Đây cũng là tòa nhà chọc trời đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ này để giảm chấn kết cấu.
Trận động đất mạnh hơn 7,4 độ richter xảy ra hôm 3/4 đã khiến hơn 100 tòa nhà bị hư hại trên khắp Đài Loan (Trung Quốc). Dù vậy, tòa nhà cao nhất hòn đảo này vẫn trụ vững nhờ một "bí kíp" vô cùng đặc biệt.
Trận động đất khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và làm bị thương gần 1.000 người. Trong số hơn 100 tòa nhà hư hại, hơn phân nửa là ở thành phố Hoa Liên gần tâm chấn.
Đáng chú ý, tòa nhà cao nhất Đài Loan là tháp Taipei 101 (ở Đài Bắc) dường như vẫn hoạt động bình thường ngay trong động đất. Trong quá trình xây dựng gần 20 năm trước, tòa tháp cao 508m này được thiết kế có thể chống chịu các cú sốc địa chấn vượt quá mức tối thiểu theo quy định địa phương vào thời điểm đó.
Tòa nhà Taipei 101 |
Theo trang Business Insider, Taipei 101 - tòa nhà cao nhất thế giới khi được hoàn thành vào năm 2004 - cao khoảng 101 tầng. Hiện tại, Taipei 101 là tòa nhà cao nhất Đài Loan trị giá 1,8 tỷ USD, nằm ở quận Tín Nghĩa, Đài Bắc và cũng từng giữ danh hiệu tòa nhà cao nhất thế giới trong giai đoạn năm 2004-2010.
Tòa nhà chọc trời này được thiết kế bởi C.Y. Lee & Partners, công ty kiến trúc địa phương. Taipei 101 được trang bị một biện pháp phòng ngừa giúp công trình cực bền vững, giảm được 40% độ rung lắc tổng thể khi có động đất và gió mạnh. Thậm chí, nó có thể chống chọi với nhiều trận động đất mạnh mẽ.
Cụ thể, tòa nhà này có một thiết bị đặc biệt để bảo vệ nó khỏi động đất và gió lớn, đó là một con lắc thép nặng 660 tấn treo cách mặt đất hơn 30m. Quả cầu thép khổng lồ này được gọi là bộ giảm chấn khối lượng điều chỉnh và có khả năng làm giảm sự chuyển động của tòa nhà.
Quả lắc sẽ dao động qua lại tùy theo chuyển động của tòa nhà, ví dụ tòa nhà di chuyển theo 1 hướng, nó sẽ lắc lư theo hướng khác và duy trì sự cân bằng tổng thể.
Nếu gió hoặc lực động đất đẩy tháp sang bên phải, quả cầu sẽ tác dụng một lực tức thời và bằng nhau về bên trái, triệt tiêu chuyển động ban đầu. Vì vậy, mặc dù tòa nhà lắc lư nhưng nó sẽ không bị đổ.
Ngoài ra, nó cũng đang trang bị hệ thống cảm biến giúp phát hiện sự dịch chuyển của tòa nhà - được đầu tư tới 4 triệu USD.
Quả lắc là một ví dụ của hệ thống giảm chấn thụ động, nó sẽ hoạt động mà không cần sự điều khiển hay nguồn điện từ bên ngoài - chỉ cần trọng lực và chuyển động của tòa nhà. Taipei 101 cũng là tòa nhà chọc trời đầu tiên trên thế giới dùng con lắc để giảm chấn kết cấu.
Ngoài ra, tòa nhà Taipei 101 cũng được thiết kế tập trung lực chính vào hai cột trụ siêu lớn với kết cấu phức tạp. Cứ mỗi 8 tầng sẽ có thêm các hệ thống kết nối giữa các cột siêu lớn và khối trung tâm. Hệ thống này giúp phân tán lực tác động của gió bão ra nhiều hướng, làm cho tòa nhà ổn định hơn và giảm thiểu nguy cơ bị gió bão quật đổ.
Mô phỏng cấu trúc tòa nhà Taipei 101 |
Thậm chí, tòa nhà thậm chí còn chịu được một trận động đất mạnh hơn trong quá trình xây dựng trước đây và đối mặt với nhiều trận động đất cũng như cơn bão trực tiếp ở Đài Bắc kể từ khi hoàn thành.
Mặc dù hiện nay bộ giảm chấn có mặt ở các tòa nhà khác trên khắp thế giới, như Tháp Central Park của New York và Spire of Dublin của Ireland nhưng điều khiến Taipei 101 trở nên độc đáo là người xem có thể quan sát hoạt động của nó từ đài quan sát bên trong tòa tháp.
Khả năng đối phó với sức mạnh của tự nhiên không phải là đặc điểm ấn tượng duy nhất của Taipi 101. Tòa nhà còn sở hữu thang máy cực nhanh, có tốc độ tối đa 60,6km/h, giúp du khách đi từ tầng trệt lên đài quan sát chỉ trong vòng 37 giây.
Tòa nhà còn sở hữu thang máy cực nhanh, có tốc độ tối đa 60,6km/h, giúp du khách đi từ tầng trệt lên đài quan sát chỉ trong vòng 37 giây |
Tòa nhà này được xây dựng với mục đích làm nổi bật sự thịnh vượng của Đài Loan trên trường quốc tế vào những năm đầu thế kỷ XXI. Công trình còn mang ý nghĩa đại diện cho sự phát triển yếu tố công nghệ kết hợp với truyền thống châu Á. Không chỉ là điểm đến hút khách du lịch, nơi đây còn là điểm đón năm mới của người dân Đài Loan.