Tổ hợp hóa dầu hơn 5 tỷ USD lớn nhất Việt Nam công bố thời gian vận hành trở lại
Từ giữa tháng 10/2024, dự án này buộc phải tạm ngừng để kiểm soát tổng chi phí sản xuất kinh doanh.
Chiều 13/2, tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) tổ chức họp báo, chính thức thông tin về kế hoạch cải tạo LSP.
Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam, khởi công xây dựng từ năm 2018. Sau 9 tháng vận hành thử nghiệm, dự án chính thức đi vào hoạt động thương mại vào cuối tháng 9/2024.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 10/2024, dự án buộc phải tạm ngừng để kiểm soát tổng chi phí sản xuất kinh doanh, với kế hoạch tái khởi động khi điều kiện thị trường thuận lợi hơn.
Theo báo Công Thương, ông Kulachet Dharachandra – Tổng Giám đốc LSP cho biết, sản phẩm chủ lực của ngành hóa dầu là hạt nhựa, và nhu cầu tiêu thụ gắn liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hiện giá thị trường hạt nhựa đang ở mức thấp, dưới 1.000 USD/tấn, trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào biến động theo giá dầu thô.
![]() |
Quang cảnh buổi họp báo. Nguồn: Nguyễn Ngọc/congthuong.vn |
Trong vài năm trở lại đây, chênh lệch biên lợi nhuận (giá nguyên liệu đầu vào và giá bán ra) – đã giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục. Các doanh nghiệp hóa dầu trên toàn cầu cũng đang chịu ảnh hưởng từ tình trạng này.
“Hiện tại công ty vẫn theo dõi tình hình thị trường hàng tháng. Phần chênh lệch biên lợi nhuận thấp chỉ còn khoảng 300 USD/tấn, phần chênh lệch đó đã chạm đáy trong lịch sử và không thể thấp hơn nữa”, ông Dharachandra nhận định.
Ở góc nhìn lạc quan hơn, ông Kulachet Dharachandra cho rằng đây là giai đoạn LSP chấp nhận đối mặt với khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành, doanh nghiệp sẽ sở hữu nguồn sản phẩm chất lượng cao cùng đội ngũ nhân lực có chuyên môn vững vàng.
Trong thời gian chờ đợi chu kỳ ngành hóa dầu đi qua, LSP buộc phải tìm kiếm giải pháp thay thế, trong đó có việc sử dụng ethane – loại nguyên liệu có giá thấp hơn khoảng 30% so với nguyên liệu đầu vào trước đây.
Theo LSP, ưu tiên hàng đầu lúc này là duy trì và bảo đảm tài sản trong trạng thái sẵn sàng để có thể tái khởi động một cách suôn sẻ, đồng thời đảm bảo khả năng thanh khoản ổn định. Bên cạnh đó, công ty sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng thông qua các chương trình đào tạo và cải tiến, hướng tới mục tiêu trở thành một doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội.
Ông Kulachet Dharachandra cho biết, LSP đang chờ đợi những tín hiệu khả quan hơn từ thị trường, đặc biệt là sự cải thiện của giá dầu thô. Về thời điểm vận hành thương mại trở lại, ông nhận định có thể kéo dài qua quý I và quý II năm nay, thậm chí là lâu hơn tùy tình hình khả quan của thị trường sắp tới.
Đề cập đến dự án cải tạo sắp tới của LSP, Tổng Giám đốc của công ty ví đây như một “liều vắc-xin” giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức, trong đó yếu tố quan trọng nhất là tối ưu chi phí nguyên liệu đầu vào. Theo kế hoạch, LSP sẽ sử dụng ethane nhập khẩu từ Hoa Kỳ để thay thế, với sản lượng khoảng 1 triệu tấn mỗi năm theo hợp đồng kéo dài 15 năm.
Để thực hiện dự án cải tạo, công ty dự kiến chi khoảng 500 triệu USD, nguồn vốn được hỗ trợ từ dòng tiền nội bộ của SCG. Phần lớn khoản đầu tư này sẽ được sử dụng để xây dựng bể chứa ethane và cải tạo nhà máy cracking. Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2027 sau 2,5 năm xây dựng. “Khi hoàn thành 2 bể chứa này sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh cho LSP”, ông Kulachet Dharachandra kỳ vọng.
LSP là công ty thành viên của Công ty TNHH Đại chúng Hóa dầu SCG (SCG Chemicals - SCGC), hiện đang đầu tư vào dự án Hóa dầu Long Sơn với tổng vốn hơn 5 tỷ USD. Đây cũng là dự án hóa dầu tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam.
>> Sàn giao dịch carbon của Việt Nam sẽ được vận hành thí điểm vào tháng 6/2025
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việt Nam cần nhân rộng mô hình thu hút FDI như với Nvidia
Tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam sắp đón thêm 12 dự án FDI với tổng vốn gần 700 triệu USD