Diện tích của thành phố này sẽ tăng gần gấp 3 lần với việc sáp nhập 5 xã lân cận.
Diện tích tăng gần 3 lần, có hai cao tốc 37.000 tỷ đồng chạy qua
Thành phố Bảo Lộc ngày nay (tên gọi cũ là B'Lao) là một trong hai trung tâm lớn của tỉnh Lâm Đồng nằm trên cao nguyên Di Linh - Bảo Lộc, ở độ cao 800-1.000m. Phía bắc, đông, nam giáp huyện Bảo Lâm. Phía tây và tây nam giáp huyện Đạ Huoai.
Với 6 phường và 5 xã, hiện Bảo Lộc là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, công nghiệp xếp vào vị trí thứ hai của tỉnh Lâm Đồng sau thành phố Đà Lạt.
Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu rõ, đến năm 2045, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc trung ương gồm 3 quận, 3 thị xã, 3 huyện.
Theo lộ trình này, đến năm 2025, sẽ sáp nhập 5 xã của huyện Bảo Lâm (gồm: xã Lộc An, Lộc Nam, Lộc Thành, Lộc Tân và Tân Lạc) vào thành phố Bảo Lộc; xã Lộc An (Bảo Lâm cũ) trở thành phường của thành phố Bảo Lộc.
Đến năm 2030, xã Lộc Thành (Bảo Lâm cũ) trở thành phường của thành phố Bảo Lộc.
Đến năm 2045, TP Bảo Lộc sẽ trở thành quận thuộc khu vực nội thành thành phố trực thuộc trung ương Lâm Đồng. Tầm nhìn đến năm 2050, TP Bảo Lộc sẽ lên đô thị loại I.
Trong tương lai, thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận trở thành vệ tinh, trung tâm du lịch cấp vùng. Nghiên cứu, phát triển các trung tâm du lịch: Sinh thái - nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe thể thao hàng đầu Việt Nam tại thành phố Bảo Lộc và các huyện có tiềm năng du lịch, khẳng định thương hiệu và năng lực cạnh tranh của Lâm Đồng ở trong nước và quốc tế.
Về giao thông, đáng chú ý, tỉnh Lâm Đồng trong tương lai sẽ có 2 tuyến cao tốc chạy qua, và hai dự án này đều đi qua TP Bảo Lộc. Cụ thể, dự án đường bộ Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương (nối Đồng Nai và Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư đang được Lâm Đồng đẩy mạnh thực hiện, dự kiến khởi công lần lượt trong quý III và IV năm 2024.
Hai dự án quy mô tỷ đồng. Trong đó, Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) có chiều dài khoảng 66km (trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng dài 55km), với 4 làn xe, tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ Cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương (giai đoạn 1) dài khoảng 74km, chiều rộng nền đường 17m với 4 làn xe. Dự kiến tổng mức đầu tư 19.521 tỷ đồng.
Điểm dừng chân nghe nhịp sống chậm dần trong hương trà thoảng đưa
Bảo Lộc là một thành phố ôn đới, mát mẻ, là vùng đất nhiều mưa, ít nắng, nên thời tiết khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ, duy trì ở ngưỡng 21-23 độ C. Bởi vậy bạn có thể thực hiện chuyến du lịch Bảo Lộc vào bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng đều được. Tuy nhiên, bạn nên đi vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau là hợp lý nhất. Thời tiết lúc này mát mẻ, ít mưa và cũng là thời điểm diễn ra rất nhiều các hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn.
Từ tháng 3-6 là mùa hoa phấn hồng (hay còn gọi là kèn hồng). Nhiều bạn ở ngoài Bắc sẽ thấy khác lạ với loài hoa này. Nếu muốn ngắm hoa kèn hồng các bạn có thể đến các tuyến đường sau: đường Nguyễn Công Trứ, Kim Đồng, Lý Thái Tổ, Bùi Thị Xuân, Quốc lộ 20, Lý Thường Kiệt,… hoặc công viên Hồ Thượng Lưu Đồng Nai, khu vực phía đông hồ Nam Phương.
