Để giải quyết vấn đề này, tỉnh yêu cầu các cơ quan cần đẩy nhanh tiến độ và đến ngày 30/6/2024 không còn dự án nào chưa được thực hiện giải ngân.
Theo thống kê mới nhất từ Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 10/5, cả tỉnh vẫn còn 411/1.030 dự án chưa thực hiện giải ngân.
Cụ thể, các dự án có sử dụng nguồn vốn đầu tư công lớn nhưng tiến độ giải ngân vẫn 0% như: dự án xây dựng trụ sở làm việc HĐND - UBND huyện Anh Sơn có tổng vốn 12,5 tỷ đồng; dự án nâng cấp, mở rộng đường giao thông Tràng - Minh huyện Đô Lương có tổng vốn 10 tỷ đồng; dự án đường vào khu công nghiệp Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên 20 tỷ đồng; dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường trên địa bàn huyện Tương Dương 18,15 tỷ đồng...
Để các Sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư nắm bắt tình hình, kịp thời triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân đề ra (trên 95%), UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị có tiến độ giải ngân 0% khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thủ tục, áp dụng các biện pháp cần thiết như huy động nhân lực, tăng ca, tập trung nhiều mũi thi công... để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch được giao; phấn đấu đến ngày 30/6/2024 không còn dự án chưa thực hiện giải ngân.
>> Quảng Trị đề xuất trình Quốc hội duyệt cao tốc gần 14.000 tỷ đồng Tập đoàn Sơn Hải đầu tư
Các cơ quan chức năng thực hiện nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng. Trường hợp tạm ứng phải bảo đảm việc tạm ứng, mức vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng theo đúng quy định, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn ngân sách Nhà nước được giao.
Các cơ quan chức năng kiểm tra, đôn đốc, rà soát các huyện, các chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; chủ động chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong giải phóng mặt bằng.
Đối với các Ban quản lý dự án của chủ đầu tư sẽ tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm, kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, chủ động thay thế những cán bộ không đáp ứng yêu cầu.
Đối với những dự án chậm giải ngân và giải ngân 0% thì từ tháng 6/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn.
UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hoà lợi ích của Nhà nước và người dân.
Năm 2024, kế hoạch đầu tư công tập trung của tỉnh Nghệ An năm 2024 là 4.628,57 tỷ đồng; tính đến ngày 10/5/2024, đã giải ngân 1.147,305 tỷ đồng, đạt 24,79% kế hoạch.
Nghệ An là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, Việt Nam và là tỉnh có diện tích 1.648.649ha - lớn nhất cả nước.
Nghệ An cơ vị trí chiến lược trên tuyến giao thông Bắc - Nam và Đông Tây; với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển thuận lợi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nghệ An kết nối vùng Đông Bắc Thái Lan, Lào với biển Đông và là cửa ngõ giao thương của khu vực và quốc tế.
>> Siêu dự án 'sống còn' Aqua City hơn 1.000ha của Tập đoàn Novaland (NVL) có tiến triển mới