Tỉnh miền Bắc này được hình thành từ việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính, sau đó còn được Bác Hồ gợi ý đặt tên.
"Vùng đất lớn an bình" và "một Việt Nam thu nhỏ"
Quảng Ninh là vùng đất lịch sử lâu đời. Ở khu vực Vịnh Hạ Long đã khảo cổ được di chỉ của người tiền sử từ 3000-1500 năm TCN. Đặc trưng đó là nền Văn hóa Soi Nhụ, làm cơ sở để sau đó hình thành các loại hình văn hóa tiến bộ mới tại Cái Bèo, tiếp theo nền Văn hóa Hạ Long nổi tiếng.
Thời Hùng Vương vùng đất Quảng Ninh là trung tâm của Bộ Ninh Hải, Lục Hải - một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang. Lịch sử Ninh Hải - Lục Châu và sau này là Hải Đông là cả một thời kỳ dài liên tục đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng, phát triển.
Trong suốt mười thế kỷ ấy, đất Hải Đông đã ghi dấu những chiến công lừng lẫy nhất trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, với ba lần chiến thắng trên sông Bạch Đằng, chứng kiến những công cuộc phát triển kinh tế phồn vinh nhất dưới thời phong kiến.
Đặc biệt với thương cảng Vân Đồn lịch sử mang tầm vóc khu vực và liên khu vực vào thời đại Lý - Trần, khẳng định Việt Nam từ sớm là quốc gia biển, vươn ra biển, phát triển kinh tế biển.
Với Yên Tử linh thiêng, kỳ vỹ, chứa đựng trong mình sức mạnh tinh thần bất diệt, Quảng Ninh đã trở thành một trong những trung tâm văn hóa quan trọng nhất, thâm trầm nhất trong lịch sử phát triển văn hóa dân tộc.
Tổ tiên nhà Trần, vào cuối đời Lý đã đến ở vùng An Sinh (thuộc Đông Triều) làm nghề đánh cá. Nhà Trần tuy phát tích ở đất Thiên Trường (Nam Định) song vẫn nhớ về quê gốc Đông Triều nên lăng mộ các vua Trần đều được di dời về đây.
Đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng đất Đông Bắc giàu tài nguyên than đá này lại trở thành vùng mỏ anh hùng bất khuất, là cái nôi sinh thành đội ngũ công nhân.
Ngày 22/2/1955, theo sắc lệnh của Chủ tịch nước, khu Hồng Quảng gồm đặc khu Hồng Gai và tỉnh Quảng Yên được thành lập.
Ngày 30/10/1963, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã quyết định hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh chính thức, tạo thành một thể liên hoàn cả về chính trị, kinh tế, quân sự, phát huy được sức mạnh tổng hợp của vùng Đông Bắc rộng lớn của Tổ quốc.
Ngày 30/10/1963, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa II Kỳ họp thứ 7 phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Quảng Ninh. Bác Hồ đã gợi ý gọi là Quảng Ninh, do ghép chữ Quảng (của Hồng Quảng) và chữ Ninh (của Hải Ninh) mà thành. Bác bảo “Quảng Ninh còn có nghĩa là một vùng đất lớn an bình”…
- Sở hữu số lượng di sản văn hóa đồ sộ:
Quảng Ninh là tỉnh có di sản văn hóa đồ sộ, đa dạng và giàu bản sắc nhất trong cả nước, được xem là Việt Nam thu nhỏ.
Hiện Quảng Ninh có 6 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt gồm: Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long, khu di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều), Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, đền Cửa Ông - Cặp Tiên và Khu di tích Bác Hồ trên đảo Cô Tô, 54 di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh.
Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể khổng lồ trải dài theo thời gian và không gian với tổng số 541 di sản văn hóa vật thể, hơn 2.800 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, 119 lễ hội, trong đó có 76 lễ hội được kiểm kê đưa vào danh mục di sản văn hóa, 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Văn hóa, lịch sử lâu đời và độc đáo của Quảng Ninh trở thành nguồn tài nguyên vô giá trong phát triển du lịch, kinh tế, xã hội và hun đúc lên “bản sắc văn hóa” con người Quảng Ninh. Yếu tố này tạo ra sự hấp dẫn, lôi cuốn, nổi trội với du khách và cần được khai thác, phát huy tối đa trong giai đoạn tới.
Tín ngưỡng phổ biến nhất đối với cư dân sống ở Quảng Ninh là thờ cúng tổ tiên, thờ các vị tướng lĩnh nhà Trần có công với dân, với nước, các vị thành hoàng, các vị thần (sơn thần, thủy thần), thờ các mẫu (Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải).
Tây lưng tựa núi - Đông nghiêng đầu vịnh
Quảng Ninh là một địa danh giàu tiềm năng du lịch, là một đỉnh của tam giác tăng trưởng du lịch miền Bắc Việt Nam; Quảng Ninh có hơn 600 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử được xếp hạng; hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên: Rừng, núi, nước non, biển đảo, sông hồ... đặc biệt có Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận “Di sản thiên nhiên thế giới” về giá trị cảnh quan và giá trị địa chất, địa mạo và vừa được vinh danh là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Là một tỉnh ở địa đầu phía đông bắc Việt Nam, Quảng Ninh được ví như một Việt Nam thu nhỏ. Phía tây tựa lưng vào núi, phía đông nghiêng xuống nửa phần đầu vịnh Bắc Bộ với bờ biển dài khoảng 250km, nhiều cửa sông.
