Xã hội

Tỉnh ít dân nhất Việt Nam từng được sáp nhập với Thái Nguyên

Thái Hà 24/02/2025 - 15:13

Tỉnh này không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt địa lý mà còn là những địa bàn chiến lược trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Năm 1965, theo phê chuẩn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hai tỉnh Bắc KạnThái Nguyên được hợp nhất thành tỉnh Bắc Thái. Khi đó, tỉnh Bắc Thái bao gồm thành phố Thái Nguyên, thị xã Bắc Kạn và 12 huyện.

Tỉnh ít dân nhất Việt Nam từng được sáp nhập với Thái Nguyên - ảnh 1
Tỉnh Bắc Thái (màu đỏ) năm 1976. Ảnh: Wikipedia

Sau 31 năm hợp nhất, đến ngày 1/1/1997, theo Nghị quyết kỳ họp thứ X Quốc hội khóa IX, tỉnh Bắc Thái chính thức chia tách thành hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Đồng thời, hai huyện Ngân Sơn và Ba Bể cũng được chuyển từ tỉnh Cao Bằng về Bắc Kạn, tạo nên địa giới hành chính như ngày nay.

Trong lịch sử, Thái Nguyên và Bắc Kạn không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt địa lý mà còn là những địa bàn chiến lược trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định chọn Việt Bắc làm căn cứ kháng chiến. Các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn) cùng với Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) trở thành An toàn khu (ATK) Trung ương.

Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã sống, làm việc và đưa ra những quyết sách quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đặc biệt, năm 1951, Bác Hồ nhân chuyến công tác và đến thăm Liên phân đội Thanh niên xung phong 312, làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông đường số 3 phục vụ kháng chiến tại cầu Nà Cù (thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, Bắc Kạn).

Sau khi ân cần hỏi thăm, Bác nhắc toàn thể cán bộ và đội viên phải có kế hoạch làm việc, khắc phục khó khăn, đoàn kết và tổ chức tốt công tác thi đua để mau chóng hoàn thành nhiệm vụ. Tại đây, Bác đã dành tặng bốn câu thơ bất hủ cho đơn vị thanh niên xung phong này:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”.

Tỉnh ít dân nhất Việt Nam từng được sáp nhập với Thái Nguyên - ảnh 2
Cụm tượng đài Bác Hồ với Thanh niên xung phong tại Nà Tu. Ảnh: Tạp chí Hải Quan

Trước khi chia tách, tỉnh Bắc Thái có diện tích tự nhiên hơn 8.000km², địa hình phức tạp, hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, gây không ít khó khăn cho công tác lãnh đạo, quản lý hành chính và điều hành phát triển kinh tế – xã hội.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư vẫn còn hạn chế, đặc biệt là khu vực các huyện miền núi phía Bắc, khiến việc khai thác tiềm năng, lợi thế còn nhiều hạn chế.

Năm 1997, xem xét nguyện vọng và tình cảm của Đảng bộ và đồng bào các dân tộc, Quốc hội đã quyết định việc chia tách một số tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh để tái lập lại 2 tỉnh là Bắc Kạn và Thái Nguyên. Việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đã được tiến hành một cách nhanh chóng và có những chủ trương cụ thể để phát huy thế mạnh, tiềm năng của mỗi tỉnh.

Sau gần ba thập kỷ tái lập, cả hai tỉnh đã có những bước tiến vượt bậc, khẳng định sự phát triển toàn diện về mọi mặt.

Tỉnh ít dân nhất Việt Nam từng được sáp nhập với Thái Nguyên - ảnh 3
Mặc dù còn hạn chế về các nguồn lực cho phát triển nhưng Bắc Kạn vẫn tăng trưởng ổn định. Ảnh: VGP

Bắc Kạn hiện có diện tích gần 4.900km², dân số 326.500 người (thấp nhất trong 63 tỉnh, thành trên cả nước). Dù quy mô dân số không lớn, nhưng kinh tế của tỉnh vẫn có mức tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với hồ Ba Bể, một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia đặc biệt với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và đa dạng sinh học phong phú.

Tỉnh ít dân nhất Việt Nam từng được sáp nhập với Thái Nguyên - ảnh 4
Thái Nguyên có nhiều bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội. Ảnh: Báo Tin Tức

Thái Nguyên với diện tích hơn 3.500km², dân số khoảng 1,35 triệu người, được mệnh danh là một trong những "thủ phủ công nghiệp phía Bắc", "thung lũng Silicon của Việt Nam". Tỉnh đã có nhiều đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là thu hút hàng tỷ USD vốn FDI, góp phần đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của khu vực phía Bắc.

Hiện nay, Thái Nguyên và Bắc Kạn được liên kết chặt chẽ với nhau thông qua nhiều tuyến giao thông huyết mạch, trong đó nổi bật là tuyến cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn. Theo thiết kế, tuyến đường dài gần 29km, điểm đầu kết nối với đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, điểm cuối kết nối cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng (thành phố Bắc Kạn), với tổng mức đầu tư hơn 5.750 tỷ đồng.

Tỉnh ít dân nhất Việt Nam từng được sáp nhập với Thái Nguyên - ảnh 5
Phối cảnh dự án xây dựng tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn

Sau khi hoàn thành, tuyến đường này không những kết nối với đường Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới, tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh, rút ngắn thời gian đi lại giữa Hà Nội, Thái Nguyên với tỉnh Bắc Kạn, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng trong khu vực mà còn tạo tiền đề để tiếp tục nối cao tốc tới tỉnh Cao Bằng và các cửa khẩu của Trung Quốc.

>> Tỉnh mới từng được hình thành sau khi sáp nhập tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh

Tỉnh mới từng được hình thành sau khi sáp nhập tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương

Chi tiết số đơn vị hành chính cấp huyện, xã sau sáp nhập

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/tinh-it-dan-nhat-viet-nam-tung-duoc-sap-nhap-voi-thai-nguyen-137382.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tỉnh ít dân nhất Việt Nam từng được sáp nhập với Thái Nguyên
    POWERED BY ONECMS & INTECH