Tổng kết năm, các doanh nghiệp dệt may đua nhau báo lãi lớn
Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, đúng kế hoạch đề ra. Các công ty lớn như Vinatex, Phong Phú, Thành Công, Hòa Thọ báo lãi tăng mạnh, bất chấp thách thức toàn cầu và áp lực cạnh tranh.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD, đúng với kế hoạch đề ra. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường chủ lực với kim ngạch ước đạt 16,71 tỷ USD (+12,33% so với năm 2023), chiếm 37,98% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường lớn khác gồm Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN cũng đóng góp quan trọng vào thành công chung của ngành.
Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường: xung đột leo thang ở nhiều khu vực, giá xăng dầu và cước vận tải biến động mạnh, kinh tế - thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, thiên tai, biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng diễn biến phức tạp.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS nhận định, dù giá không tăng nhưng kết quả năm 2024 vẫn khả quan. Nguyên nhân là doanh nghiệp đã tận dụng tốt sự chuyển dịch đơn hàng xuất khẩu từ một số quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc. Hiện nay, hầu hết các công ty dệt may đã có đơn hàng đến quý I/2025 và đang đàm phán đơn hàng cho quý II/2025. Tuy nhiên, do đơn giá chưa tăng, ngành dệt may Việt Nam cần cải thiện hơn nữa để nâng cao giá trị xuất khẩu.
Năm 2025, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 47 - 48 tỷ USD.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam |
Các doanh nghiệp đua nhau báo lãi lớn
Ngành dệt may khởi sắc, nhiều công ty đồng loạt báo lãi lớn dù chưa hoàn toàn kết thúc năm 2024.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - UPCoM: VGT) dự kiến doanh thu hợp nhất năm 2024 đạt 18.100 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 740 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 38% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân người lao động đạt 10,1 triệu đồng/tháng, tăng 7% so với năm 2023. Vinatex dự báo thách thức năm 2025 sẽ không giảm, khi kinh tế toàn cầu còn bất định và nguồn cung dệt may tăng trở lại do các đối thủ phục hồi. Tuy nhiên, nhờ sự cải thiện của đơn hàng, Vinatex đặt mục tiêu tăng 6% doanh thu và 10% lợi nhuận so với năm 2024.
Tổng CTCP Phong Phú (UPCoM: PPH) đã hoàn thành kế hoạch năm với doanh thu ước đạt 2.550 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 352 tỷ đồng, tăng lần lượt 21% và 10% so với năm 2023. Năm 2025, công ty đặt mục tiêu doanh thu 2.600 tỷ đồng và lợi nhuận 355 tỷ đồng, đồng thời đẩy mạnh tự động hóa, phát triển sản phẩm mới và tiết giảm chi phí.
CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) ghi nhận lũy kế 11 tháng của năm 2024 với doanh thu 3.481 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 263 tỷ đồng (tăng 49% so với cùng kỳ), hoàn thành 94% và 163% kế hoạch năm. Về cơ cấu doanh thu, mảng may chiếm 76%, vải 16%, và sợi 7%. Thành Công đã kín đơn hàng cho quý I/2025 và đang tiếp nhận đơn hàng quý II/2025.
Tổng CTCP Dệt May Hòa Thọ (HoSE: HTG) vừa tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 vào ngày 18/12. Năm nay, công ty ghi nhận doanh thu ước đạt 4.950 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch năm, lợi nhuận 336 tỷ đồng, vượt 53% kế hoạch năm và đạt mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Đặc biệt, mảng thời trang nội địa dù gặp khó khăn vẫn đạt doanh thu gần 100 tỷ đồng (tăng 8% so với năm 2023) và lợi nhuận gần 9 tỷ đồng.
>> Dệt may Thành Công (TCM) đạt 163% mục tiêu lợi nhuận năm, đã kín đơn hàng đến hết quý I/2025
Nhận định chứng khoán tuần cuối năm 2024: VN-Index trở nên 'khó đoán'
Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc tha thiết xin đầu tư tuyến cao tốc 19.600 tỷ đồng tại Việt Nam