Tỉnh miền Trung này hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO để xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch quốc tế.
Hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 định hướng Phú Yên sẽ thành lập Công viên địa chất Phú Yên, hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO để xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch quốc tế, hướng đến việc khai thác và phát huy đồng bộ, toàn diện giá trị các di sản địa chất, di sản văn hóa xã hội lịch sử, đa dạng sinh học một cách bền vững, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.
Phú Yên nổi tiếng với danh thắng thiên nhiên Gành Đá Đĩa tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Địa điểm này là một đoạn bờ biển có các cột đá bazan hình lăng trụ, trông giống như những chiếc đĩa xếp chồng lên nhau.
Theo các nghiên cứu, bazan tại khu vực này hình thành do hoạt động phun trào của núi lửa tại vùng trung tâm tỉnh Phú Yên (cao nguyên Vân Hòa ngày nay) cách đây hàng triệu năm. Các dòng dung nham khi nguội dần thì đông cứng lại và nứt vỡ thành các cột đá hình lăng trụ tương đối đồng đều. Những cột đá nằm sát biển sau đó lại chịu tác động của sóng đánh vào nên tiếp tục nứt theo chiều ngang, tạo thành các “đĩa” đá.
Đặc biệt, tháng 12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1570/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch gồm 808,89ha (không bao gồm diện tích khoanh vùng bảo vệ của Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa), thuộc Phân khu 9, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm toàn bộ Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa và không gian cảnh quan thiên nhiên, môi trường - sinh thái xung quanh.
Các giá trị di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, cảnh quan môi trường và tài liệu, hiện vật liên quan; công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa và các yếu tố đô thị, kinh tế - xã hội, dân cư...
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị và bảo tồn các giá trị đặc sắc về địa chất của Danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa; bảo vệ tài nguyên mặt nước, đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo và di sản văn hóa của cộng đồng trong khu vực; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; phát huy giá trị Danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa, trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh Phú Yên, vùng Nam Trung Bộ và cả nước; kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh khác tại địa phương, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch, kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị độc đáo của danh thắng và di sản văn hóa truyền thống của khu vực...
Việc lập quy hoạch nhằm làm cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực đầu tư; quản lý và bảo vệ danh lam thắng cảnh và các di sản trong khu vực; lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần về bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh...
Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng đặt ra yêu cầu tỉnh Phú Yên phải đảm bảo giữ gìn bản sắc của vùng đất và con người Phú Yên; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững; ưu tiên tu bổ, tôn tạo các di tích đã xếp hạng bị xuống cấp, các di tích có giá trị phát triển du lịch.
Đồng thời, Phú Yên cần tập trung xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; phát triển sâu rộng và bền vững hoạt động thể dục thể thao, phát triển thể thao thành tích cao, tập trung vào các môn thế mạnh của thể thao tỉnh; khuyến khích xã hội hóa phát triển thể dục, thể thao.
Nhất Tự Sơn - Hòn đảo đẹp nhất xứ hoa vàng cỏ xanh
Đảo Nhất Tự Sơn nằm trong vịnh Xuân Đài - nơi được ví như "Bali của Việt Nam". Đảo thuộc địa phận xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu, cách trung tâm TP Tuy Hòa khoảng 50km về phía bắc. Theo những ngư dân sống tại đây, tên gọi Nhất Tự Sơn bắt nguồn từ việc đảo có thế nằm giống như chữ "Nhất" trong tiếng Hán.
Với diện tích chừng 6ha, Nhất Tự Sơn còn được coi như một tấm bình phong chắn sóng gió cho hai làng chài Mỹ Hải, Mỹ Thành bên cạnh, cũng nhờ địa thế chắn gió của hòn đảo này mà các làng chài không bị ảnh hưởng quá lớn trong các đợt mưa bão.
Nếu nhìn hòn đảo từ xa, bạn sẽ thấy Nhất Tự Sơn hiện lên một màu xanh lá của rừng cây, tô điểm thêm cho cả vùng biển xung quanh, càng tiến lại gần thì sự hoang sơ càng được thể hiện rõ.
Không chỉ nổi bật bởi những thảm rừng xanh biếc, đảo Nhất Tự Sơn còn khiến du khách mê mẩn bởi những hang động sâu hun hút đầy kỳ bí hình thành do sự xâm thực của biển. Chính dáng vẻ ấy càng khiến du khách cảm thấy hào hứng và thú vị tựa như được trở thành những nhà thám hiểm thực thụ và hòa mình vào không gian hoang dã của nơi này.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Nhất Tự Sơn, hệ thực vật trên đảo khá phong phú. Tại đây có nhiều cây gỗ quý với niên đại lên đến hàng trăm năm. Sườn phía tây có nhiều cây bằng lăng và cây trắc, còn ở phía nam là những vách đá hiểm trở và những gốc mai cổ thụ. Ở phía đông, mặt đảo hướng ra biển, những tảng đá chồng từng bậc lên nhau, tạo thành hình dạng như ghế ngồi.
Những bãi đá nằm ven mép đảo, chạy song song với nhau, tạo thành những khe nước nhỏ. Sóng biển tràn vào, bọt trắng từ nước bắn tung lên bào khoét thành những hang động nhỏ dưới nước.
Thời điểm đẹp nhất để ghé thăm đảo Nhất Tự Sơn chính là vào khoảng tháng 2 đến tháng 8 hằng năm. Đây là mùa khô ở Phú Yên, có nắng nhưng không gắt lắm, bầu trời trong xanh thoáng đãng.