tế, Thủ tướng kỳ vọng Bình Dương sẽ tận dụng tối đa lợi thế này để phát triển bứt phá, sớm trở thành thành phố thông minh trực thuộc Trung ương.
Tỉnh giàu nhất Việt Nam lộ phân khúc đang là kỳ vọng tăng trưởng BĐS phía Nam cuối năm 2024
Cao tốc 17.000 tỷ đi qua tỉnh giàu nhất Việt Nam sẽ khởi công vào tháng 11/2024