'Đại địa chấn' thảm khốc nhất lịch sử nhân loại khiến 830.000 người chết, san phẳng 'cái nôi của nền văn minh Trung Quốc'

21-03-2024 21:23|Quỳnh Châu

Cho đến nay, các nhà sử học đều nhất trí rằng trận động đất đó không phải là mạnh nhất, nhưng lại là trận động đất có số người chết lớn nhất.

Không có gì chứng minh sức mạnh của “Mẹ thiên nhiên” hơn là một trận động đất. Chỉ trong nháy mắt, Trái Đất giải phóng một nguồn năng lượng “vô biên", dễ dàng “quét sạch" một nền văn minh trong nháy mắt.

Và khi nói đến một trong những sự kiện diệt vong nhất trong lịch sử loài người, địa chấn năm 1556 - thứ đã tàn phá "cái nôi của nền văn minh Trung Quốc" - thành phố Tây An thuộc Thiểm Tây - luôn khiến nhiều người phải run rẩy khi nhắc lại.

'Đại địa chấn' thảm khốc nhất lịch sử nhân loại khiến 830.000 người chết, san phẳng 'cái nôi của nền văn minh Trung Quốc'
Hình ảnh minh hoạ quy mô trận động đất năm 1556. Ảnh: Prezi

Sáng ngày 23/1/1556, một trận động đất dữ dội làm rung chuyển tỉnh Thiểm Tây. Trận động đất chỉ kéo dài vài giây nhưng ước tính đã trực tiếp giết chết 100.000 người, kéo theo đó là chuỗi lở đất, hố sụt, hỏa hoạn, di cư, nạn đói... Số người chết được nhà Minh chép lại lên tới 830.000 người - 60% dân số của 2 tỉnh, tổng hợp từ các số liệu địa phương.

Con số này không cao bằng tổng số người chết trong các sự kiện lớn như Thế chiến I và Thế chiến II hay trong những đợt đại dịch, nạn đói, lũ lụt... nhưng xem xét mức độ thiệt hại trong một ngày, trận động đất Thiểm Tây - còn gọi là trận động đất Gia Tĩnh (vì xảy ra dưới thời vua Gia Tĩnh của nhà Minh) - được coi là chết chóc nhất lịch sử, theo Science Alert.

Các nhà chép sử thời bấy giờ mô tả động đất Gia Tĩnh rất khác biệt, vì khiến cho những ngọn núi bị san phẳng, lụt lội, hỏa hoạn xảy ra triền miên, làm thay đổi hoàn toàn cảnh quan thiên nhiên ở miền Trung Trung Quốc.

Ở Hóa Châu, Vị Nam, Thiểm Tây, không một căn nhà nào còn tồn tại sau động đất, hơn một nửa số dân ở khu vực thiệt mạng. Trong phạm vi 500km tính từ tâm chấn, không đâu là không ghi nhận người chết. Khi phát triển thang đo cường độ động đất Richter vào những năm 1930, các nhà khoa học đã phác họa lại trận động đất ở Thiểm Tây và phát hiện cường độ động đất vào khoảng 8-8,3 độ Richter.

Nhiều trận động đất mạnh hơn xảy ra trước và sau đó. Tuy nhiên, do địa chất và thiết kế đô thị của nơi này vào năm 1556, thảm họa gây ra thiệt hại lớn khác thường cho các thành phố lân cận.

'Đại địa chấn' thảm khốc nhất lịch sử nhân loại khiến 830.000 người chết, san phẳng 'cái nôi của nền văn minh Trung Quốc'
Theo tài liệu lịch sử được các địa phương trong khu vực chịu động đất đặc biệt nghiêm trọng ghi chép lại, số người chết trong trận động đất ước tính là 830.000 người. Ảnh: Baike

Biên niên sử Địa phương (tồn tại từ năm 1177 Trước Công nguyên) miêu tả sức tàn phá của trận động đất một cách chi tiết, thậm chí khẳng định, núi sông đã thay đổi vị trí. "Ở một số nơi, mặt đất đột ngột nhô lên tạo thành những ngọn đồi mới hoặc bất ngờ sụt xuống và trở thành thung lũng. Ở những nơi khác, một dòng suối bỗng nhiên tuôn ra hoặc đất nứt ra và xuất hiện rãnh nước mới. Lều trại, nhà quan, đền đài và tường thành đột ngột sụp đổ", Biên niên sử viết.

