Tỉnh sở hữu sân bay 5.800 tỷ nuôi tham vọng trở thành 'thủ phủ' của ASEAN trong lĩnh vực này
Theo quy hoạch, tỉnh này đã xác định mục tiêu vươn tầm trở thành trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông khu vực ASEAN.
Nuôi "giấc mơ lớn" trở thành 'thủ phủ' của ASEAN trong lĩnh vực này
Theo như Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được công bố, tỉnh này xác định mục tiêu tổng quát sẽ đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ vào năm 2030.
Ngoài ra, Quảng Trị cũng nuôi "tham vọng" trở thành một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á; trở thành hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mê Kông, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.
Mục tiêu GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 140-170 triệu đồng/người, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 8,2%.
Để tiếp thêm "trợ lực" trong quá trình cất cánh, tỉnh Quảng Trị cũng đã triển khai đủ 5 loại hình giao thông gồm: Đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển, đường hàng không; tiến hành xây dựng và nâng cấp các tuyến đường kết nối TP. Đông Hà, TX. Quảng Trị và các huyện với đường bộ cao tốc Bắc - Nam và các tuyến giao thông quốc gia.
Dự tính đến năm 2050, Quảng Trị sẽ trở thành một tỉnh có nền kinh tế vững mạnh, cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và trở thành một trong những cực tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực Bắc Trung Bộ cũng như vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; quốc phòng và an ninh đảm bảo, nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Để tạo bước đệm cho lộ trình này, tỉnh Quảng Trị đề xuất bổ sung quy hoạch cảng biển Vịnh Mốc và điều chỉnh hướng tuyến và chuyển điểm đầu cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo sang khu vực huyện Triệu Phong (Triệu Phong - Lao Bảo).
Cùng với đó bổ sung tuyến vận tải Cửa Tùng - Cồn Cỏ vào danh mục các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo của quốc gia; Quy hoạch nâng cấp tuyến sông Bắc Phước thành tuyến đường thủy nội địa địa phương, phát triển các bến thủy nội địa theo hướng linh hoạt và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đáp ứng đến năm 2030 đạt công suất khoảng 500.000 tấn/năm, 50.000 lượt hành khách/năm.
Đồng bộ và hoàn thiện hạ tầng logistics
Trong quy hoạch tỉnh Quảng Trị có đề cập đến hướng phát triển các trung tâm logistic, cảng cạn ở những khu vực có nhiều tiềm năng và lợi thế như: Khu kinh tế Đông Nam, La Lay, Cam Lộ, Hải Lăng, cảng Vịnh Mốc...
Việc đầu tư hệ thống kho bãi vận tải nhằm đáp ứng theo nhu cầu phát triển ở từng giai đoạn, nhằm bổ trợ và phát huy tối đa hiệu quả các trung tâm logistics trên địa bàn.
Ngoài 5 loại hình vận tải truyền thống như đề xuất, việc nghiên cứu phát triển đa dạng hóa các loại hình vận tải gồm những loại hình có ưu thế vận tải tại những khu vực có địa hình phức tạp như vận tải đường ống, vận tải băng truyền.
Nơi đây cũng sẽ hình các trung tâm thương mại liên vùng tại Khu kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo, TP. Đông Hà, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị...
Dự tính trong năm 2023, quy mô kinh tế năm 2023 của tỉnh Quảng Trị ước đạt 46.431 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người ước đạt 71 triệu đồng, tăng 9,06% so với năm 2022.
Quảng Trị là tỉnh nằm ở trung điểm đất nước, là điểm đầu kết nối trên tuyến đường huyết mạch chính của hành lang kinh tế Đông - Tây, nối với Lào - Thái Lan - Myanmar qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển miền Trung như Cửa Việt, Chân Mây, Đà Nẵng, Vũng Áng.
Nhờ nằm ở vị trí đắc địa mà tỉnh Quảng Trị có nhiều điều kiện để mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa và vận tải quốc tế cũng như phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.
Mới đây ngày 6/7, cảng hàng không Quảng Trị với tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng trên diện tích 265ha; đây không chỉ là công trình hạ tầng giao thông thuần túy nhằm phục vụ mục đích thương mại , dịch vụ và vận tải hàng hóa... mà còn chứa đựng ý nghĩa lớn lao khi trở thành biểu tượng của hòa bình, hợp tác, phát triển và hội nhập; là đòn bẩy cho sự phát triển nhanh và bền vững của quê hương, mảnh đất anh hùng.