Quảng Ninh có bốn mùa, tùy vùng mà bạn chọn thời điểm du lịch cho phù hợp. Nếu xuất hành du xuân đầu năm, Quảng Ninh là lựa chọn lý tưởng với rất nhiều điểm du lịch tâm linh. Hè mát mẻ thích hợp cho những chuyến nghỉ dưỡng trên vịnh song đây cũng là mùa cao điểm du lịch, giá cả dịch vụ có thể tăng. Thời tiết mùa thu thích hợp để trekking, vãn cảnh. Mùa đông khô hanh, nhưng bạn hoàn toàn có thể cân nhắc tới một kỳ nghỉ trái mùa trên du thuyền hoặc săn băng giá.
- Điểm đến nổi bật:
1. Vịnh Hạ Long
Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và di sản thế giới bởi giá trị địa chất địa mạo. Thiên nhiên ban tặng cho Hạ Long cảnh sắc tuyệt đẹp cùng một nền văn hóa có chiều sâu, hoạt động du lịch tại đây rất đa dạng.
Toàn bộ vịnh có gần 2.000 đảo đá vôi, trong đó có khoảng 900 đảo đã đặt tên, với đủ mọi hình dạng. Các đảo đá chỗ thì tập trung, có nơi lại tách rời, tạo nên nét chấm phá cho vịnh Hạ Long. Trên một số đảo có hệ thống hang nhũ đá kỳ thú để du khách chiêm ngưỡng như hang Sửng Sốt, hang Trống, hang Trinh Nữ , hang Luồn, hang Đầu Gỗ, động Kim Quy, động Mê Cung...
2. Đảo Cô Tô
Đảo Cô Tô ở Vân Đồn, Quảng Ninh được ví như một hòn đảo thiên đường với bãi biển rộng, bờ cát trắng, nước biển trong và mát lạnh. Đến thăm Cô Tô, du khách có thể tản bộ trên con đường tình yêu, mở tiệc BBQ trên bờ biển, thăm khu tượng đài Bác Hồ. Các cặp đôi có thể thuê xe đạp dạo quanh thị trấn, khám phá bãi đá Cầu Mỵ, ngọn Hải Đăng và thưởng thức hải sản tươi ngon.
3. Mũi Sa Vĩ, thành phố Móng Cái
Còn có tên gọi khác là Mũi Gót, Mũi Sa Vĩ là nơi chấm nét bút đầu tiên vẽ nên hình chữ S Việt Nam trên bản đồ. "Sa" nghĩa là cát, "Vĩ" có nghĩa là đuôi, do đó tên gọi này có thể hiểu là đuôi cát.
Tuy cực Đông của Việt Nam ở tận mũi Điện (Phú Yên), nhưng mũi Sa Vĩ ở Trà Cổ là nơi đón ánh mặt trời đầu tiên ở miền Bắc. Bởi vậy, khoảnh khắc bình minh ở Sa Vĩ luôn được đón chờ và mang đến cảm xúc dâng trào cho những người dân đất Việt.
Đứng ở mũi Sa Vĩ, phóng tầm mắt ra xa, du khách có thể nhìn thấy cột mốc 1378. Đây là cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cách đó không xa là bãi biển Trà Cổ hình lưỡi liềm dài 17km.
4. Núi Cao Ly, huyện Bình Liêu
Cao Ly là dãy núi cao trải dài với diện tích trên 40 km2 với 8 đỉnh cao hơn 1.000 m thuộc huyện biên giới Bình Liêu. Núi Cao Ly còn gọi là núi Cô Đơn cách trung tâm xã Húc Động hơn 10 km là một điểm cắm trại, dã ngoại phù hợp cho các nhóm bạn trẻ, hoặc gia đình nhỏ.
Nếu khoảng tháng 7-9 Cao Ly hấp dẫn du khách vì hoa mua nở nhuộm tím các vạt đồi thì đến cuối năm tháng 10 trở đi, nơi này lại là điểm săn biển mây lý tưởng. Chỉ cần một đêm cắm trại, sáng thức dậy khoảng 5-6h hoặc vui chơi, ăn uống, chờ đến 16h-17h là bạn có thể ngắm nhìn vũ điệu của mây trời.
Điểm cắm trại cách đỉnh khoảng 30-40 phút leo bộ, xe máy và ôtô cá nhân có thể tới tận điểm trại. Trong thời gian khám phá núi Cao Ly, du khách di chuyển thêm 15, kết hợp tham quan thác Khe Vằn có 3 tầng và là thác nước cao nhất tỉnh Quảng Ninh.
5. Di tích lịch sử Bạch Đằng
Hiện nay, thị xã Quảng Yên khai quật được ba bãi cọc gỗ có niên đại từ thế kỷ XIII, phân bố trên địa bàn phường Yên Giang, phường Nam Hòa, xã Liên Hòa.
Bãi cọc Yên Giang: Ở vị trí cửa sông Chanh, một nhánh của sông Bạch Đằng, thuộc phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên. Phát hiện năm 1953, khai quật vào các năm 1958, 1969, 1976, 1984,1988.
Bãi cọc Đồng Vạn Muối: Ở vị trí cửa sông Rút, một nhánh của sông Bạch Đằng, thuộc phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên. Phát hiện năm 1958, khai quật năm 2005.
Bãi cọc Đồng Má Ngựa: Ở vị trí cửa sông Kênh, sát với sông Rút, thuộc phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên. Phát hiện năm 2009, khai quật năm 2010.
Ngoài ra du khách có thể ghé thăm đền Trần Hưng Đạo tọa lạc trên doi đất giữa sông Bạch Đằng, trung tâm chiến trận Bạch Đằng năm 1288, thuộc phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên.