Sự kiện kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của 1.127 người và làm bị thương 2.500 người.
Từ lâu người ta biết đến Bangladesh là một quốc gia có ngành công nghiệp dệt may lớn, mang lại 47 tỷ USD trong năm ngoái, chiếm hơn 85% trong tổng kim ngạch 55 tỷ USD của nước này. Hiện tại, Bangladesh có khoảng 5.000 nhà máy dệt may và 3,6 triệu công nhân.
Trong số đó, Rana Plaza, nằm tại thị trấn Savar, ngoại ô Dhaka, được biết đến là một trong những nhà máy nổi tiếng tại "đại công xưởng" này. Tuy nhiên, tháng 4/2013, một sự kiện kinh hoàng đã diễn ra tại nơi đây, cướp đi sinh mạng của 1.127 người và làm bị thương 2.500 người.
Vụ sập đã khiến 1.127 người thiệt mạng. Ảnh: The Guardian |
Vụ tai nạn thảm khốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn lao động trầm trọng tại các nước đang phát triển mà hơn hết là các chính sách bảo vệ người lao động của các công ty lớn có nhà máy tại các quốc gia này.
Thảm kịch kinh hoàng
Ngày 23/04/2013, hàng loạt các công nhân làm việc tại Rana Plaza được đưa ra khỏi tòa nhà khi nơi đây xuất hiện nhiều vết nứt trên tường tòa nhà. Tuy nhiên, chủ sở hữu cho biết kết quả của kiểm tra cho thấy tòa nhà có cấu trúc vững chắc.
Sáng hôm sau, các công nhân tiếp tục bày tỏ lo ngại về sự an toàn của tòa nhà Rana Plaza khi họ nhận thấy tường, cột và sàn nhà tại nhà máy này cũng gặp hiện tượng nứt tương tự như các bức tường. Lo sợ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, nhiều công nhân nói với ban quản lý rằng họ từ chối làm việc trong tòa nhà này.
Tuy nhiên, chủ xưởng may vẫn không hề có động thái gì ngoài việc yêu cầu các công nhân tiếp tục làm việc. Trong khi đó, nhân viên ngân hàng và các cửa hàng nằm ở tầng dưới tòa nhà đều được sơ tán vào ngày hôm trước khi xảy ra vụ việc.
Ngay sau đó, tòa nhà bị cắt điện, các vết nứt ngày càng mở rộng khiến bê tông rơi xuống. Và chỉ 90 giây sau, vào lúc 8 giờ 45 phút giờ địa phương, tòa Rana Plaza cao 8 tầng đã sụp đổ xuống như quân cờ domino, khiến 1.127 công nhân thiệt mạng và hơn 2.500 người khác bị thương.
Sau khi sụp đổ, tòa nhà lẫn trong đám khói mù mịt, nơi từng là công xưởng may mặc trở thành đống đổ nát với cảnh tượng kinh hoàng.
Tòa nhà Rana Plaza trở thành một đống đổ nát sau vụ sập. Ảnh: Reuters |
Nguyên nhân thảm họa sập tòa Rana
Các chuyên gia cho biết vụ sập nhà máy may mặc là sự cố "hoàn toàn có thể phòng ngừa được". Tuy nhiên, sai sót trong khâu quản lý đã góp phần gây ra thảm họa kinh hoàng này.
Điều tra cho thấy, các phần của tòa nhà được xây dựng mà không có giấy phép của thành phố. Trong đó, từ tầng thứ năm đến tầng tám của tòa nhà được xây dựng mà không có cấu trúc trụ đỡ. Các thiết bị nặng được sử dụng để may quần áo được cho là vượt quá khả năng đỡ của tòa nhà. Do vậy, khi các vết nứt ngày càng sâu, tòa nhà chắc chắn sẽ sụp đổ.
Cần trục được huy động để đào bớt đống đổ nát |
Mặc dù những việc cấu trúc không chắn chắn của tòa nhà là điều khiến thảm kịch diễn ra, nhưng về phía khách quan, việc ban điều hành xưởng may đặt lợi ích của việc đáp ứng đơn đặt hàng lên trên sự an toàn của những công nhân mới là nguyên nhân thực sự của thảm kịch này.
Bài học đắt giá sau thảm kịch
Được biết, điều kiện làm việc trong ngành công nghiệp tỷ USD này rất nghiệt ngã. Mức lương tối thiểu cho công nhân may mặc ở Bangladesh thuộc hạng thấp nhất trên thế giới, vào khoảng 38 USD/tháng (chưa đến 800 nghìn VNĐ/ tháng).
Trong số các nước châu Á mạnh về xuất khẩu hàng dệt may, Bangladesh được xem là nước có giá bán rất cạnh tranh vì giá nhân công thấp. Giá nhân công bình quân ở Bangladesh thấp hơn cả Pakistan và Sri Lanka. Chính vì vậy, Bangladesh đã trở thành một trong những đối thủ cạnh tranh lớn của các nước trong khu vực vì nhân công giá rẻ.
Bên cạnh đó, trong số 3,6 triệu công nhân may thì có tới 85% là phụ nữ. Họ phải làm việc liên tục trong 14-16 giờ mỗi ngày. Ngoài vấn đề lương thấp và số giờ làm nhiều, công nhân may ở Bangladesh còn phải đối mặt với nguy cơ mất mạng bất cứ lúc nào vì an toàn lao động quá kém.
Sự cố kinh hoàng này vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều người dân tại nơi đây. Ảnh: Internet |
Theo Tổ chức chống đói nghèo WOW (Anh), bên cạnh việc không đảm bảo chất lượng công trình, hầu hết các xưởng may ở Bangladesh đều không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy. Điều này đã khiến ít nhất 1.800 công nhân may mặc đã thiệt mạng trong các vụ cháy nhà xưởng và các vụ sập nhà ở Bangladesh.
Sau vụ sập xưởng thương tâm, đã có người bị truy tố với tội giết người và 38 người có liên quan đã phải hầu tòa. Hơn 200 công ty may mặc từ 20 quốc gia đã ký Hiệp ước về Phòng cháy chữa cháy và an toàn lao động ở Bangladesh để ngăn chặn thảm kịch tương tự xảy ra. Những công ty ký Hiệp ước bao gồm American Outfitters của Mỹ, Abercrombie & Fitch, Zara, và H&M.
Một báo cáo của Mark Anner, giám đốc trung tâm bảo vệ quyền của người lao động cho thấy hiệp ước đã có hiệu lực giúp nâng cao mức độ an toàn và cải thiện điều kiện của hàng triệu lao động tại Bangladesh.
Đồng thời, các nhà lãnh đạo công ty may mặc lớn đã có cuộc gặp cùng đại diện phía người lao động để xem xét tình trạng khó khăn và đưa ra giải pháp hỗ trợ người lao động của quốc gia này.