Tỉnh giàu có nhất Việt Nam muốn chi gần 60.000 tỷ xây dựng tuyến đường sắt điện khí hóa nội tỉnh đầu tiên
Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 21.294 tỷ đồng, chi phí xây dựng 16.415 tỷ đồng, chi phí thiết bị 8.001 tỷ đồng, các chi phí còn lại 13.850 tỷ đồng.
Ngày 13/8, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Bình Dương (BQLDA) thông báo rằng, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, Ban đã phối hợp với các đơn vị tư vấn để rà soát và quy hoạch lại tuyến đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh. Kết quả này đã được báo cáo lên UBND tỉnh.
Cuộc họp gần đây đã thống nhất cơ bản về định hướng của tuyến đường sắt, từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình. Ban Quản lý Dự án (BQLDA) cũng cho biết, đơn vị đã liên hệ với Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương để thu thập các hồ sơ, dữ liệu quy hoạch liên quan đến dự án. Đồng thời, Ban đã phối hợp với đơn vị tư vấn để cập nhật phương án điều chỉnh quy hoạch chi tiết của đường sắt tại khu vực đầu mối TP.HCM, nhằm hoàn thiện phương án đầu tư cho tuyến đường sắt này.
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt sẽ bắt đầu từ ga An Bình, phường Dĩ An, TP Dĩ An, và kết thúc tại ga Bàu Bàng, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng. Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 53,63km được quy hoạch tuyến đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa với 10 ga được bố trí dọc theo tuyến, đi qua các địa phương như TP. Dĩ An, TP. Thuận An, TP. Thủ Dầu Một, TP. Tân Uyên, TP. Bến Cát và huyện Bàu Bàng.
Tổng mức đầu tư cho tuyến đường sắt đôi này lên tới gần 60.000 tỷ đồng, bao gồm: 21.294 tỷ đồng cho chi phí giải phóng mặt bằng, 16.415 tỷ đồng cho chi phí xây dựng, 8.001 tỷ đồng cho chi phí thiết bị, và 13.850 tỷ đồng cho các chi phí còn lại.
Dựa trên phương án đã được lập, BQLDA đã gửi Sở Giao thông Vận tải để lấy ý kiến về quy mô, khái toán sơ bộ... của dự án. Đây là bước cần thiết để trình lên cấp thẩm quyền xem xét và đưa ra ý kiến về các yếu tố quan trọng như quy mô, tuyến đường, khổ đường, và phương thức đầu tư, làm cơ sở cho việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Về hướng tuyến, vị trí ga của tuyến đường sắt từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình được xác định cơ bản dựa trên tuyến đường sắt quốc gia TP.HCM - Lộc Ninh, đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 19/10/2021, cùng với quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM do Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt ngày 6/6/2013.
Tuy nhiên, hiện tại, Cục Đường sắt Việt Nam đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM và chưa được phê duyệt. Do đó, BQLDA và đơn vị tư vấn đã hoàn thiện phương án dựa trên quy hoạch được duyệt năm 2021 và hồ sơ quy hoạch mà Cục Đường sắt đang cập nhật, chờ trình cấp thẩm quyền xem xét và phê duyệt.
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có cửa ngõ giao thương với TP. HCM. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng như dựa vào các chỉ số GDP bình quân đầu người năm 2023, Bình Dương là tỉnh giàu nhất Việt Nam với mức GDP bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng/người/năm. |