Tài chính Ngân hàng

Tình hình xử lý nợ xấu ngân hàng

Ngọc Mai 12/02/2025 15:10

Các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc xử lý nợ xấu vì chưa có cơ chế khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2024, tổng số nợ nhóm 2 (các khoản vay có dấu hiệu cảnh báo rủi ro) tại các ngân hàng thương mại là hơn 211.709 tỷ đồng, chiếm 1,25% tổng dư nợ. Con số này đã giảm 7% so với cuối năm 2023. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần chiếm phần lớn với hơn 118.756 tỷ đồng, tương đương 56,1% tổng nợ nhóm 2 của toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại.

Nợ xấu nội bảng của các ngân hàng thương mại tính đến ngày 31/12/2024 ở mức hơn 733.904 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm 2023.

Tình hình xử lý nợ xấu ngân hàng ảnh 1
Nợ xấu ngân hàng có xu hướng gia tăng ở một số ngân hàng.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên 3%, gồm có MBV (7,18%), GPBank (15,87%), VCBNeo (43,76%), DongA Bank (46,1%), NCB (16,69%) và SCB (98,50%). Trong số này, 4 ngân hàng là MBV, GPBank, VCBNeo và DongA Bank mới được chuyển giao bắt buộc, Ngân hàng SCB đang trong diện kiểm soát đặc biệt.

Thống kê từ Wichart cho thấy, tính đến ngày 31/12/2024, nợ có khả năng mất vốn của 27 ngân hàng đạt hơn 131.000 tỷ đồng, tăng hơn 39.500 tỷ so với năm 2023, tương đương mức tăng 43%. Ngoài ra, tỷ trọng của nợ nhóm 5 trong tổng dư nợ cho vay có xu hướng tăng, từ 0,91% năm 2023 lên 1,11% năm 2024.

Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank - cho biết, dù ngân hàng đã triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ xấu song nợ xấu vẫn có xu hướng phát sinh tăng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành, đặc biệt do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Do đó, việc thực hiện mục tiêu đưa đưa tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu xuống dưới 3% của Agribank gặp rất nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh chỉ còn 1 năm thực hiện phương án cơ cấu lại Agribank.

Trước tình trạng trên, đại diện Agribank đề nghị Chính phủ, Quốc hội và các cấp có thẩm quyền có cơ chế, quy định phù hợp về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hỗ trợ các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý để xử lý triệt để nợ xấu.

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank nhận định, một trong những điểm nghẽn hiện nay của ngành ngân hàng là về xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42 hết hiệu lực khiến việc thu hồi, xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp khó khăn, gần 200.000 tỷ tài sản tồn đọng, thậm chí con số thực tế còn lớn hơn. Giải pháp đòi nợ lớn nhất hiện nay là kiện ra tòa nhưng trên thực tế, các tòa tiếp nhận chưa đến 30% hồ sơ vì quá tải. Nhiều khách hàng chây ì, chậm trả nợ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các ngân hàng.

Nếu có cơ chế xử lý nợ xấu, các ngân hàng sẽ được “giải phóng” và phát triển hơn, đại diện VPBank cho biết.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng rất mong muốn luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang đẩy mạnh xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Bốn ngân hàng yếu kém đã được chuyển giao bắt buộc, nhưng vẫn còn nhiều khoản nợ tồn đọng cần giải quyết.

Để hỗ trợ quá trình này, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ phương án cho vay đặc biệt đối với các ngân hàng yếu kém; kiến nghị Chính phủ sớm xem xét việc luật hóa Nghị quyết 42 nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn cho công tác xử lý nợ xấu và ổn định hệ thống tài chính.

Tại hội nghị với ngân hàng ngày 11/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẩn trương xây dựng hồ sơ, trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới để luật hóa Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu.

>> Thủ tướng chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại

Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ: Hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu sẽ giúp ngân hàng mạnh dạn cho vay lãi suất phù hợp hơn

BIDV (BID) có 19.800 tỷ đồng nợ xấu khả năng mất vốn, cao nhất toàn hệ thống

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/tinh-hinh-xu-ly-no-xau-ngan-hang-post1716381.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tình hình xử lý nợ xấu ngân hàng
    POWERED BY ONECMS & INTECH