Vĩ mô

Toàn cầu 'thắt lưng buộc bụng', loạt thế mạnh tỷ USD hạ mục tiêu xuất khẩu

Tâm An 13/08/2023 - 07:09

Lạm phát khiến người tiêu dùng toàn cầu phải “thắt lưng buộc bụng” để cân đối chi tiêu. Nhiều nông sản vốn là thế mạnh tỷ USD của Việt Nam gặp khó, phải hạ mục tiêu xuất khẩu.

Xuất khẩu sang thị trường Âu - Mỹ giảm mạnh

“Đã sang tháng 8 nhưng thị trường xuất khẩu vẫn chưa phục hồi, đơn hàng không có”, Phó Tổng giám đốc một công ty xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chia sẻ với PV. VietNamNet chiều 8/8.

Vị này cho biết, đầu năm nay doanh nghiệp của ông đặt mục tiêu doanh thu khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, đến hiện tại, đơn hàng xuất khẩu chỉ bằng 20% so với cùng kỳ năm 2022, tức giảm 80%. 

Trong khi đó, nguồn vốn của doanh nghiệp đã cạn kiệt, muốn vay vốn từ gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng cũng không dễ. Vậy nên, năm nay kết quả kinh doanh ra sao vẫn chưa có cơ sở nào để tính toán, vị lãnh đạo DN than thở.

Thông tin từ Bộ NN-PTNT, đến hết tháng 7/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản chỉ đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Xuất khẩu thuỷ sản giảm mạnh (Ảnh: Phạm Hoàng Giám)

Ngoài mặt hàng gạo và rau quả bùng nổ đơn hàng đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng cao kỷ lục, nhiều nhóm hàng trong “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” của ngành nông nghiệp vẫn ghi nhận mức giảm sâu.

Đơn cử, trong 7 tháng năm 2023, xuất khẩu thuỷ sản chỉ thu về 4,95 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh 36%, tôm và cá ngừ cùng giảm 27%. 

Hay xuất khẩu các mặt hàng lâm sản đạt 7,79 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện, hàng nông lâm thuỷ sản được xuất khẩu chủ yếu sang châu Á (chiếm 48,3%), châu Mỹ (22,4%) và châu Âu (11,3%). Song, tính đến hết tháng 7 năm nay, riêng thị trường châu Á ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ 2,3%; châu Mỹ và châu Âu giảm mạnh, lần lượt ở mức 29,2% và 13,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính theo quốc gia và vùng lãnh thổ, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023. Nhưng chỉ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022; còn xuất khẩu sang Mỹ giảm 29,3% và Nhật Bản giảm 6,9%. 

Theo Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), xung đột Nga - Ukraine tác động đến xu hướng định hình lại chuỗi cung ứng quốc tế, lạm phát lan ra toàn cầu buộc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hàng tồn kho tại Mỹ, Nhật, EU tăng,... là những nguyên nhân khiến đơn hàng xuất khẩu của ngành nông nghiệp sụt giảm mạnh.

Báo cáo của Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cũng cho thấy, các thị trường chủ lực của hạt điều Việt Nam đều chủ động "thắt lưng buộc bụng", giảm chi tiêu đối với những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu khiến xuất khẩu mặt hàng này bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, doanh nghiệp điều còn gặp khó khi các nước châu Phi đang tiến dần đến việc tự sản xuất chế biến nhân điều. Theo đó, nguồn nguyên liệu châu Phi nhập về Việt Nam thường là điều thô phẩm cấp thấp. Doanh nghiệp nhập hàng lưu kho thời gian dài dẫn đến chất lượng điều nhân chế biến cũng giảm sút.

Hạ mục tiêu xuất khẩu 

Trước những khó khăn ngành điều đang gặp phải, VINACAS một lần nữa đề nghị điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu điều năm 2023 xuống 3,05 tỷ USD. Trước đó, hiệp hội này cũng xin điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu từ 3,8 tỷ USD theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT xuống 3,1 tỷ USD.  

Ở nhóm hàng lâm sản, sau khi lập lỷ lục năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 17 tỷ USD, đầu năm nay, ngành hàng thế mạnh này của nước ta kỳ vọng xuất khẩu thu về 18 tỷ USD. Song, trước những thách thức từ thị trường xuất khẩu, mục tiệu hạ còn 14 tỷ USD.

Tương tự, ngành thuỷ sản năm ngoái cũng bội thu bởi xuất khẩu thu về gần 11 tỷ USD. Trong đó, cá tra, tôm phá vỡ tất cả các kỷ lục xuất khẩu trước đó, còn cá ngừ chính thức thành con cá tỷ USD của Việt Nam. 

Nhưng trước đà xuất khẩu lao dốc, trong 2 kịch bản xuất khẩu những tháng cuối năm, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã hạ mục tiêu xuất khẩu xuống thấp hơn nhiều so với năm 2022.

Cụ thể, ở kịch bản 5 tháng cuối năm xuất khẩu thuận lợi, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD, giảm 15-16% so với năm 2022. Trong đó, cá tra giảm 28% đạt 1,7-1,8 tỷ USD; cá ngừ, mực và bạch tuộc sẽ giảm khoảng 14-15% đạt lần lượt 870 triệu USD và 650 triệu USD...

Ở kịch bản kém lạc quan, xuất khẩu có thể chỉ mang về 8,5-8,7 tỷ USD. Xuất khẩu hải sản sẽ xấu hơn nếu kết quả thanh tra chương trình chống khai thác IUU của EC (Cộng đồng châu Âu) tháng 10 tới không đạt được kỳ vọng tháo gỡ thẻ vàng.

Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP, các doanh nghiệp thủy sản cần giữ liên hệ chặt chẽ đối với các nhà nhập khẩu, giữ cho được các thị trường có nhu cầu lớn. Từ đó, đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn phục hồi. Từ nay đến cuối năm, đặc biệt quan tâm tới thị trường Trung Quốc, bởi thị trường này phục hồi tương đối nhanh.

Dù nhiều thế mạnh tỷ USD được dự báo xuất khẩu giảm, tuy nhiên, tại họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, mục tiêu xuất khẩu 54-55 tỷ USD của ngành nông nghiệp có thể hoàn thành nếu hai ngành chủ lực là lâm nghiệp và thủy sản lấy lại được đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023.

Một số tín hiệu lạc quan đã xuất hiện. Trong đó, nhiều thị trường lớn, tiềm năng với hai ngành kể trên như Mỹ, EU... tăng dần sức mua, vị Thứ trưởng cho hay.

Hoạt động xuất khẩu gỗ của Phú Tài (PTB) sẽ cải thiện khi Fed hạ lãi suất

Mặt hàng giúp Việt Nam thu về hàng chục tỷ USD dự báo gặp khó trong những tháng cuối năm

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/toan-cau-that-lung-buoc-bung-loat-the-manh-ty-usd-ha-muc-tieu-xuat-khau-2175103.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Toàn cầu 'thắt lưng buộc bụng', loạt thế mạnh tỷ USD hạ mục tiêu xuất khẩu
    POWERED BY ONECMS & INTECH