Nhà máy nhiệt điện này được xây dựng và đi vào vận hành tổ máy đầu tiên từ năm 1974.
Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình được xây dựng và đi vào vận hành tổ máy đầu tiên từ năm 1974 (đã hoạt động 50 năm), hiện công nghệ đã cũ, lạc hậu, công suất nhỏ, hoạt động của cảng và các đường dây xuất tuyến ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc, quy hoạch đô thị Ninh Bình.
Ninh Bình từng có đề xuất lộ trình sớm dừng hoạt động nhà máy để thực hiện quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mới đây, Tổng Công ty Phát điện 3 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương và UBND tỉnh Ninh Bình xem xét, chấp thuận đưa dự án Nhà máy điện linh hoạt công suất 1.200MW tại Ninh Bình vào kế hoạch, quy hoạch điện VIII, thay thế Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình.
>> Tỉnh có 102km bờ biển mạnh tay chi hơn 25.000 tỷ đồng cho siêu tổ hợp khai thác hạ tầng cảng biển
Trên cơ sở hồ sơ đề án nghiên cứu phát triển dự án Nhà máy điện linh hoạt do Viện Năng lượng lập tháng 11/2023, dự án Nhà máy điện linh hoạt sẽ có công suất 1.200MW, được xây dựng tại Trung tâm năng lượng thuộc xã Kim Đông (huyện Kim Sơn, Ninh Bình), cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 45km.
Diện tích sử dụng đất khoảng 78,6ha, trong đó: Nhà máy 1.200MW khoảng 17,6 ha (gồm sân phân phối và trạm biến áp); 61ha phần diện tích hướng tuyến đường dây đấu nối và hành lang an toàn đấu nối về TBA 220kV Nghĩa Hưng (Nam Định).
Sản lượng điện hàng năm khoảng 2.564GWh, sử dụng công nghệ động cơ đốt trong pit-tông RICE.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 24.871 tỷ đồng, doanh thu vận hành hàng năm ước đạt 13.972 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước bình quân hàng năm khoảng 555 tỷ đồng (thuế thu nhập doanh nghiệp).
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Ninh Bình là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ.
Về mục tiêu, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực để đưa tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững. Đến năm 2030 là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á...
Đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương; một trung tâm hàng đầu đất nước về công nghiệp cơ khí giao thông hiện đại...