Những địa điểm du lịch không nên bỏ lỡ tại thành phố Bảo Lộc:
1. Đồi chè Tâm Châu
Được mệnh danh là thành phố chè, Bảo Lộc là nơi có diện tích trồng chè lớn nhất tại Lâm Đồng, cũng là nơi có diện tích trồng chè lớn nhất tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ. Chè được trồng ở đây chủ yếu là chè Ô long, thân thấp. Thương hiệu chè B’lao (tên cũ của Bảo Lộc) đã quen thuộc với những người yêu chè từ lâu. Chè B’lao không có vị đắng như chè Bắc, vị chát nhiều hơn, ngọt hậu và rất thơm.
Không có lịch sử lâu năm như đồi chè Cầu Đất (Đà Lạt), đồi chè Tâm Châu vẫn khiến du khách say lòng. Nếu có thể, bạn hãy dậy thật sớm và đến đây khi trời hẵng còn mù sương, ngắm nhìn những giọt sương còn đọng trên lá, thả bộ trên những con đường đất quanh hồ, và thưởng thức ly chè thơm nóng hổi trên tay.
2. Thác Dam B’ri
Cách trung tâm thành phố Bảo Lộc 18km, cao gần 57m, rộng 30m, Dam B’ri là thác nước cao và hùng vĩ nhất Lâm Đồng. Từ độ cao này, nước đổ xuống tung bọt trắng xóa, tạo thành một lớp sương mờ ảo. Cũng chính vì thế, những ngày có nắng, du khách luôn được chiêm ngưỡng cầu vồng tuyệt đẹp ngay dưới chân mình.
Dưới chân thác có một cây cầu nhỏ nối hai bờ, quanh năm bám rêu xanh, tạo vẻ lãng mạn nên thơ rất cổ kính, khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng. Ngoài ra, đến thăm Dam B’ri vào những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, du khách còn được dịp chiêm ngưỡng những dải hoa màu hồng khoe sắc rực rỡ.
3. Chùa Linh Quy Pháp Ấn
Cách thành phố Bảo Lộc khoảng 21km về phía Nam, chùa Linh Quy Pháp Ấn tọa lạc tại Đồi 45, Thôn 4, Lộc Thành, Bảo Lâm, Lâm Đồng - được mệnh danh là chốn bồng lai tiên cảnh với những cánh “cổng trời”, nơi bạn có thể phóng tầm mắt nhìn ngắm cả một khoảng không gian rộng lớn và hòa mình vào đất trời, núi non.
Để đến chùa Linh Quy Pháp Ấn, từ thành phố Bảo Lộc, bạn di chuyển theo đường Trần Phú, đến ngã 3 Đại Binh rẽ phải. Đến đây, bạn sẽ gặp đường vô xã Lộc Thành (Quốc lộ 55), đi ngang qua chợ Lộc Thành, bạn sẽ gặp cầu Đa Trăng, chạy qua cầu, chạy thẳng 1 đoạn gặp ngã 3 rồi rẽ phải gặp chùa Niết Bàn, chạy thẳng gặp ngã tư rẽ phải. Tiếp tục chạy thẳng, rồi rẽ trái theo hướng thôn văn hóa (Thôn 4 – Xã Lộc Thành), qua thôn văn hóa chạy khoảng 2km (nhìn bên tay trái có một con hẻm nhỏ) rẽ trái men theo hướng lên dốc, rồi rẽ trái theo bảng hướng dẫn (Quán Chiếu Đường) là tới Linh Quy Pháp Ấn.
4. Chùa Di Đà - thác Tam Hợp
Thác Tam Hợp nằm phía sau khuôn viên chùa Di Đà, hay còn gọi chùa Đang Đừng, thuộc buôn Đang Đừng, xã Đạ Tồn (Bảo Lộc). Chùa Di Đà cách trung tâm thành phố Bảo Lộc 35km, đi theo hướng thác Dam B’ri, rẽ phải vào Hoa viên Địa Tạng Vương, chùa cách đó khoảng 5km đường đất đỏ. Chùa Di Đà có quần thể kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa phong cách kiến trúc Phật Giáo, Châu Mạ và kiến trúc Việt. Trong khuôn viên chùa là những nếp nhà sàn bằng gỗ của người dân tộc, nóc mái chạm khắc phù điêu hoa văn, bên trong là những tượng Phật trang nghiêm.