Toàn cảnh khu vực xây khu đô thị 160ha mô hình TOD đầu tiên của TP. HCM, ‘mở khóa’ ách tắc giao thông nội đô
Ga Phước Long cùng một số nhà ga dọc tuyến Metro số 1 được đề xuất phát triển đô thị theo mô hình TOD.
UBND TP. HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện các khu vực TOD (Transit-Oriented Development - phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2, tuyến Vành đai 3 theo Nghị quyết 98/2023.
TP. HCM xác định 2 giai đoạn triển khai TOD. Trong đó, giai đoạn 2024-2025 sẽ thí điểm 9 vị trí xung quanh tuyến Metro số 1, số 2 và đường Vành đai 3.
TP. HCM sẽ triển khai thí điểm mô hình TOD tại 9 vị trí khu vực dọc tuyến Metro số 1. Ảnh: Báo Giao Thông |
Cụ thể, Metro số 1: Khu vực quanh ga Phước Long (khu Trường Thọ, TP. Thủ Đức), diện tích hơn 160ha. Metro số 2: Ba vị trí gồm Ô phố I/82a, Tây Thạnh (26,65ha); Trung tâm Triển lãm và Trung tâm Thể dục thể thao quận Tân Bình (5,1ha); khu C30 gần ga Lê Thị Riêng (40,9ha).
Khu vực quanh ga Phước Long sẽ được lựa chọn thí điểm mô hình TOD đầu tiên. Với diện tích hơn 160ha, đây sẽ là khu tái thiết đô thị, thay thế các nhà kho, bến bãi, nhà máy gây ô nhiễm bằng một trung tâm kinh tế năng động, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị hiện đại.
Phối cảnh khu đô thị nén quanh ga Phước Long tuyến Metro số 1. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. HCM |
Báo Lao Động ghi nhận, phía bên phải ga Phước Long (Hướng từ ngã tư MK đến cầu Rạch Chiếc) là cụm cảng Trường Thọ, đã được TP. HCM lên kế hoạch di dời.
Trong khi đó, nhà máy xi măng lâu đời nhất TP. HCM nằm trong khu vực dự kiến TOD là nhà máy xi măng Hà Tiên với diện tích 104ha đã được di dời từ năm 2019. Đây là bước đầu để cải thiện môi trường và tạo không gian phát triển khu đô thị mới quanh tuyến Metro số 1.
Khu vực trước đây là nhà máy Xi măng Hà Tiên nay đã di dời. Ảnh: Anh Tú |
TOD (Transit Oriented Development) là mô hình phát triển đô thị tại khu vực lân cận (trong bán kính có thể đi bộ, từ 500 - 1.000m) các nhà ga. Đây là mô hình đã thành công tại các siêu đô thị ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Mô hình TOD tối ưu hóa giá trị đất đai quanh các nhà ga, tạo thêm nguồn vốn tái đầu tư hạ tầng giao thông. Đồng thời, TOD tăng mật độ dân cư gần các điểm giao thông trọng yếu, thúc đẩy sức hấp dẫn của hệ thống giao thông công cộng và giảm thiểu ách tắc giao thông đô thị.
Theo đề án, mạng lưới metro thành phố sẽ tạo ra khoảng 100 khu đô thị TOD. Các khu đô thị tạo ra 1 triệu căn hộ để 1/2 dân số thành phố được hưởng các điều kiện sống văn minh - hiện đại.
Theo Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM, Thành phố được phép thí điểm mô hình TOD và sử dụng ngân sách đầu tư công để bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các khu vực gần nhà ga metro và nút giao Vành đai 3.
UBND TP. HCM hiện đã giao các cơ quan chức năng lập phương án xác định ranh giới chi tiết, tình trạng pháp lý của quy hoạch đất đai và các chức năng phát triển đô thị tại khu vực này.
TP. HCM dự kiến hoàn thành quy trình lập quy hoạch điều chỉnh, chọn nhà đầu tư và sẽ phê duyệt dự án vào năm 2025.
>> 9 hạng mục của metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên chính thức hoàn thành