Tỉnh sở hữu sân bay lớn nhất Việt Nam sẽ đón cao tốc 9.000 tỷ đồng vào năm 2027
Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2024, với mục tiêu cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2027.
Cuối tháng 7/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 theo phương thức PPP. Đây là một trong những dự án giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, với tổng mức đầu tư gần 9.000 tỷ đồng. Trong đó, gần 7.700 tỷ đồng là vốn do nhà đầu tư huy động và 1.300 tỷ đồng còn lại là vốn của Nhà nước.
Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2024, với mục tiêu cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2027.
Trong giai đoạn 1, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú sẽ có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, nhưng chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục. Khi hoàn chỉnh, tuyến đường sẽ có 4 làn xe với làn dừng khẩn cấp liên tục, mặt cắt ngang rộng 24m và vận tốc thiết kế 100km/h.
Dự án còn bao gồm việc xây dựng 26 cầu vượt qua đường ngang, 4 cầu trên nhánh nút giao, 24 hầm chui dân sinh và 31km đường gom hai bên, đảm bảo kết nối giao thông và hạn chế ảnh hưởng đến đời sống cư dân hai bên đường.
Bên cạnh đó, trạm dừng nghỉ sẽ được xây dựng tại Km40, với quy mô 3ha mỗi bên, chi phí giải phóng mặt bằng cho trạm dừng nghỉ cũng đã được tính vào tổng mức đầu tư của dự án.
Mục tiêu chính của dự án là đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 20, đồng thời hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP. HCM - Dầu Giây - Liên Khương. Dự án này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) cùng các sở, ngành và địa phương về việc triển khai dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1. Đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ngành và địa phương hỗ trợ triển khai dự án, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tỉnh Đồng Nai cũng được đề nghị sớm thành lập hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Hoàng, đã yêu cầu bốn địa phương có dự án đi qua sớm hoàn thành việc tổng hợp số liệu về giải phóng mặt bằng và gửi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 12/9. Trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp và trình UBND tỉnh phê duyệt tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, phân chia nhiệm vụ để các địa phương triển khai thực hiện trong tháng 10/2024.
Bà Hoàng cũng yêu cầu các địa phương rà soát lại các quy hoạch liên quan để đảm bảo sự phù hợp khi triển khai thực hiện, đồng thời tăng cường công tác quản lý xây dựng để tránh tình trạng xây dựng trái phép trong khu vực dự án. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long sớm bàn giao bản đồ mốc giới giải phóng mặt bằng cho các địa phương để tiếp tục triển khai các công việc tiếp theo.
Đồng Nai - một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, được hợp nhất từ hai tỉnh cũ là Biên Hòa và Long Khánh. Đây là tỉnh đông dân thứ năm cả nước, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là cửa ngõ phía Đông của TP. HCM. Trong tương lai, sân bay quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đang được xây dựng, hứa hẹn trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam. |
Siêu sân bay Long Thành có 2 tin vui lớn sau khi xác định thời gian cất cánh chuyến bay đầu tiên
Toàn cảnh 2 tuyến đường 'cửa ngõ' sân bay Long Thành sau 1 năm thi công