Tâm chấn nằm ở thung lũng sông Vị Hà, nơi có địa chất độc đáo vì đi qua cao nguyên Hoàng Thổ, Trung Bắc Trung Quốc. Cao nguyên nằm ở phía Đông Nam sa mạc Gobi và hình thành từ hoàng thổ - loại trầm tích giống phù sa được tạo nên do sự tích tụ của bụi thổi từ sa mạc tới.

Ngày nay, người dân biết rằng cao nguyên thường xuyên xảy ra sạt lở chết chóc. Nhưng vào thời điểm đó, nhiều ngôi nhà được xây trực tiếp vào vách đá hoàng thổ mềm, tạo nên những hang động gọi là yaodong. Khi động đất xảy ra vào sáng sớm, nhiều hang nhân tạo này sụp đổ, chôn vùi người bên trong và gây sạt lở khắp cao nguyên. Hơn nữa, nhiều công trình trong thành phố thời đó làm bằng đá nặng, gây thiệt hại nặng nề khi sụp đổ.

Các ghi chép lịch sử cho chúng ta biết rằng các thành phố như Hoa Âm, Vị Nam và Hoạt đã phải chứng kiến ​​mọi tòa nhà bỗng chống biến thành đống đổ nát trong nháy mắt.

Một số người sống sót kể rằng, họ “nhìn thấy vết nứt tách ra từ mặt đất khiến nước phun lên, tường thành và các công trình bằng đá đổ sập trong tích tắc, đồng bằng bỗng chốc biến thành những quả đồi…”

'Đại địa chấn' thảm khốc nhất lịch sử nhân loại khiến 830.000 người chết, san phẳng 'cái nôi của nền văn minh Trung Quốc'
Hang động hoàng thổ từ thời xa xưa vẫn được gìn giữ cho tới ngày nay. Ảnh: History Daily

Sau trận động đất lịch sử, nhiều người bắt đầu chuyển sang xây nhà bằng tre và gỗ, chống chịu động đất tốt hơn và nếu có đổ sập thì gây thiệt hại ít hơn.

Trận động đất Thiểm Tây năm 1556 liên quan đến ba đứt gãy lớn, tạo thành ranh giới của lưu vực sông Ngụy. Theo phân tích địa chất năm 1998 của nhóm nghiên cứu từ Đại học Bắc Kinh về trận động đất năm 1556, đứt gãy Bắc Hoa Sơn đóng vai trò quan trọng trong sự kiện Thiểm Tây, vì quy mô và sự dịch chuyển của nó là lớn nhất. Tất cả 26 trận động đất được ghi trong biên niên sử đều có tâm chấn ở lưu vực này.

>> Tòa nhà 'chọc trời' 325m chống động đất, chi phí 'khủng' gần 100.000 tỷ, có nơi trú ẩn khẩn cấp sức chứa 3.600 người

Vụ nổ chấn động san phẳng toàn bộ diện tích 1.300km2, giải phóng khối năng lượng gấp 185 lần bom nguyên tử thả xuống Hiroshima

Phong tỏa hiện trường núi lở làm 70.000m3 đất đá san phẳng nhiều nhà dân, 1.000 nhân viên cứu hộ cùng hơn 150 máy xúc tham gia ứng cứu

Vụ nổ tàu lớn nhất lịch sử có sức công phá tương đương 3.000 tấn thuốc nổ: 7.000 người thương vong, gần như san phẳng toàn bộ thành phố

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dai-dia-chan-tham-khoc-nhat-lich-su-nhan-loai-khien-830000-nguoi-chet-san-phang-cai-noi-cua-nen-van-minh-trung-quoc-227236.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
'Đại địa chấn' thảm khốc nhất lịch sử nhân loại khiến 830.000 người chết, san phẳng 'cái nôi của nền văn minh Trung Quốc'
POWERED BY ONECMS & INTECH