Tỉnh sẽ lên TP trực thuộc Trung ương sắp khởi động dự án cảng khách quốc tế hơn 7.000 tỷ lớn nhất khu vực phía Nam?
Nếu như được triển khai, Dự án Cảng khách quốc tế Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ là cảng có quy mô lớn nhất khu vực phía Nam với tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo và lấy ý kiến các nhà đầu tư tiềm năng về phương án đầu tư Cảng khách quốc tế Vũng Tàu.
Theo như báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT) và liên danh tư vấn, vị trí Cảng khách quốc tế tiếp tục được khảo sát tại khu vực Bãi Trước, sát sườn tổ hợp nhà ga Cáp treo Thủy cung đang được triển khai và đã đưa ra 4 phương án thiết kế.
Dựa trên cơ sở khảo sát, Sở GTVT và liên danh tư vấn đang ưu tiên lựa chọn phương án 1 với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng do tính phù hợp và đã có trong hồ sơ đề xuất quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải, đã được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thống nhất trong nội dung điều chỉnh quy hoạch của Bộ GTVT.
Cụ thể, quy mô xây dựng Cảng khách quốc tế tại Vũng Tàu gồm: Nhà ga hành khách kết hợp cửa hàng miễn thuế; văn phòng khách sạn và căn hộ du lịch; bến thuyền; bãi xe taxi, xe bus; các công trình hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, cầu tàu, kè bờ, đê chắn sóng; hoa tiêu, khu bến cảng công vụ... Cầu cảng bến tàu khách sẽ cho phép đậu 2 bên, đáp ứng cho cỡ tàu 225.000-228.000GT.
>> Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ xin 'trợ lực' thêm gần 1.000 tỷ đồng
Bến có tổng chiều dài 400m, trong đó sàn đón khách dài 140m, cầu cảng nối với bờ bằng cầu dẫn dài khoảng 700m.
Phía bên trong cầu cảng sẽ bố trí các bến 2 du thuyền, dịch vụ hàng hải cho hoa tiêu, bến tàu công vụ; bến thuỷ phi cơ sẽ được bố trí phía Đông và Đông Nam.
Nếu như được triển khai xây dựng, Cảng khách quốc tế Vũng Tàu sẽ có quy mô lớn nhất khu vực phía Nam.
Đông Nam Bộ là một trong những điểm đến du lịch quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là với những tiềm năng trong du lịch biển đảo. Tuy nhiên, vùng này hiện vẫn chưa có một cảng biển chuyên dụng để đón tiếp tàu du lịch và tàu khách đường biển, đặc biệt là các tàu du lịch quốc tế.
TP. HCM hiện đang triển khai dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - dự án có quy mô lớn nhất trong cả nước, bao gồm khu vực dành riêng cho các tàu khách đường biển; điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể cho việc tiếp nhận và vận hành các tàu du lịch biển.
Hiện tại, các tàu du lịch biển phải sử dụng các bến tạm tại các cảng hàng hóa như thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hoặc cảng Hiệp Phước (thành phố Hồ Chí Minh), gặp phải nhiều khó khăn về hạ tầng và dịch vụ. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang tích cực xem xét việc xây dựng cảng tàu biển quốc tế tại khu vực lấn biển phía Nam huyện Cần Giờ để gia tăng khả năng tiếp nhận tàu du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ cho ngành du lịch biển.
Theo chỉ đạo tại cuộc họp của ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Sở GTVT và liên danh tư vấn cần khẩn trương hoàn thiện báo cáo phương án ưu tiên theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Ông Khánh nhấn mạnh cần xác định rõ vai trò và chức năng của Cảng khách quốc tế Vũng Tàu; đây là công trình mang tính biểu tượng và đẳng cấp quốc tế, mỹ quan; phù hợp với quy mô một cảng đích chứ không phải cảng ghé; đây cũng là nơi tập trung và đảm bảo các hoạt động cộng đồng thường xuyên, là nơi tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh và khu vực.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc vùng Đông Nam Bộ, có diện tích 1.987km2 - nhỏ nhất khu vực. Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này sẽ trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là thành thành phố trực thuộc Trung ương sau năm 2030 theo quy hoạch.
>> Cây cầu 500 tỷ sắp 'về đích' tại TP. HCM: 'Biến' 10km thành 500m với 11 nhịp cầu
Huyện sắp lên quận TP. Hà Nội: Giá đất có nơi lên tới gần 100 triệu đồng/m2
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang được ‘ông lớn’ ngoại quốc nào sẵn sàng hợp tác phát triển?