Tỉnh lớn nhất Việt Nam sẽ xây thêm nhà ga, đường băng để 'lên đời' sân bay duy nhất của tỉnh

07-04-2024 01:09|Quốc Chiến

Đây là một trong những phương án đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến.

Bộ Giao thông vận tải hiện đang lấy ý kiến các thành viên hội đồng thẩm định về phương án điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không quốc tế Vinh (gọi tắt là sân bay Vinh) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, một trong những phương án được đề xuất là sân bay Vinh cần được xây thêm đường băng thứ 2, mở rộng nhà ga hành khách T1 hiện tại và xây mới nhà ga hành khách T2.

Sân bay Vinh hiện có nhà ga hành khách quốc nội công suất 2 triệu hành khách/năm và nhà ga hành khách quốc tế công suất 0,8 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 11.000 tấn/năm.

Năm 2022, lượng hành khách qua sân bay Vinh đạt 2,6 triệu lượt khách, vượt công suất thiết kế 2 triệu khách của nhà ga hành khách T1 hiện tại.

san-bay
Sây bay Vinh sẽ có thêm nhà ga, đường băng

Về khu bay, sân bay Vinh có 1 đường băng dài 2.400m, rộng 45m và 3 đường lăn (1 đường lăn cho hoạt động quân sự), sân đỗ máy bay với 6 vị trí khai thác loại máy bay code C (Airbus A321 và tương đương trở xuống).

Hiện nay, hệ thống đường băng, đường lăn, sân đỗ có kết cấu bê tông nhựa của sân bay Vinh đã hết tuổi thọ theo thiết kế (10 năm), đã xuất hiện rạn, nứt, hằn vệt bánh xe.

Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 7/6/2023, sân bay Vinh được xác định mở rộng để đạt công suất 8 triệu hành khách/năm trong thời kỳ 2021-2030; tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục mở rộng để đạt 14 triệu hành khách/năm.

Từ kết quả nghiên cứu của tư vấn, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sân bay Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu:

Thời kỳ 2021-2030 sân bay Vinh có cấp sân bay là 4E theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp I; công suất 8 triệu hành khách và 25.000 tấn hàng hóa/năm.

Tổng số vị trí đỗ máy bay được nâng từ 6 lên 25 vị trí; khai thác được máy bay loại code D, E như Boieng747, 787, Airbus A350 và tương đương.

Tầm nhìn đến năm 2050: sân bay Vinh có công suất 14 triệu hành khách và 35.000 tấn hàng hóa/năm, tổng số vị trí đỗ máy bay là 40 vị trí.

Để đạt được công suất quy hoạch như trên thời kỳ 2021-2030, sân bay Vinh cần xây thêm đường băng số 2 dài 3.000m, rộng 45m; cải tạo, nâng cấp đường băng hiện hữu (đường băng số 1, dài 2.400m, rộng 45m).

Đồng thời, xây mới các đường lăn kết nối, cải tạo sân đỗ đáp ứng 15 vị trí đến năm 2025, rồi tiếp tục nâng dần lên 25 vị trí khi công suất sân bay đạt 8 triệu khách/năm.

Về nhà ga, thời kỳ 2021-2030 sân bay Vinh cần mở rộng nhà ga hành khách T1 hiện tại đạt công suất 5 triệu hành khách/năm nhằm đảm bảo yêu cầu khai thác trong giai đoạn ngắn hạn đến năm 2025.

Đồng thời xây mới nhà ga hành khách T2 tại khu vực giữa 2 đường băng để nâng tổng công suất toàn sân bay đạt 8 triệu hành khách/năm; có dự trữ đất để có thể mở rộng nhà ga hành khách, nâng công suất sân bay đạt 14 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu.

Ngoài ra, sân bay Vinh được xây dựng nhà ga hàng hóa, bãi đỗ xe, công trình dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, dịch vụ xăng dầu hàng không, trạm cứu hỏa, đài kiểm soát không lưu và hệ thống radar, đài dẫn đường… để khai thác đồng bộ, đáp ứng công suất quy hoạch.

Tổng nhu cầu sử dụng đất của sân bay Vinh thời kỳ 2021-2030 là gần 557ha, trong đó có hơn 114ha cần xin thêm.

Được biết, cảng hàng không Vinh do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1937 với đường cất - hạ cánh dài 1.400x30m bằng đất và một vài công trình phụ trợ khác: sân đỗ máy bay, kho xăng dầu…

Nghệ An là một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, Việt Nam và là tỉnh có diện tích 1.648.649,52ha - lớn nhất cả nước.

Nghệ An cơ vị trí chiến lược trên tuyến giao thông Bắc - Nam và Đông Tây; với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển thuận lợi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nghệ An kết nối vùng Đông Bắc Thái Lan, Lào với biển Đông và là cửa ngõ giao thương của khu vực và quốc tế.

Nghệ An đang phát triển trở thành một địa phương năng động và vươn mình trỗi dậy đầy sức sống trong sự hội nhập và phát triển của đất nước, trở thành động lực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ. Trong 2 năm liên tiếp, 2022-2023, Nghệ An lọt vào top 10 địa phương thu hút nguồn vốn FDI lớn nhất cả nước.

> > Tỉnh 'sát vách' Trung Quốc đề xuất 'rót' thêm 725 tỷ đồng cho dự án sân bay quy mô 1,5 triệu hành khách/năm

Sân bay lớn nhất Việt Nam có một dự án lệch tiến độ 3 năm, nay xin giảm mức đầu tư xuống 3.700 tỷ đồng

Từ chối đề xuất lấy 5 triệu m3 đất của dự án sân bay lớn nhất Việt Nam để thi công cao tốc dài 54km

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/tinh-lon-nhat-viet-nam-se-xay-them-nha-ga-duong-bang-de-len-doi-san-bay-duy-nhat-cua-tinh-d119790.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tỉnh lớn nhất Việt Nam sẽ xây thêm nhà ga, đường băng để 'lên đời' sân bay duy nhất của tỉnh
    POWERED BY ONECMS & INTECH